Sạt lở diễn biến phức tạp ở châu thổ Cửu Long

Thứ Ba, 06/08/2024, 08:47

Thời điểm này đang là mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nước mưa làm nền đất yếu kết hợp với những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, địa chất, địa mạo, dòng chảy, vận động kiến tạo… khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng này diễn biến rất phức tạp.

Chiều 4/8, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đến kiểm tra thực tế tại đoạn đê biển Đông đang bị sạt lở ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), đoạn tiếp giáp với thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Đoạn giáp ranh này đang bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày qua. Có 2 đoạn sạt lở, kéo dài trên 100m, có đoạn sạt lở ăn sâu vào chân đê.

satlo-4.jpg -0
Tình hình sạt lở bờ biển giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, do khu vực bị sạt lở không còn nhiều rừng phòng hộ nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Vào mùa gió chướng, triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất, nhà dân ở phía trong. Về lâu dài, ở khu vực này cần có những giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ đê biển Đông bền vững.

Tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng đề nghị ngành nông nghiệp, UBND TP Bạc Liêu nhanh chóng thống kê mức độ thiệt hại, đề xuất UBND tỉnh các phương án khắc phục. Ông lưu ý việc quan trọng là cắm biển cảnh báo, hạn chế người dân ra vào khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn. Công an xã, Dân quântự vệ, Đồn Biên phòng Nhà Mát và người dân địa phương cần bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Đồng thời cần gia cố tạm thời khu vực sạt lở, hạn chế khả năng sạt lở lây lan, gây vỡ đê, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, sản xuất và đời sống của người dân.

Trước đó, vào đầu năm 2023, tại khu vực này cũng xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Tại TP Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 830m, gây thiệt hại trên 14,5 tỷ đồng; 13 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 1 nhà kho bị sụt lún, 34 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng. So với cùng kỳ năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn Cần Thơ đã giảm về số vụ, chiều dài sạt lở và thiệt hại. Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ Phòng chống thiên tai TP Cần Thơ đã chi hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện Cần Thơ đang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó có 5 đoạn sông có nguy cơ cao. Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch với chiều dài 697m, ảnh hưởng đến 9 hộ dân; gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Huyện Châu Phú xảy ra nhiều nhất với 6 vụ. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ sạt lở kênh, rạch giảm 3 lần. Tuy nhiên, An Giang hiện đang trong mùa mưa, lũ với diễn biến phức tạp, khó lường nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang vào mùa mưa với diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp. Do đó, các địa phương cần tăng cường phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Nơi có đoạn sông nguy cơ sạt lở theo cảnh báo của Sở TN&MT cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý, chủ động đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có dấu hiệu sạt lở đất. Các địa phương cần làm tốt việc điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường đê tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình, sẵn sàng các phương án kịp thời ứng phó.

Ngày 30/7, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, mức độ sạt lở nguy hiểm trên tuyến kênh La Ghì đoạn qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Đoạn sạt lở có chiều dài 220m qua ấp Vĩnh Trinh, từ ao trữ nước của hệ thống cấp nước tập trung xã Vĩnh Xuân đến hết đoạn bờ kè trước Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long.

Vụ sạt lở xảy ra rạng sáng 19/7, có 25m bờ kè bị sạt lở, sụt lún một phần đường giao thông phía trước Nhà truyền thống. Khu vực này có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50 ha đất sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ, tổng hợp, báo cáo tình hình và triển khai thực hiện các giải pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra…

V.Đức – CTV
.
.
.