Phập phồng nỗi lo sạt lở trong mùa mưa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vào đầu mùa mưa, tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và tài sản người dân. Vào khoảng 4h ngày 12/6 tại khu vực bờ sông Trà Ôn thuộc ấp Tích Lộc (xã Tích Thiện, tỉnh Vĩnh Long), 8 căn nhà liền kề sụp gần như hoàn toàn xuống sông, còn căn liền kề có nguy cơ sụp theo.
Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 80m, rất may không gây thương vong về người. Cơ quan chức năng huyện Trà Ôn đã vận động, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Các lực lượng tại chỗ đã giúp người dândi dời tài sản, tránh thấp nhất mức độ thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, trước khi xảy ra sạt lở, khu vực này có dấu hiệu nứt, lún, ngành chức năng đã hỗ trợ người dân di dời tài sản và người đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp mức độ sạt lở nguy hiểm bờ sông Cái Cao. Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành và Chủ tịch UBND huyện Long Hồ triển khai nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh. Trước đó, rạng sáng 9/6, tại khu vực bờ sông Cái Cao (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) xảy ra sạt lở với chiều dài 300m, trong đó khu vực sạt lở hoàn toàn khoảng 150m, ăn sâu vào bờ từ 4 - 7m và tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt trong bờ bao. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng đến 23 hộ dân, có 8 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, 2 căn nhà trong tình trạng nguy hiểm do sạt lở đến nền nhà và cần phải di dời ngay, 6 căn nhà còn lại xuất hiện các vết nứt, sụp lún bên trong sân, hàng rào, cách nhà khoảng 2-5m. Vụ sạt lở đã chia cắt giao thông của các hộ dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.
Còn trên tuyến sông Long Hồ đoạn qua xã Long Phước cũng xảy ra sạt lở với chiều dài 30m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m. Tuyến đường nhựa bị sạt lở 3,5m, chia cắt giao thông qua khu vực và ảnh hưởng đến nhà của 5 hộ dân, trong đó 2 hộ dân cách bờ sạt lở từ 2-3m.
Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay xảy ra gần 20 điểm sạt lở, nguyên nhân do lòng sông sâu, dưới tác động của sóng, dòng chảy và mật độ giao thông thủy lớn làm cho mái bờ bị xói lở nghiêm trọng, trong khi đó tải trọng lớn của các căn nhà xây dựng cặp mép sônggặp những điều kiện bất lợi như mực nước sông xuống thấp làm cho mái bờ sông mất ổn định, dễ gây ra sạt lở.
Tuy mới vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng sạt lở đất ven sông tại các tỉnh, thành ĐBSCL diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 7 và 8/6 vừa qua, tại thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) xảy ra sạt lở trên kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu đoạn thuộc ấp 2 (xã Tân Phong). Đoạn sạt lở có chiều dài 150m, chiều sâu khoảng 2m, ảnh hưởng đến 104 hộ dân. Cũng trên tuyến lộ cũ thuộc ấp 2 đoạn từ Cầu Sư Son đến khóm 2 (phường Hộ Phòng) có nguy cơ sạp lở rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 458 hộ dân. Còn tại huyện Đông Hải, ngày 9/6, đoạn sạt lở dài 59m, chiều ngang 20m, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 1.180m2 xảy ra trên phần đất của Công ty TNHH MTV Thủy sản Trường Phúc (ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây).
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, yêu cầu huyện Đông Hải và thị xã Giá Rai thống kê đầy đủ số hộ thiệt hại, dự báo tình hình có thể xảy ra trong thời gian tới và khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục.
Còn tại Cà Mau, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 132 vụ sạt lở ven sông, với tổng chiều dài sạt lở gần 3.300m, làm hư hỏng, thiệt hại 51 nhà dân cùng hàng chục tuyến giao thông nông thôn. Tổng thiệt hại về tài sản trên 15 tỷ đồng. Sạt lở đất chủ yếu tại các vùng ven biển của tỉnh Cà Mau. Địa phương thiệt hại nặng nhất là huyện Đầm Dơi với 97 vụ, có ngày trên địa bàn huyện xảy ra đến 16 vụ sạt lở đất ven sông.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phân tích đặc điểm chung của các vụ sạt lở xảy ra tại các khu vực sông, rạch đều có dòng nước chảy mạnh, chênh lệch thủy triều giữa nước ròng và nước lớn rất cao. Việc xây dựng và nâng cấp mở rộng các tuyến lộ giao thông nông thôn có nhiều đoạn bám sát sông rạch, trong khi địa chất của Cà Mau là nền đất yếu, lực kết dính kém, tốc độ dòng chảy mạnh, lòng dẫn thay đổi bất thường dễ gây nên sạt lở. Qua khảo sát của ngành chức năng Cà Mau, trong tổng số hơn 10.000km chiều dài sông rạch lớn nhỏ, có tới hơn 360km chiều dài bị sạt lở. Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất đã làm hư hỏng hàng trăm nhà dân, làm hư hại nhiều công trình hạ tầng (lộ giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế…) do nhà nước đầu tư, ước tổng thiệt hại về tài sản gần 1.100 tỷ đồng.
Tại TP Cần Thơ cũng xảy ra sạt lở ở nhiều địa phương. Bờ sông Ô Môn qua địa bàn huyện Thới Lai liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở ở các xã Thới Thạnh, Tân Thạnh và thị trấn Thới Lai. Vào đầu tháng 5 vừa qua, tại xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) xảy ra vụ sạt lở, làm 7 căn nhà cặp sông Cần Thơ bị ảnh hưởng, người dân phải di dời khẩn cấp, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát bờ sông, kênh, rạch ngay trong đầu mùa mưa bão, đồng thời vận động người dân sống khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xây dựng kè tạm, kè sinh học, nhằm hạn chế sạt lở xảy ra, đảm bảo an toàn giao thông, đi lại của người dân.