“Phao cứu sinh” giữa vùng dịch
Những ngày qua, ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương cùng nhiều tỉnh, thành phía Nam, nghĩa đồng bào lại bùng lên mạnh mẽ. Hàng nghìn túi “an sinh xã hội” được trao cho người nghèo, hàng trăm phòng trọ được miễn, giảm cho người xa quê... làm ấm lòng những người ở lại…
Không liều mình về quê
Chị Võ Thị Nguyệt, quê Quảng Trị, sau nhiều ngày cầm cự đã chọn giải pháp ở lại Bình Dương với rất nhiều hy vọng sớm ổn định cuộc sống, việc làm. Hai vợ chồng xa quê vào TP Thủ Dầu Một lập nghiệp được 3 năm nay. Gần đây chị nghỉ thai sản, một mình chồng phải lo toan cho cả nhà. Công việc khó khăn, giãn cách xã hội lại càng khó khăn hơn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê trao túi an sinh xã hội cho người dân quận 5.
Chủ nhà trọ thấu hiểu đã giảm tiền thuê nhà từ 1,5 triệu đồng/tháng xuống 700.000 đồng/ tháng. Với số tiền 800.000 đồng này, chị có thể yên tâm phần nào về chi phí nuôi con nhỏ của mình. Chị Nguyệt cho biết, gần như ngày nào các cô chú cán bộ ở khu phố cũng đến hỏi thăm và tặng rau củ quả từ các đoàn thiện nguyện gửi đến. “Bồng bế nhau về quê càng khó khăn, vất vả hơn”, chị Nguyệt bày tỏ.
Nhà trọ của anh Nguyễn Quang Vinh (khu phố 3, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) có tổng cộng 42 phòng thì nay chỉ còn một nửa số phòng còn người thuê. Vợ chồng anh chị đã giảm từ 1 triệu đồng/tháng xuống còn 600.000 đồng/ tháng để bớt khó khăn cho người ở trọ. Vợ anh Vinh cho biết mặc dù tiền xây phòng trọ là vay ngân hàng, hàng tháng phải trả vốn, lãi cũng lo lắm nhưng nhìn cảnh công nhân khó khăn cũng không nỡ lấy giá cũ!
Đồng cảm với sự vất vả của những người ở trọ khi phải nghỉ việc để chống dịch, bà Đặng Thị Kim Chánh (khu phố 8, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) không những đã chủ động giảm tiền phòng trọ cho những người thuê. Bà Chánh còn tặng mỗi phòng 10kg gạo và không lấy tiền thuê đối với người là thợ hồ, bán vé số, chạy xe ôm, mua ve chai.
Nhận gạo và rau củ, trứng từ bà Chánh trao, bà Nguyễn Thị Út (quê Vĩnh Long) mừng lắm. Bà cho biết mình bị tiểu đường và bệnh khớp nên thu nhập từ việc làm hồ của chồng chỉ đủ trang trải, đóng tiền phòng trọ và mua thuốc. Từ hôm chồng bà nghỉ làm, cả nhà rất khó khăn về tiền bạc. Thậm chí bà không dám gặp chủ trọ vì không có tiền trả. Được bà Chánh thông báo giảm tiền phòng và cho nợ một phần, bà Út như trút được gánh nặng.
“Túi an sinh xã hội”
Ngày 2/8/2021, trong cuộc họp do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức, cái tên “túi an sinh xã hội” dành cho người nghèo, công nhân ở trọ… bỗng chốc được xướng lên và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của tập thể Ban lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong thời điểm cấp bách ứng phó với dịch COVID-19.
Ngay sau đó, ngày 3/8/2021, thành phố đã thành lập, tổ chức 24 đoàn đi đến từng quận, huyện (riêng TP Thủ Đức là 3 đoàn), trực tiếp đến khu vực phong tỏa trao những phần quà cho các hộ nghèo không bị F1, F0... Còn những hộ F0, F1 sẽ thông qua Tổ COVID-19 cộng đồng chuyển những phần quà này đến với họ.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội các đoàn sẽ đến trao “túi an sinh xã hội” cho hộ gia đình 2 đến 4 người hoặc phòng trọ 4 người sử dụng ít nhất trong một tuần.
Túi an sinh này gồm: 10kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường, thuốc men thông dụng, khẩu trang, típ C, dầu gió, thuốc hạ sốt…
Ông Hiệp cho biết, từng địa phương có thể “châm vô thêm” như rau củ quả để có túi an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, những công nhân lao động không về quê đang ở các khu nhà trọ. Toàn bộ “túi an sinh xã hội” sẽ được tổ chức chuyển nhanh đến tất cả các hộ dân thuộc đối tượng nêu trên.
Không phân biệt ai
Chung cư 21-41 Tản Đà, phường 10, quận 5 có 45 hộ dân với khoảng 150 nhân khẩu và là một trong những “vùng xanh” không có ca mắc COVID -19 trên địa bàn phường 10. Anh Nguyễn Văn Hùng ngụ tại chung cư cho biết, tất cả thành viên trong gia đình đã được tiêm vaccine. Ban quản trị chung cư, chính quyền địa phương rất nhiệt tình, trách nhiệm để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống và tiêm vaccine.
Bà Lê Mỹ Uyên, Ban quản trị (BQT) chung cư 21-41 Tản Đà cho biết, để duy trì được “vùng xanh” tại chung cư, BQT đã phối hợp với các tổ COVID cộng đồng đi tuyên truyền, phát tờ rơi vận động người dân thực hiện tốt các quy định chống dịch. Công tác chăm lo cho cư dân cũng được thực hiện thường xuyên với nguồn huy động từ các Mạnh Thường Quân. Hiện chỉ còn một hai hộ là người trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền có sẵn là chưa được tiêm vaccine.
Chiều 4/8, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, thống kê sơ bộ có khoảng 500.000 công nhân (CN), người lao động (NLĐ) ở lại Bình Dương sẽ được nhận hỗ trợ bằng tiền.
Ông Lộc khẳng định: việc hỗ trợ cho CN, NLĐ ở lại Bình Dương sẽ được thực hiện ngay trong sáng 5/8. Theo đó, mỗi người sẽ được nhận 500.000 đồng và nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng. Tổng số tiền sẽ hỗ trợ đợt này khoảng 260 tỉ đồng.
Những ngày qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành trong khu vực phía Nam… bên cạnh mệnh lệnh chỉ đạo, áp dụng biện pháp mạnh để phòng, chống dịch, từ đáy lòng mình họ đã có những lời tâm huyết với dân. Mong muốn mọi người không nên về quê lúc này, gây khó khăn cho các địa phương, gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nhiều tỉnh, thành hỗ trợ người xa quê gặp khó khăn do giãn cách xã hội
Là địa phương hỗ trợ công tác chống dịch của TP Hồ Chí Minh sớm nhất, ngay từ giữa tháng 7, TP Hải Phòng đã điều động đoàn 114 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành Y tế lên đường vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác chống dịch.
Ngày 3/8 vừa qua, UBND TP Hải Phòng đã quyết định thông qua Hội đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ ở mức 2 triệu đồng với những hộ dân gặp khó khăn. Trước đó, ngày 16/7, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có thư gửi Hội đồng hương TP Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh để thăm hỏi, động viên và đề nghị hội đồng hương phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, rà soát những trường hợp đặc biệt khó khăn để đề xuất chính quyền TP Hải Phòng hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống.
Trong đợt rà soát đầu tiên, Hội đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh đã lập danh sách hàng trăm trường hợp khó khăn đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh để đề nghị hỗ trợ. Những ngày tới đây, Hội đồng hương Hải Phòng sẽ rà soát, lập danh sách những người khó khăn ở các tỉnh, thành lân cận để tiếp tục đề xuất hỗ trợ.
Vừa vượt qua khỏi đỉnh dịch, nhưng tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời hỗ trợ nhân lực, vật tư trang thiết bị y tế cho 8 tỉnh, thành phía Nam phòng, chống dịch. Gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hỗ trợ người dân Bắc Ninh có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống ở khu vực phía Nam số tiền 3 tỉ đồng từ ngân sách và 5 tỉ đồng vận động các nhà hảo tâm. Thông qua Hội đồng hương Bắc Ninh, số tiền này sẽ được chuyển đến hỗ trợ người khó khăn ở những tỉnh, thành bị giãn cách xã hội.
Đã tổ chức tiếp nhận khoảng 15 nghìn người dân trở về địa phương và tổ chức hỗ trợ ăn ở miễn phí trong thời gian cách ly nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn quyết định chi 5 tỉ đồng thông qua Hội đồng hương tỉnh này ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam để hỗ trợ những người dân bị mất việc, có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội.
Ngày 2/8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thông báo mở đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân Quảng Bình đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam khi có yêu cầu. Trước mắt Quảng Bình đã quyết định hỗ trợ số tiền 1 triệu đồng cho mỗi hộ dân gặp khó khăn. Ngoài ra, hiện nhiều địa phương khác cũng đã thông qua Hội đồng hương tại khu vực TP Hồ Chí Minh để nắm thông tin, lập danh sách hỗ trợ những người dân xa quê đang gặp khó khăn do giãn cách xã hội.
Đ.Thắng