Quận Hà Đông nỗ lực giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão số 3
Sáng 8/9, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn,; Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên BTV Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Thiếu tướng Đào Văn Nhậm, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Cùng đi có Thành uỷ viên, Bí thư Quận ủy Quận Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân; Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà.
Theo thống kê đến sáng 8/9, do ảnh hưởng của mưa gió bão, trên địa bàn quận có 1.899 cây xanh đô thị bị nghiêng, gãy đổ (chủ yếu là các cây sấu, hoa sữa, phượng, xà cừ, bông gạo, sao đen..., đường kính thân cây từ 15-50cm, một số ít cây to có đường kính thân khoảng 100cm). Thiệt hại về tài sản có 1 nhà dân bị sập do cây đổ, 22 nhà dân bị tốc mái tôn, 9 ô tô bị hư hỏng do cây đổ đè vào, một số tường rào cơ quan, đơn vị bị đổ và một số thiệt hại khác.
Về công trình xây dựng, trên địa bàn quận hiện có 20 dự án, công trình xây dựng và 1.467 công trình nhà ở riêng lẻ đang triển khai thi công, hiện tại đã tạm dừng xây dựng để ứng phó với cơn bão. Riêng đối với cần trục tháp, trên địa bàn quận có 10 cần trục đã chấp hành dừng hoạt động, neo thân trục. Sự cố về điện, quận có 25 cột điện, đèn chiếu sáng bị gãy, đổ; nổ 2 bốt điện, một số tuyến dây điện bị đứt do cây đổ vào.
Một số địa phương còn đất nông nghiệp canh tác có thiệt hại về hoa màu như phường Yên Nghĩa (5ha lúa ngập, 40ha cây rau màu ngập), phường Đồng Mai, phường Biên Giang (ngập 5ha rau màu). Một số mái tôn, bảng quảng cáo, biển hiệu bị gió cuốn. Nhà xe của 20 trường bị đổ sập với diện tích khoảng 60m2; nhiều trường bị vỡ kính; 14 trường bị tốc mái chống nóng; tường rào 8 trường học bị đổ. Rất may Hà Đông không có thiệt hại về người, không có thiệt hại về chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn.
Để khắc phục ảnh hưởng của bão số 3, Quận ủy, UBND quận, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ, gãy; rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn khi bão đổ bộ. UBND các phường có cây bị đổ, gãy đã huy động lực lượng xung kích tập trung của đơn vị triển khai xử lý các cây xanh bị đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Lãnh đạo Quận đã chỉ đạo Xí nghiệp thoát nước số 8 chủ động vận hành liên tục các trạm bơm (Đa Sỹ, Mậu Lương, Hà Trì, Vạn Phúc) để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn. Cụ thể: trạm bơm Đa Sỹ vận hành tối đa 4/4 tổ máy, trạm bơm Mậu Lương vận hành tối đa 4/4 tổ máy, trạm bơm Hà Trì vận hành tối đa 4/4 tổ máy, trạm bơm Cơ khí nông nghiệp vận hành 1/2 tổ máy. Xí nghiệp thoát nước Hà Đông đã vận hành trạm bơm Yên Nghĩa bơm tiêu từ 19h15 ngày 7/9. Xí nghiệp thoát nước số 6 vận hành trạm bơm Thanh Bình.
Trong sáng 8/9, quận Hà Đông đã huy động 1.772 người gồm các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ của quận và 17 phường; rất nhiều máy móc trang thiết bị. Bên cạnh đó, các đơn vị đóng quân trên địa bàn cũng phối hợp hỗ trợ quận Hà Đông khắc phục hậu quả sau bão, tiến hành dọn dẹp, vệ sinh trường, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao cấp uỷ Đảng, chính quyền quận Hà Đông đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo của trung ương và thành phố, chỉ đạo rất sát sao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng chống bão số 3. Lãnh đạo thành phố cũng biểu dương tinh thần vào cuộc trách nhiệm, khẩn trương của cấp uỷ, chính quyền các phường; của các cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, các lực lượng ứng trực phòng chống bão số 3 của các cơ quan, đơn vị từ quận đến cơ sở đã làm việc không kể ngày đêm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Lãnh đạo UBND TP đề nghị thời gian tới, quận Hà Đông tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các phương án phòng chống bão, lũ; không chủ quan ngay cả khi bão đã đi qua, tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng. Duy trì lực lượng và phương tiện để xử lý tất cả các vấn đề phát sinh, đặc biệt là đảm bảo an toàn điện, tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, úng ngập. Phải tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình khắc phục hậu quả do bão. Quan tâm động viên các ngành, các cấp, các lực lượng tiếp tục duy trì tinh thần vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm, đảm bảo hiệu lực hiệu quả, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.