Nông thôn là “ngôi nhà” của người lao động
Tại Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
Nông nghiệp là trụ đỡ khi kinh tế chao đảo
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, quy mô của các DN nông nghiệp có thể không bằng các DN công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế, xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.
Chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.
“Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần. Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn, ông Lộc khẳng định.
Nông dân phải có tinh thần doanh nhân
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng thông tin thêm: “Hằng năm, tôi có gặp các “vị vua” (như vua chuối, vua cà phê, vua lúa gạo, vua hồ tiêu), họ đều có niềm tin vào doanh nghiệp của mình, mặc dù cũng hơi "nặng lòng" với cách chống dịch của một số địa phương trong thời gian vừa qua đã phần nào làm DN gặp khó.
Tại cuộc toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nước ta đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có đặt ra vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Khi nói đến kinh tế nông nghiệp là phải gắn với nông nghiệp, nông dân cũng phải có tinh thần DN, và chúng ta phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là lưu ý quan trọng nhất.
“Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ, chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp; phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ. Nhỏ nhưng không lẻ, phải kết nối lại theo chuỗi. Đây cũng là một cách, còn tập trung, tích tụ lại trong một tổ hợp cũng là một cách”, ông Lộc phân tích.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng băn khoăn: “Hôm qua, khi ngồi trực tuyến với 27 vị Đại sứ của Việt Nam ở Liên minh châu Âu, tôi mới phát hiện nông sản mình bán ra ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á. Khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến”.
Nhận định về giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn, nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao, thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao thị trường. Hiện tại, các DN FDI chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nhưng sữa thì các DN Việt chiếm lĩnh thị trường khá tốt.
“Vấn đề là tương quan với các DN FDI. Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu người Việt phải giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho Việt Nam" ông Lộc nhấn mạnh.