Nỗi lo sạt lở bờ biển trong mùa mưa bão

Thứ Tư, 06/10/2021, 07:10

Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các dự án chống sạt lở bờ biển, ổn định cửa biển, với chiều dài khoảng 5,26km, kinh phí xây dựng khoảng hơn 560 tỷ đồng.

Ngoài các đoạn đã được đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế còn khoảng 20km bờ biển đi qua các huyện, thị xã trên tổng chiều dài 127km bị xâm thực, sạt lở. Trong đó, Phú Thuận là một xã ven biển thuộc huyện Phú Vang chịu ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng sạt lở, xâm thực của biển.

Đầu tháng 10/2021, chúng tôi về bờ biển thôn Xuân An, xã Phú Thuận và chứng kiến tình trạng bờ biển nơi đây đang dần bị sóng biển “nuốt chửng”. Từng bãi cát, hàng cây phi lao sau nhiều năm dần bị cuốn trôi ra bờ biển, để lại những hàm ếch khổng lồ. Người dân thôn Xuân An cho biết, nếu trước đây bờ biển cách khu dân cư rất xa thì giờ có chỉ còn tính bằng mét. Lo sợ bờ biển sạt lở, sóng cuốn mất nhà cửa, vườn tược nên một số hộ dân đã di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay, hiện thôn Xuân An có 67 hộ dân có nhà cửa ở vùng gần bờ biển, trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển là 22 hộ dân. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về giải pháp xây kè, khắc phục tình trạng sạt lở nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư nên đến nay đoạn kè qua thôn Xuân An vẫn chưa được thực hiện khiến bà con luôn sống thấp thỏm, lo âu với nỗ lo sạt lở khi mùa mưa bão đến. Trong khi đó, các điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng qua thôn An Dương, xã Phú Thuận đang được các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục bằng cách xây dựng hệ thống kè biển kiên cố.

Cụ thể, đoạn kè bờ biển thôn An Dương được thi công kéo dài về phía Bắc với chiều dài 320m, kinh phí bổ sung là 17,5 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bố trí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai để thi công kéo dài về phía Nam tuyến kè với chiều dài còn lại 230m. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bố trí 4 tỷ đồng để xử lý bằng giải pháp mềm với chiều dài khoảng 1,2km các đoạn sạt lở từ thôn Hòa Duân, Tân An, Trung An đến thôn An Dương của xã để chống xâm thực, sạt lở bờ biển.

3.jpg -0
Công nhân thi công kè biển chống sạt lở đoạn qua xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế).

Còn tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, dấu vết do đợt mưa lũ từ năm 2020 vẫn còn để lại dọc tuyến bờ biển qua các thôn Cự Lại Bắc và Cự Lại Đông khi sóng biển ăn sâu vào cánh rừng phi lao, nhiều thân cây lớn bật gốc nằm ngổn ngang. Tại 2 thôn này, hiện có khoảng 20 hộ dân có nhà cửa dọc ven bờ biển và chỉ cách điểm sạt lở từ 30-40m.

Anh Lê Văn Tý, ở thôn Cự Lại Bắc cho hay, do biến đổi khí hậu nên vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở, biển xâm thực trở nên dữ dội hơn trước. Bình quân mỗi năm sóng biển ăn sâu vào đất liền vài mét khiến người dân không kịp trở tay.

“Lo lắng nhất là đến mùa mưa bão, sóng biển và triều cường dồn dập ập vào bờ cát gây xói lở, cây cối đều bị cuốn trôi ra biển hết. Vì thế người dân trong thôn rất mong được cấp cấp quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè biển kiên cố để yên tâm sinh sống, bám biển lao động và sản xuất”, anh Tý bày tỏ.

Ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải thông tin thêm rằng, qua kiểm tra mới đây cho thấy địa bàn xã có thêm 2km tuyến bờ biển xuất hiện nhiều vị trí xâm thực, sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là các điểm đi qua thôn Cự Lại Bắc và Cự Lại Đông. Mỗi năm khu vực này đều bị xâm thực từ 7 đến 10m, có điểm lên đến 20m nên cứ đến mùa mưa bão, chính quyền địa phương lại sẵn sàng phương án di dời các hộ dân nếu xảy ra tình huống khẩn cấp.

Ngoài các điểm sạt lở ở xã Phú Thuận và Phú Hải, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều tuyến bờ biển bị sạt lở với chiều dài khoảng 14km tập trung ở các đoạn xung yếu qua các xã ven biển thuộc huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở nặng như đoạn qua các xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc); xã Phong Hải (huyện Phong Điền); xã Hải Dương (TP Huế)…

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện đơn vị đã đề xuất Tổng cục PCTT, Bộ NN&PTNT một số danh mục kè chống sạt lở bờ biển, đê biển, các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, các công trình công cộng kết hợp PCTT vùng ven biển tỉnh vào dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ven biển Việt Nam” với kinh phí khoảng 2.409 tỷ đồng.

Với dự án này, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ có những giải pháp kịp thời để bảo vệ dải cồn cát ven biển, khôi phục các công trình đê điều, công trình hạ tầng thiết yếu vùng ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo ninh quốc phòng tuyến biển.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, thời gian qua, địa phương đã đầu tư, xây dựng kiên cố hóa các tuyến kè biển bằng bê tông cho các đoạn bờ biển xung yếu và hiện những đoạn kè này đã phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, với diễn biến sạt lở, xâm thực bờ biển phức tạp như hiện nay, tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư kiên cố hóa thêm nhiều cây số bờ biển nhằm hạn chế tình trạng biển xâm thực, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân vùng ven biển.

Anh Khoa
.
.
.