Sạt lở ở châu thổ Cửu Long diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 28/04/2022, 08:21

Trưa 27/4, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. Khảo sát cho thấy, khu vực này có trên 30 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng lấn sát chân đê bao Tả, Hữu. Tổng chiều dài sạt lở hơn 1.500m. Đặc biệt, trên các đoạn sạt lở này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống và trên 300.000m2 diện tích nuôi thủy sản, 400ha diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu.

Huyện Cù Lao Dung nhận định, trước diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan như hiện nay, nếu không gia cố kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực. UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời. UBND huyện Cù Lao Dung có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở TN&MT triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác (đối với các nhà có nguy cơ sập, lún). Đối với các nhà liền kề thì khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm.

Satlo_1-1651109067411.jpg
Tình trạng sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng diễn biến phức tạp.

Khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, địa phương phải chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Phối hợp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn để hỗ trợ chính sách cho các hộ bị sạt lở, phải di dời, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời xử lý các tình huống cấp bách.

Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng được giao chủ trì, phối hợp xây dựng công trình nâng cấp đê cửa sông tả, hữu Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, bảo đảm không để vỡ đê gây thiệt hại về người, tài sản của người dân, công trình công cộng phía bên trong đê.

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài từ 500 –1.000 mét. Trước đó, vào năm 2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, gồm bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt, xã Hậu Thạnh (huyện Long Phú) và kênh Thạnh Mỹ thuộc xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên)…

Tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), sạt lở bờ sông Ô Môn ngày càng lấn sâu vào bờ và có khả năng cắt đứt đường giao thông. Trước đó, ngày 28/3, tại khu vực này xảy ra sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 30m, lấn sâu vào bờ khoảng 10m, làm 4 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, 1 căn có nguy cơ sạt lở rất cao. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, ước thiệt hại tài sản khoảng 820 triệu đồng. Ðến nay, sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, làm đoạn đường giao thông này bị khoét sâu, có khả năng sụp đổ hoàn toàn. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ phối hợp với địa phương thực hiện nhiều công trình bảo vệ bờ sông bằng vật liệu thô sơ, kè tạm chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá...).

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng thông tin về tình hình thực hiện dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình). Quá trình thực hiện dự án đã 3 lần xảy ra sạt, trượt.

Lần thứ nhất vào năm 2019, tại gói thầu số 7, xảy ra sạt lở với chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 9m. Tháng 4/2021, tại gói thầu số 6 xảy ra sạt trượt chân kè. Một phần thảm đá, vải địa kỹ thuật và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40m. Đơn vị thi công đã phải thả bao tải cát đắp bù tạo mái, gia cố cọc bê-tông cốt thép để giữ ổn định chân kè. Đến tháng 3/2022, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra để xóa bảo hành, phát hiện gói thầu số 7 (cùng vị trí sạt trượt nêu trên) có dấu hiện răng nứt, lún nghiêng đỉnh kè. Đơn vị thi công sau đó tháo dỡ giảm tải đỉnh kè, gia cường chân mái, đến nay chưa khắc phục xong…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tại cuộc họp mới đây, gồm các sở liên quan, Ban Quản lý dự án, UBND huyện Thanh Bình, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn kiểm định và đơn vị thi công là Công ty CP Nhân Bình, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất cần phải xử lý ổn định phần chân kè trước khi xây dựng phần lan can, vỉa hè thuộc phần đỉnh kè. Sở NN&PTNT làm việc với tư vấn thiết kế là Viện Kỹ thuật Biển, tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để thống nhất và trong 7 ngày làm việc phải có văn bản đề xuất các phương án xử lý, trình UBND tỉnh Đồng Tháp cho ý kiến…

V.Đức – C.Xuân
.
.
.