Số ca mắc cộng đồng tăng cao: Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết
Trước số ca mắc gia tăng, Bộ Y tế đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú.
Số ca mắc COVID-19 mới tại cộng đồng và tử vong tiếp tục tăng nhanh ở nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội đã lên tới gần 1.500 ca F0 vào ngày 17/12.Theo Bộ Y tế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, những người tiêm vaccine giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, còn những người mới tiêm cần có thời gian để sinh miễn dịch. Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, đặc biệt biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến chủng Omicron khi lan rộng trên thế giới có thể sẽ xâm nhập vào nước ta.
Ca mắc cộng đồng tăng cao
Trong 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở nước ta tăng cao, trung bình 15.269 ca/ngày, số ca tử vong trung bình 239 ca. Đặc biệt Thủ đô Hà Nội trong 3 ngày gần đầy số ca mắc từ hơn 1.300 đến gần 1.500 ca/ngày. Tính đến hết ngày 17/12, cả nước ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19. Trong đó, riêng từ ngày 9 đến 15/12, cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%...
Trước số ca mắc gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT. Bộ Y tế cũng đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế báo cáo Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.
Hỗ trợ nhân lực cho địa phương có ca mắc tăng nhanh
Trong tuần vừa qua, nhiều địa phương đã phải “cầu cứu” Bộ Y tế về thuốc điều trị, nhân lực y tế khi số F0 tăng cao. Điển hình là Cà Mau có số ca mắc mới tăng rất nhanh, nhiều ngày dẫn đầu cả nước. Do đó, tỉnh này gặp khó khăn trong việc bố trí giường điều trị F0. UBND tỉnh Cà Mau đã gửi công văn khẩn đến Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 50.000 liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir, 20.000 liệu trình điều trị thuốc Favipiravir và 65.000 liều vaccine Pfizer để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại. Cà Mau xin hỗ trợ khẩn cấp 50 nhân viên y tế có kinh nghiệm điều trị F0 tại cơ sở y tế và quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.
TP Hồ Chí Minh cũng xin Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp 1.000 bác sĩ cùng 2.000 điều dưỡng, ít nhất có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu nhằm triển khai công tác đối phó trước biến chủng Omicron. Số ca mắc cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng trở lại. Tỷ lệ người già mắc bệnh và trở nặng, tử vong tăng lên khiến áp lực đối với ngành y tế trở nên nặng nề hơn.
Tương tự, Bình Phước cũng ghi nhận số F0 tăng cao trong tuần qua, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp trong cộng đồng. Bình Phước cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ về lực lượng, trang thiết bị y tế, hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong những ngày qua, người dân Hà Nội đặc biệt lo lắng về việc thiếu nhân lực y tế khi số F0 tăng rất mạnh, có ngày dẫn đầu cả nước. Trong tuần qua, số bệnh nhân nặng đã tăng lên do số mắc tăng. Ngày 17/12, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Toàn TP ghi nhận 68 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,23%, tức là chưa đến mức báo động. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong và chuyển nặng của Hà Nội thấp do công tác bao phủ vaccine cao (bao phủ mũi 2 đạt 84,98%). BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đánh giá: “Qua theo dõi ở một số địa phương, khi chưa tiêm vaccine, tỷ lệ chuyển nặng chiếm 20%, nhưng sau khi tiêm vaccine, tỷ lệ này giảm xuống 10%”.
Để hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc bảo đảm khả năng ứng phó với số ca nhiễm diễn biến nặng có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đã giao nhiều bệnh viện thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu (ICU) như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU quy mô 500 giường; Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Bệnh viện Phổi Trung ương 200 giường.
Đến nay, Hà Nội cũng đã thiết lập 4 cơ sở thu dung điều trị thành phố; 28 trạm y tế lưu động đang điều trị F0; 29 bệnh viện thành phố, 1 bệnh viện tuyến Trung ương, 1 bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hà Nội sẵn sàng cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch, trong thời gian tới Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; huy động chính quyền cơ sở tham gia rà soát, phân loại nguy cơ người bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao. Thực hiện “chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” như khẩn trương tiêm vaccine cho các đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, dù tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao nhưng người dân không được chủ quan, lơ là vì không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine. Do đó, người dân cần phải bảo đảm quy tắc 5K trong các hoạt động ngoài xã hội, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài không cần thiết, hạn chế các hoạt động tụ tập, hội họp, nhất là vào dịp lễ, tết đang đến gần.