Phòng, tránh bão Yagi: Quản lý chặt chẽ tàu, thuyền hoạt động trên biển

Thứ Hai, 02/09/2024, 17:18

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Chiều 2/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký công điện đề nghị UBND các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, cùng các bộ có liên quan, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là phía Bắc vĩ tuyến 15 và phía Đông kinh tuyến 119 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh trong các bản tin dự báo), đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 2/9, cơn bão có tên quốc tế là YAGI đang hoạt động ở vùng biển phía đông đảo Ludon (Philippines), dự báo ngày 3/9 sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3. Bão có thể đạt cấp bão rất mạnh trên khu vực đông bắc Biển Đông, gió mạnh tối đa có thể lên tới cấp 12, giật cấp 15 gần tâm bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 8, trên Biển Đông không ghi nhận hoạt động của bão hay áp thấp nhiệt đới. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Trong suốt 61 năm qua chỉ ghi nhận 6 lần, Biển Đông không có bão/áp thấp nhiệt đới vào tháng 8, gồm các năm 1980, 1985, 1988, 2011, 2015 và năm nay.

img-2209-1483.gif -0

Dự báo đường đi của bão Yagi.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, đây là điều khá bất thường trong bối cảnh chuyển pha từ El Nino sang La Nina, nhất là khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương những tháng qua gánh chịu bão dồn dập.

Ông Khiêm thông tin, từ nay đến cuối năm 2024, diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục có những biến động, khó lường. Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao là hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024 với xác suất 60-70%. Sau đó duy trì trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70-80%.

Với kịch bản xuất hiện của La Nina, theo ông Khiêm, khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường. Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, số lượng cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông có thể xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (6-7 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 3 - 4 cơn) và tập trung nhiều ở Trung Bộ cũng như các tỉnh phía Nam.

Mưa lớn dự báo tập trung chính vào tháng 10-11/2024 ở các tỉnh miền Trung. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ năm nay cũng có thể kết thúc muộn hơn bình thường. Ở Tây nguyên và Nam Bộ vào khoảng nửa cuối tháng 11, ở Trung Bộ vào khoảng nửa cuối tháng 12.

Chi Linh
.
.
.