Phân bón giả giảm giá kèm khuyến mãi để dụ nông dân
Tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt mặt hàng phân bón NPK với hàm lượng thấp nhưng lại đóng bao ghi các hàm lượng hữu hiệu cao hơn, đây chính là loại phân kém chất lượng và cũng có thể được xem là phân bón giả.
Ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long) đã kiểm tra hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ). Đoàn kiểm tra lấy mẫu lô hàng 60 bao phân bón trung lượng bón rễ Agri Zone để đánh giá chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm mẫu, lô hàng là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sau khi thẩm tra và làm việc với chủ hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính.
Ngày 23/5, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định xử phạt 65 triệu đồng đối với chủ hộ kinh doanh về hành vi vi phạm buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Chủ hộ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán trong thời gian hai tháng, buộc tiêu hủy 60 bao phân bón nói trên.
Rạng sáng 7/5, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT An Giang) phối hợp với lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh phát hiện ôtô do tài xế V.P.P. (ngụ tỉnh An Giang) đang điều khiển tại xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), phát hiện 200 bao (trọng lượng 50kg/bao) phân bón hỗn hợp NPK 16-16-8+TE và NPK 20-20-15+TE. Đoàn kiểm tra nghi ngờ chất lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng nên tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng.
Tất cả số phân bón trên được sản xuất tại công ty có địa chỉ tại cụm Công nghiệp ở TP Tân An (tỉnh Long An) và được phân phối bởi một doanh nghiệp khác. Theo phiếu kết quả thử nghiệm và trưng cầu kết quả thử nghiệm, có 6 mẫu phân bón chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón và 2 mẫu phân bón giả về giá trị sử dụng (dưới 70%).
Công an tỉnh An Giang với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát kinh tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…
Công an tỉnh An Giang tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác, gồm: lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, QLTT và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TP Châu Đốc, phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng hỗ trợ lẫn nhau chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, các ngành, các cấp đã phối hợp với lực lượng Công an rất chặt chẽ và vào cuộc rất quyết liệt. Các lực lượng làm nhiệm vụ đã kiểm tra đột xuất các nhà máy, cửa hàng và phát hiện rất nhiều trường hợp làm hàng gian, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa vào thị trường nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến mùa vụ của người dân.
Các đối tượng, cơ sở kinh doanh lợi dụng kiến thức hạn chế của một số nông dân ở vùng sâu, vùng xa để quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhằm buôn bán các mặt hàng vi phạm. Điều này gây bức xúc, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và thiệt hại lớn cho nông dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh Tiền Giang, chủ trì là Đội QLTT số 6 tiến hành 19 vụ kiểm tra đột xuất, đã lấy 24 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm. Kết quả phát hiện 15 mẫu vi phạm, cụ thể 10 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 5 mẫu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh; trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng, áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn. Các cơ sở sản xuất phân bón giả, không đảm bảo chất lượng bán cho các đại lý với giá rẻ và mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh và trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 66 vụ, lấy 64 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng (kết quả có 35 mẫu vi phạm, 29 mẫu đạt), phát hiện vi phạm và xử lý 51 vụ, thu phạt hơn 1,3 tỷ đồng và chuyển 4 vụ sang cơ quan Công an tiếp tục xử lý theo quy định.
“Lãnh đạo Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và bảo vệ quyền lợi của người dân”, ông Võ Hùng Hài, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, thông tin.