Sống bất an trong vùng nguy cơ sạt trượt đồi núi

Thứ Ba, 08/10/2024, 07:35

Người dân Thừa Thiên Huế đến nay vẫn ám ảnh sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Thủy điện Rào Trăng 3 mấy năm trước, khiến 13 đồng chí là chỉ huy, lãnh đạo, cán bộ hy sinh và 17 công nhân tử vong tại công trình thi công thủy điện. Hay vụ trượt lở đất đồi núi Phú Gia khiến nhà cửa của dân bị vùi lấp, hoa màu hư hại, giao thông tê liệt…

Vì vậy, những ngày này, khi mưa to kéo dài từ ngày này sang ngày khác; nhiều hộ dân sống ở các khu vực luôn trong tình trạng bất an.

Sáng 7/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông… trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là các điểm sạt lở, sạt trượt từng xảy ra như: khu vực đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia, đường đi lên Bạch Mã (huyện Phú Lộc) hay tuyến đường 71 lên các nhà máy thủy điện…

sat-truot2.jpg -0
Sạt trượt đất ở núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) vào đợt mưa giữa tháng 9/2024.

Đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão, hộ ông Ngô Ngọc Tuấn (trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) luôn sống thấp thỏm dưới chân đèo Phú Gia - khu vực sạt lở nằm trong diện phải di dời. “Cứ vào mùa mưa bão, cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa vì sợ đất đá từ đèo có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào. Trong cơn lũ lịch sử vào năm 1999, khu vực đèo Phú Gia đã từng một lần bị sạt lở và chôn vùi một căn nhà sát nhà tôi. Tiếp đó, năm 2013, năm 2021, khu vực này tiếp tục vẫn xảy ra sạt trượt đất. Vẫn biết là sống trong hiểm nguy nhưng để di chuyển đến nơi khác sinh sống thì tôi cũng như nhiều gia đình ở đây không có điều kiện”.

Theo người dân sống dưới chân đèo Phú Gia, đợt mưa lớn cách đây gần 20 ngày, một khối lượng đất đá trên đồi núi Phú Gia cũng đổ xuống nhưng may mắn trước đó vài giờ đồng hồ, người dân đã được Công an xã và chính quyền địa phương hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, từ nhiều năm nay, khu vực núi Phú Gia luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi khi từ năm 2008 bắt đầu xuất hiện vết gãy nứt lộ rõ với chiều dài 200m, bề ngang 1,5m do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi.

“Qua theo dõi của chính quyền xã, từ nhiều năm qua, vết nứt gãy này không kéo dài và rộng thêm nhưng vẫn có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Vì thế, cứ vào mùa mưa bão, gần đây là giữa tháng 9 vừa qua, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tổ chức lệnh di dời khẩn cấp  các hộ dân đến nơi an toàn để tránh trú”, ông Cường cho hay. Được biết, năm 2023, cơ quan chức năng cũng đã lên kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho người dân sống dưới chân núi Phú Gia nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Cùng với nỗi lo của nhiều hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia, các hộ dân ở xóm Khe Lệ dưới chân núi Thổ Sơn (xã Lộc Tiến) cũng đứng ngồi không yên mỗi khi mùa mưa bão về. Ông Phan Hữu Hùng (SN 1954, trú thôn Thổ Sơn) cho biết, nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa bão, các hộ dân sống dưới chân núi Thổ Sơn chưa bao giờ được yên. “Những đêm mưa to, người dân vừa ngủ vừa canh chừng vì sợ sạt lở đất đồi núi. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân sống dưới chân núi Thổ Sơn đã nhiều lần kiến nghị sớm được di dời đến nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Hùng cho biết thêm.

Tại các xã vùng gò đồi của huyện Phong Điền, khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao là tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân đi đến các công trình thủy điện: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1. Bốn năm trước, vào ngày 13/10/2020, tại công trình thủy điện Rào Trăng 3- từng xảy ra vụ sạt lở đất khiến 13 đồng chí là chỉ huy, lãnh đạo, cán bộ hy sinh khi trên đường đến hiện trường ứng cứu hàng chục công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá sạt lở vùi lấp. Trong số 17 công nhân tử nạn, đến nay, vẫn còn một số công nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đường 71 có chiều dài 50km, nền đường một phần được hình thành từ thời chiến tranh. Khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Rào Trăng, các chủ đầu tư đã tự bỏ vốn thi công mở rộng tuyến đường này. Từ đó đến nay, đường 71 trở thành tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận hành, cứu hộ cứu nạn của các nhà máy thủy điện và phục vụ dân sinh trong vùng. Theo ghi nhận, đường 71 với đặc thù địa hình dốc, một bên vực sâu, một bên đồi núi cao, mặt cắt ngang nhiều khe suối, vào mùa mưa lũ, dòng chảy xiết gây nguy cơ sạt lở cao trên tuyến giao thông. Để ứng phó với thiên tai, hàng năm vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương thường xuyên rào chắn, “cấm đường” 71 và bố trí lực lượng Công an chốt chặn, ngăn các phương tiện giao thông và người dân trong khu vực lưu thông…

Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, mới đây, kiểm tra các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Rào Trăng, Sở Công Thương nhận thấy đường 71 phục vụ vận hành các nhà máy thủy điện đã xuống cấp nghiêm trọng, cây cối mọc ra lòng đường che khuất tầm nhìn, có nhiều điểm sạt lở tạo “hàm ếch” gây nguy hiểm. Để kịp thời phục vụ công tác vận hành, ứng phó thiên tai năm 2024 và an toàn cho công nhân vận hành, trước mắt, Sở yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phối hợp sửa chữa, san gạt tạm thời tuyến đường, phát quang hành lang tuyến, cắm biển báo cảnh báo tại các vị trí sạt lở.

Anh Trần Văn T., một công nhân làm việc ở nhà máy thủy điện lo lắng, cho biết anh thường xuyên chạy xe máy từ nhà theo đường 71 lên nhà máy để làm việc. “Nhiều hôm trời mưa gió vừa chạy xe trên đường vừa run một phần vì đường xuống cấp, hư hỏng nặng một phần nguy cơ sạt trượt đất, đá rất dễ xảy ra, đổ xuống người đi đường”, anh T kể. Sau sự cố tai nạn ở Rào Trăng, một số công nhân sợ bỏ lại tính mạng giữa núi rừng nên đành nghỉ việc ở nhà máy thủy điện để xin về làm công nhân ở khu công nghiệp.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài các địa điểm có nguy cơ sạt trượt đất như đã kể, trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm khác có nguy cơ sạt trượt đất đá… Do vậy, yêu cầu các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối (gồm: đập dâng, đập phụ, đập tràn, cống xả sâu, tuy nen, tuyến đường ống áp lực, nhà máy thủy điện khu quản lý điều hành; kho bãi, lán trại của công nhân vận hành, thi công); đề phòng đất đá sạt lở bờ hồ, vai đập gây sóng lũ và làm nước hồ dâng cao đột ngột gây sự cố công trình; đề phòng hiện tượng sạt lở bờ sông phía hạ lưu đập tràn, cửa xả trạm thủy điện làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình…

Hải Lan
.
.
.