Sâu nặng nghĩa tình 70 năm học sinh miền Nam ở Hải Phòng

Thứ Ba, 12/11/2024, 18:55

Cách đây 70 năm, ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới của 2 miền Nam-Bắc, Hải Phòng cùng với các địa phương khác ở miền Bắc được lựa chọn là nơi tiếp đón đồng bào miền Nam tập kết. Đặc biệt, Hải Phòng chính là nơi quy tụ số lượng lớn nhất các trường nội trú của học sinh miền Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, từ cuối năm 1954 hệ thống các trường học sinh miền Nam được thành lập tại nhiều địa phương. Đến năm 1955, trên miền Bắc có 5 cụm trường: Hải Phòng, Hà Đông, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Hà Nam với khoảng 32.000 học sinh các cấp. Riêng TP Hải Phòng có 15.000 học sinh bố trí học nội trú tại gần 20 điểm trường, được xác định là chiếc nôi lớn nhất nuôi dưỡng “Hạt giống Đỏ” học sinh miền Nam trưởng thành.

Sâu nặng nghĩa tình 70 năm học sinh miền Nam ở Hải Phòng -0
Học sinh miền Nam tại Hải Phòng giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu).

Đối với cựu học sinh miền Năm, 70 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến Hải Phòng là như chạm đến tuổi thơ, chạm vào nỗi niềm sâu thẳm của mỗi người. Bởi Hải Phòng là hiện thân của tình cảm người cha, người mẹ, là những gì thiêng liêng nhất của tuổi thơ, mà từ đó chắp cho học sinh miền Nam đôi cánh ước mơ để bay đến những chân trời tươi đẹp. 

 Trong chuyến trở lại Hải Phòng mới đây, bà Bùi Thị Xuân Mai, cựu học sinh Quảng Ngãi tại Hải Phòng bồi hồi nhớ lại, những địa điểm được chọn cho học sinh miền Nam nội trú và học tập đều rất rộng rãi, bề thế so với hoàn cảnh kinh tế và hạ tầng của TP Hải Phòng thời điểm đó. Bà Mai nói: “Lúc bấy giờ, bác Đỗ Mười là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố rất quan tâm, đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể cho các cháu...”. Cụ thể, các trường nữ sinh được ưu tiên nằm ngay trong trung tâm thành phố: các trường số 4, 6, 11, 13, 18 là những biệt thự, các khu nhà của người Pháp đồn trú trước đó; trường số 14 và 24 đóng ở khu lầu Mác-ty (tư dinh nổi tiếng của 1 viên quan Pháp); trường số 19 và 21 của học sinh nam nằm ở gần khu vực Cầu Rào.

Sâu nặng nghĩa tình 70 năm học sinh miền Nam ở Hải Phòng -0
NSND Trà Giang (đứng) và cựu học sinh miền Nam thăm lại Hải Phòng tháng 8/2024.

Bà Mai cho biết, học sinh miền Nam hầu hết là những con em cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã hy sinh hoặc đang ở lại tiếp tục ở lại kháng chiến chống Mỹ. Những năm ấy, ở Hải Phòng cũng như cả miền Bắc, người dân vô cùng thiếu thốn, gian khổ, nhưng đã dành mọi tình cảm đùm bọc, nuôi nấng, chăm sóc con em miền Nam. Chính vì vậy, đối với những cựu học sinh miền Nam như bà Mai, Hải Phòng như quê hương thứ hai với những tình cảm vô cùng thiêng liêng và gần gũi. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tám, cựu học sinh miền Nam cùng quê Quảng Ngãi đã viết ca khúc “Hải Phòng tuổi thơ tôi” mà nhiều cựu học sinh miền Nam thuộc nằm lòng. Trong đó có đoạn “… Hải Phòng đâu phải quê hương/ Mà sao ta nhớ, ta thương Hải Phòng…”. “Mỗi khi hát bài hát này, tâm trạng chúng tôi - những học sinh miền Nam lại rộn lên, xốn xang nhớ về biết bao kỷ niệm yêu thương của một thời thơ bé…” – bà Bùi Thị Xuân Mai bùi ngùi kể.

Còn NSND Trà Giang, cũng là cựu học sinh miền Nam tại Hải Phòng thì tâm sự: “Lần đầu tiên chúng tôi được học ở một ngôi trường khang trang to đẹp. Các thầy cô giáo tận tình, cùng ở nội trú và thương yêu chúng tôi như con em, cùng chia sẻ với chúng tôi mọi niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ xa nhà”. Nghệ sĩ Trà Giang bày tỏ, không chỉ nhận được tình yêu thương của các thầy cô giáo, học sinh miền Nam còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Hải Phòng. “Khi chúng tôi đến, đồng bào và người thân nằm trên chõng tre hoặc manh chiếu rách trên nền đất, nhường cho chúng tôi những chiếc giường, ổ rơm tốt nhất. Tết đến, chúng tôi được đồng bào tặng quà, trong đó có những bộ quần áo mới, đẹp. Sống trong sự yêu thương của đồng bào Hải Phòng, chúng tôi dần vơi đi nỗi nhớ nhà, ấm áp như trong vòng tay ba má"- Nghệ sỹ Trà Giang xúc động chia sẻ.

Cũng theo Nghệ sỹ Trà Giang, trong thời gian sinh sống và học tập ở Hải Phòng, các học sinh miền Nam được quan tâm đặc biệt, thường xuyên được đón các đoàn đại biểu quốc tế, nhất là từ Liên Xô và các nước XHCN đến thăm. Đặc biệt là chuyến thăm của Bác Hồ kính yêu vào tháng 1/1963, Bác trìu mến ôm hôn và căn dặn các học sinh cố gắng học giỏi, xứng đáng là “hạt giống Đỏ” của miền Nam trên đất Bắc. Người còn đặc biệt căn dặn, nhắc nhở các thầy, cô chăm lo cho các cháu học sinh miền Nam nhiều hơn, vì các cháu thiếu tình thương yêu của cha mẹ; các thầy, cô thay cha mẹ chăm nuôi các cháu, để các cháu học hành tiến bộ, mai sau về xây dựng quê hương miền Nam…

Cần phải thấy rằng, vào thời điểm sau khi miền Bắc được giải phóng, Hải Phòng cũng như các địa phương khác đang bộn bề giữa muôn vàn khó khăn, thách thức, điều kiện kinh tế ngặt nghèo. Nhưng tình cảm của người dân Hải Phòng đối với học sinh miền Nam thì vô bờ bến. Chắc hẳn học sinh nhiều thế hệ còn nhớ bài thơ “Chú đi tuần” trong sách giáo khoa của tác giả Trần Ngọc (khi ông là Chính trị viên Đại đội bảo vệ các Trường học sinh miền Nam). Trong đó có đoạn: “Chú đi tuần đêm nay/Hải Phòng yên giấc ngủ say/Cây rung theo gió lá bay xuống đường/Chú đi qua cổng trường/Các cháu miền Nam yêu mến/Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/Các cháu ơi, giấc ngủ có ngon không/Cửa đóng che kín gió/Ấm áp dưới mền bông/Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé !…”, mới thấy đằm thắm hơn nghĩa tình của người Hải Phòng đối với học sinh miền Nam ngày ấy.

Sâu nặng nghĩa tình 70 năm học sinh miền Nam ở Hải Phòng -0
Biểu tượng “Hạt giống Đỏ” tại vườn hoa Nguyễn Du (Hải Phòng) ghi nhớ dấu ấn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Để rồi từ nôi ấm Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung, những “Hạt giống Đỏ” nảy mầm vươn lên, lớp lớp trưởng thành, xung kích trở lại miền Nam tham gia khánh chiến chống Mỹ, đến ngày non sông toàn vẹn. Trong đó có những người đã dũng cảm hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước, có hàng nghìn người đã trở thành nhà khoa học, nhà tri thức, văn nghệ sỹ tiếp tục cống hiến, có nhiều người là tướng lĩnh Công an, Quân đội, giữ những cương vị cao của Đảng và Nhà nước… Nhưng mỗi lần trở lại Hải Phòng, dù ở cương vị nào, tất cả cựu học sinh miền Nam đều chung một hoài niệm: “Hải Phòng đâu phải quê hương, mà sao ta nhớ, ta thương Hải Phòng” như lời bài hát “Hải Phòng, tuổi thơ tôi”.

Trong buổi gặp mặt đoàn cựu học sinh miền Nam trở lại thăm Hải Phòng vào tháng 8 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: “Các thế hệ học sinh miền Nam trong quá trình học tập, lao động và chiến đấu tại Hải Phòng đã góp phần vun đắp nên truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Hải Phòng ngày càng phát triển…”.

Để ghi nhận những đóng góp của TP Hải Phòng, được biết Hải Phòng được chọn là 1 trong 3 điểm cầu (cùng với Thanh Hóa và Cà Mau) trong Chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm “70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo thực hiện. Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, đây là một sự kiện đặc biệt, ghi nhận ý nghĩa về một dấu ấn lịch sử đặc biệt, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cũng như nghĩa tình sâu nặng của 2 miền Nam Bắc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo kế hoạch, Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam từ 20h00’ ngày 16/11/2024 tại 3 điểm cầu Hải Phòng - Thanh Hóa - Cà Mau, tiếp sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương và phát trên các nền tảng kỹ thuật số, điểm cầu Hải Phòng được thực hiện tại quảng trường Nhà hát TP dự kiến có khoảng 3.000 người tham gia.

V.Huy
.
.
.