Siết chặt để tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội

Thứ Tư, 18/01/2023, 08:19

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua khiến nhiều người lo lắng lại tái xuất hiện vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm nay. Thực phẩm chế biến xong nhưng vài tiếng mới sử dụng, nếu không bảo quản đúng cách cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, giáp Tết này, nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao do nhiều nơi tổ chức liên hoan, tất niên dẫn tới gia tăng các ca ngộ độc rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp) - đây là mối lo rất lớn trong dịp lễ hội Xuân năm nay.

Ngừng tim sau cuộc nhậu

Trong dịp giáp Tết, tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108… tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu rất nặng vào cấp cứu. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc sau cuộc liên hoan cuối năm, có uống rượu không rõ nguồn gốc. Điển hình là ông T.T.V (61 tuổi, Bắc Ninh) vào cấp cứu tại Bệnh viện 108 trong tình trạng ngừng tim phổi. Theo lời kể của con trai bệnh nhân, ông V uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được.

Siết chặt để tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội	 -0
Thực phẩm chế biến sẵn không che đậy bán ở chợ Hàng Bè, Hà Nội.

Trước đó khi vào viện, người nhà thấy ông  người mệt mỏi, dần lịm đi và hôn mê. Ông V được các bác sĩ hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Hồi sức nội và Chống độc (Bệnh viện 108) kết luận ông V bị methanol (nồng độ methanol trong máu là 78,13mg/dl) quá nặng và ông phải thở máy, lọc máu liên tục. Sau 1 tuần điều trị tích cực, ông V mới vượt qua cửa tử.

Tương tự, nam bệnh nhân 25 tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi gần như muốn xỉu. Gia đình bệnh nhân cho biết, anh này uống rượu với bạn từ tối hôm trước, không ăn cơm. Sau khi uống rượu về lại đi ngủ luôn, sáng hôm sau không thể dậy được, người mệt mỏi nên được đưa vào viện cấp cứu vì cho rằng bị ngộ độc. Hay nữ bệnh nhân 19 tuổi đã uống cocktail với bạn ở quán, không ăn, sau đó thấy mệt mỏi, đau đầu và đi ngủ. Đến đêm thì cô gái này mệt mỏi, nôn nhiều, gia đình vội đưa vào viện cấp cứu.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ uống rượu có chứa methanol mà ngay cả rượu biết nguồn gốc cũng hoàn toàn có nguy cơ bị ngộ độc. Rất nhiều trường hợp, ngay cả người trẻ, uống nhiều rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng “no giả” làm cho có cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng.

Nguy hiểm hơn, có người chỉ uống 1 ly rượu ngâm với chuối hột mà cũng bị ngộ độc suýt chết. Theo chị N.T.M, vợ của bệnh nhân T.H.V, 3 ngày trước chồng chị mua rượu ngâm với chuối hột để chuẩn bị vui Tết cùng bạn bè. Anh V có uống thử 1 ly khoảng 20ml, sau đó anh đau bụng, nôn ói liên tục 3 ngày đêm, mắt nhìn mờ, gia đình phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu. Kết quả bệnh nhân này uống phải rượu chứa cồn công nghiệp – methanol và bị nhiễm toan chuyển hoá nặng, suy thận cấp phải lọc máu để tránh chuyển biến xấu dẫn đến tổn thương não, mù mắt, tử vong.

Theo BS Nguyễn Hồng Tốt, Khoa Hồi sức nội và Chống độc, Trung tâm hồi sức, Bệnh viện 108 chia sẻ, ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến viện muộn. Nếu nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định.

Thực phẩm chín vẫn ngộ độc gây chết người

Vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt ở trường iSchool Nha Trang vừa qua đã cho thấy, dù cánh gà đã chế biến chín, vẫn xảy ra nhiễm vi khuẩn Salmonella– nguyên nhân dẫn tới học sinh bị ngộ độc, trong đó có 1 em tử vong. Vì vậy, mối lo ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân luôn tiềm ẩn.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp cho công nhân, có vụ ngộ độc lên tới cả trăm người. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, qua thống kê, 70% vụ ngộ độc thực phẩm là chế biến ở nơi khác xong mới vận chuyển đến cho công nhân. Thực phẩm sau khi chế biến đưa đến tay người tiêu dùng thường được bảo quản nóng hoặc bảo quản lạnh. Thực phẩm chế biến xong nếu ở nhiệt độ ngoài trời 37-40 độ, vi khuẩn phát triển thuận lợi và phát triển rất mạnh.

Trong quá trình vận chuyển, có khi vài tiếng mới tới bàn ăn của công nhân, nếu không bảo quản đúng cách, thời gian kéo dài, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn, gây nguy cơ ngộ độc rất cao. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các nhà máy, các khu công nghiệp hoặc trường học, khi xây dựng cố gắng dành diện tích cho bếp ăn để chế biến tại chỗ cho công nhân, học sinh”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vào dịp Tết tăng rất cao, tập trung vào 3 nhóm chính: Rượu, bia; hoa quả; sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá. Nếu không chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, tuyên truyền, rất có thể một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường trong dịp Tết và lễ hội Xuân năm nay. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhằm ngăn chặn và xử lý thực phẩm “bẩn”, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP Tết và mùa lễ hội, trong đó tập trung vào công tác thanh kiểm tra, đặc biệt nhóm sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao; tập trung vào các tỉnh cửa khẩu; địa bàn trung chuyển và địa phương có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm…

“Các đơn vị kiểm nghiệm ưu tiên kiểm nghiệm mẫu thực phẩm mà các đoàn kiểm tra gửi về, nếu mẫu nào không đạt phải thông báo ngay để người dân biết, nếu để qua Tết mới công bố thì người tiêu dùng đã sử dụng rồi”, ông Phong cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 11 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong. Vì vậy, kiểm soát ATTP luôn là vấn đề trọng tâm, ưu tiên trong dịp Tết và lễ hội Xuân. Kiểm soát ATTP phải kiểm soát cả một quá trình từ khi lựa chọn nguyên liệu, nhập nguyên liệu, xử lý sơ chế ban đầu, đến suốt quá trình chế biến, kể cả nguồn nước, dụng cụ… Hàng loạt công đoạn này giúp cho giảm tối đa các nguy cơ có thể không bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, các đoàn kiểm tra phải có lực lượng đủ mạnh, nếu không lại giống “cưỡi ngựa xem hoa” thì không giải quyết được những vấn đề còn tồn tại.

Trần Hằng
.
.
.