Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19/9 và sẵn sàng di dời dân tránh bão
UBND tỉnh yêu cầu, bằng mọi biện pháp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, ngày 18/9, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản yêu cầu, bằng mọi biện pháp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố, tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu… để chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Các địa phương dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày, nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò.
Trong đêm 17 và ngày 18/9, các đồn Biên phòng tuyến biển của BĐBP Quảng Bình đã sử dụng kênh thông tin liên lạc thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên khu vực biển nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn. Các đơn vị cũng đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm đếm, cập nhật hải trình các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Tính đến đầu giờ chiều ngày 18/9, đã có 7.262/7.313 tàu, thuyền của ngư dân Quảng Bình đã vào bờ trú ẩn tại các khu neo đậu của tỉnh. Còn 51 phương tiện đang hoạt động trên biển, trong đó có 43 tàu với 278 lao động đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, 8 phương tiện với 40 lao động đang hoạt động trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tất cả các phương tiện trên đã nhận được thông báo từ BĐBP Quảng Bình, dự kiến đến cuối giờ chiều cùng ngày các tàu vào bờ neo đậu ở những vị trí an toàn.
Cũng trong ngày 18/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó, có 2 hồ không được phép tích nước trong thời điểm này là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thành lập nhiều đoàn công tác về các địa phương để chỉ đạo phòng, chống bão. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu đi kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt tại huyện Tuyên Hóa, trong đó có khu vực sạt lở tại đồi Phòng Không, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa. Khu vực này có 3 vị trí sạt trượt nhưng hiện là nơi sinh sống của 37 hộ dân.
Ông Trần Hải Châu đề nghị chính quyền địa phương, các ngành liên quan khảo sát kỹ địa hình, kịp thời có phương án, biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn cho đời sống cho người dân. Trước mắt, phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, chính quyền xã Đức Hóa chủ động, sẵn sàng phương án di dời các hộ dân khi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình làm việc tại huyện biên giới Minh Hoá, đoàn công tác của UBND tỉnh đã kiểm tra kè chống sạt lở đồi núi làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá. Được biết, từ tháng 10/2020, tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt xảy ra các đường lún nứt, cung sạt trượt khu vực đồi núi phía sau khu dân cư uy hiếp đến sự an toàn của các hộ dân.