Quảng Nam đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện mùa mưa lũ

Thứ Bảy, 14/09/2024, 07:31

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 34 công trình thủy điện có trong quy hoạch đang vận hành phát điện với tổng công suất hơn 1.596MW, gồm 12 công trình thủy điện vừa và lớn, 22 công trình thủy điện nhỏ.

Trong đó, số công trình có hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa gồm 17 công trình với 19 đập, hồ chứa gồm A Vương, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2, Sông Tranh 2, Đak Mi 4a, Đak Mi 4b, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Bung 2, Đak Mi 2, Đak Mi 3, A Vương 3, Za Hung, Đak Mi 4c, Sông Bung 4A, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4, Khe Diên.

Về phân cấp đập, 2 đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt là Sông Tranh 2 và Sông Bung 4. Trong đó, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên địa bàn 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My với dung tích hồ chứa xấp xỉ 730 triệu m3 nước, bao gồm 2 tổ máy với công suất 190MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 679,6 triệu kWh. Đây là một trong những công trình thủy điện có quy mô lớn của khu vực miền Trung.

ho thuy dien 2-ngoc thi.jpg -0
Thủy điện Sông Tranh 2 vận hành xả lũ. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh, đơn vị được ủy quyền thực hiện trách nhiệm của chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, đã tổ chức tổng kiểm tra các hệ thống thiết bị, hạng mục công trình trước mùa mưa, lũ năm 2024 vào ngày 28/8 vừa qua. Kết quả kiểm tra cho thấy công trình đảm bảo điều kiện vận hành ổn định, an toàn. Trong đó, qua kiểm tra xác định bề mặt bê tông thượng lưu, hạ lưu và đỉnh đập; bề mặt bê tông mặt tràn, trụ biên, trụ pin không phát hiện các dấu hiệu bất thường. Địa chất thượng lưu, hạ lưu 2 vai đập ổn định, không có hiện tượng sạt, sụt. Đập không xuất hiện dòng thấm qua hạ lưu…

Bên cạnh đó, hệ thống theo dõi, giám sát vận hành hồ chứa đã được Công ty Thủy điện Sông Tranh lắp đặt và đưa vào vận hành 11 camera giám sát và tín hiệu được truyền trực tiếp cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Hệ thống giám sát bao gồm 6 camera giám sát độ mở cửa van cung đập tràn, 1 camera giám sát tổng thể hạ lưu đập tràn, 1 camera giám sát tổng thể thượng lưu đập tràn, 1 camera giám sát hệ thống ống xả duy trì dòng chảy tối thiểu, 1 camera giám sát mực nước hồ tại cửa nhận nước và 1 camera giám sát xả nước hạ lưu nhà máy.

Đồng thời hệ thống giám sát này đã được kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, công ty đã lắp đặt 6 trạm cảnh báo lũ từ xa để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân khu vực hạ lưu khi vận hành điều tiết hồ chứa.

Ông Lê Vũ Thương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, qua báo cáo của các chủ đập, các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều ở trạng thái bình thường; các thiết bị vận hành đập đều được kiểm tra, vận hành thử và vận hành bình thường trước mùa mưa bão năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trên thực tế hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Thêm nữa, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định "trong quá trình vận hành giảm lũ cho hạ du, khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì vận hành duy trì mực nước hồ".

Tuy nhiên quy định này không phù hợp đối với một số công trình thủy điện có nhiều hình thức xả tràn (tràn tự do, tràn xả sâu); bởi do để duy trì mực nước hồ ở mực nước dâng bình thường (bằng cao trình đỉnh đập tràn tự do) thì phải mở các cửa van cung, trường hợp lưu lượng về hồ nhỏ, việc mở các cửa van cung ở độ mở cửa nhỏ thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị vận hành, an toàn công trình.

Đáng chú ý, các dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam đều nằm ở khu vực miền núi, các tuyến đường giao thông đi lại, chủ yếu do địa phương quản lý, thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở đất, các trạm phát sóng điện thoại thường xuyên bị mất tín hiệu làm ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc, công tác vận hành, cung cấp thông tin vận hành và ứng phó thiên tai.

Trước thực tế đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT xem xét sớm điều chỉnh, bổ sung Nghị định 114/2018/NĐ-CP phù hợp với thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước. Bên cạnh đó còn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để Bộ NN&PTNT sớm chính thức bàn giao, hướng dẫn bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để có cơ sở triển khai, hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa.

Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị đơn vị chủ đập các công trình thủy điện có nhiều hình thức xả tràn (tràn tự do, tràn xả sâu) phải thực hiện theo Quy trình 1865, tổ chức tính toán, xác định mực nước hồ khi tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Ngọc Thi
.
.
.