Xác lập vị trí Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 23/08/2024, 19:21

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu lấn biển; phía Đông giáp với biển Đông.

Ngày 23/8, tại huyện Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố Quyết định xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình.

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường -0
Đồng chí Lại Văn Hoàn phát biểu tại hội nghị.
Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường -0
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: Với quan điểm xuyên suốt của tỉnh “phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”, cam kết thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Thái Bình luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đơn vị liên quan cả trong và ngoài nước để Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực thời gian tới.

Theo đồng chí Lại Văn Hoàn, toàn hệ thống chính trị của tỉnh luôn ý thức được vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của hệ sinh thái vùng đất ngập nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển, kết hợp hài hòa bảo vệ thiên nhiên với phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế phát triển về phía biển.

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường -0
Đồng chí Nguyễn Văn Nho công bố Quyết định số 1357/QĐ-UBND về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiến Hải.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nho, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Bình đã công bố Quyết định số 1357/QĐ-UBND về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiến Hải, Thái Bình.

Theo đó, khi đã đảm bảo đủ các điều kiện; được sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, trên cơ sở các Quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, định hướng phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển tỉnh Thái Bình; đồng thời, để phù hợp với điều kiện thực tế, hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng đất, đất có mặt nước tại vùng đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tiến hành xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trong đó, kết hợp hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển theo hướng: Bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; bảo tồn loài - sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững; bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết. Phát triển kinh tế biển, tạo không gian kinh tế mới hướng biển theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu lấn biển; phía Đông giáp với biển Đông.

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường -0
Đồng chí Nguyễn Văn Chiến phát biểu tại hội nghị.

Thông tin khái quát và cung cấp cách nhìn tổng thể về khu bảo tồn, đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Bình cho biết, ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774 ha. Vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với diện tích 3.446,5 ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Hoạt động quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được thực hiện theo Quy chế quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của UBND tỉnh; Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và các quy định của pháp luật có liên quan.

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường -0
Hoạt động đi tàu tham quan thực địa Khu bảo tồn trong khuôn khổ chương trình Hội nghị.

Qua việc xác lập quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tập trung chú trọng dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu bảo tồn. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT quản lý, chỉ đạo trực tiếp Ban Quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình. Các sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu của Khu bảo tồn; phối hợp và hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn quản lý khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học ở khu vực. Đồng thời, tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, các nguồn lực, các chương trình dự án, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, người dân chung tay bảo tồn.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Bình cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường; chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thái Bình
.
.
.