Quyết định 22 - “bà đỡ” cho người tái hoà nhập cộng đồng

Thứ Bảy, 14/09/2024, 09:22

Theo thống kê, hằng năm, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 người chấp hành án trên toàn quốc được đặc xá, chấp hành xong án phạt từ trở về cư trú, sinh sống trên địa bàn. Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22, đã tạo điều hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, hoạt động có hiệu quả.

Mới đây, tại diễn đàn tư vấn pháp lý, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, 198 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Yên Định đã được các cơ quan chức năng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa phổ biến các quy định của pháp luật và một số vấn đề pháp lý thường gặp trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tư vấn về hồ sơ, thủ tục vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22,  ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm đào tạo nghề; đại diện các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động tư vấn, giới thiệu thêm nhiều thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động…để người tái hoà nhập cộng đồng nắm bắt, tìm kiếm cơ hội việc làm.

Quyết định 22 - “bà đỡ” cho người “tái hoà nhập cộng đồng” -0
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế.

Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá  nhấn mạnh: “Việc tổ chức Diễn đàn tư vấn pháp lý, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Yên Định là một trong những hoạt động do Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức. Đây là cầu nối quan trọng giữa các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp và những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Yên Định nói riêng, được tiếp cận các thông tin về tuyển dụng, tư vấn định hướng giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để lựa chọn công việc phù hợp, phòng ngừa tái phạm tội. Đây cũng là sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với những người có quá khứ lầm lỗi, vừa là cách làm mới, lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh, với mong muốn chung tay giúp đỡ người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng có điều kiện ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Qua đó, giảm tỷ lệ tái phạm tội, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn”.

Trần Thắng
.
.
.