Ô nhiễm không khí “bủa vây” người dân Thủ đô

Thứ Hai, 24/04/2023, 09:06

Từ đầu năm đến nay, kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động cho thấy chỉ số AQI (là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) tại các trạm ở Hà Nội thường xuyên ở mức xấu hoặc rất xấu. Đặc biệt ở Hà Nội, chỉ tính riêng từ thời điểm đầu năm 2023 đến nay, đã có những ngày mức ô nhiễm không khí “lọt top” 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

40% dân số Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, mà với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, mỗi năm ô nhiễm không khí sẽ làm thiệt hại 10,82-13,63 tỷ USD, tương đương 4,45-5,64% GDP. Mặc dù những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người dân và các hoạt động phát triển kinh tế tại Thủ đô.

Ô nhiễm không khí “bủa vây” người dân Thủ đô -0
Hà Nội nhiều ngày chìm trong sương mù ô nhiễm không khí. Ảnh CTV

Theo thống kê UBND TP Hà Nội, toàn địa bàn TP có 17 khu công nghiệp, khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận; hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô… Đây đều là những nguồn phát thải lượng lớn khí nhà kính gây ra ô nhiễm không khí. Khảo sát đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2015 cho thấy, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5, ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới.

Báo cáo của tổ chức này cũng cho thấy các nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 chính ở Hà Nội bao gồm: 35% từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm làng nghề; 25% từ giao thông; 20% từ phát thải amoni (phân bón, chăn nuôi); 10% từ dân sinh (đun nấu/đốt sinh khối); 7% từ đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) ngoài trời. Phần còn lại đến từ nguồn đốt rác lộ thiên không kiểm soát. Và chỉ có khoảng 1/3 bụi PM2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội. Phần còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài Thủ đô như Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh khác của Việt Nam, cũng như xuyên biên giới, nguồn từ tự nhiên và vận chuyển hàng hải quốc tế.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lý giải, các chỉ số ô nhiễm không khí đang ở mức rất cao và xuất hiện thường xuyên, thời tiết những ngày gần đây không được thuận lợi, gió lặng cộng thêm ẩm thấp làm giảm khuếch tán của không khí, các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 bụi mịn tăng cao.

Cũng theo chuyên gia, khói bụi từ các phương tiện giao thông trên đường là nguyên nhân đầu tiên gây ra bụi mịn. Các loại xe cộ xả ra ngoài môi trường các hạt sooty và oxit nitơ… góp phần làm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ của bà con cũng góp phần gây ô nhiễm không khí. Đốt rơm rạ giải phóng ra môi trường những loại khí độc hại, các hạt bụi mịn sinh ra từ những đống tro này được gió khuếch tán vào không khí…

Ô nhiễm không khí là thách thức lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Ông Đông cho biết, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Điển hình, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4.000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

“Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TP Hà Nội, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Trước thực trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, TS. Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp như phải kiểm soát phát thải khí thải từ ôtô, xe máy; tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ôtô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao, metro.

Một vấn đề nữa là phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp. TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo, đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường.

Chi Linh
.
.
.