Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước trong đêm

Thứ Bảy, 11/09/2021, 21:38

Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều vùng ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu, chia cắt do nước không thoát kịp, 2 thủy điện đóng trên địa bàn được lệnh điều tiết nước về hạ du ngay trong tối 11/9.

 

Tối 11/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, trong ngày trên địa bàn tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa đo được các trạm từ 19h ngày 10/9 đến 15h ngày 11/9 phổ biến từ 100-300mm. Trong đó, tại trạm Nam Đông 156mm, Thượng Nhật 106mm, Phú Ốc 66mm, đặc biệt có những nơi cao hơn như tại hồ thủy điện Thượng Lộ 360mm, hồ chứa nước Thủy Yên 320mm, Lộc Tiến 256mm...

Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước -0
Nhiều tuyến đường ở huyện Phong Điền nước ngập sâu, giao thông bị chia cắt.

Dự báo đến ngày 13/9, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa khoảng 150-300mm, có nơi trên 400mm, nên nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất.

Gió mạnh và lốc xoáy đã khiến nhiều nhà dân trên địa bàn tỉnh bị tốc mái. Trong đó, tại huyện Phong Điền, tính đến tối 11/9 đã có hơn 20 nhà dân bị tốc mái. Do mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều vùng ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu do nước mưa không thoát kịp.

Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước -0
Lực lượng chức năng giúp dân vùng ven biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang đưa tài sản lên bờ.

Trong đó, nhiều xã ở huyện Phong Điền việc mưa lớn gây ngập đường sá, giao thông nhiều vùng bị chia cắt. Tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, hiện chính quyền địa phương đã lập các rào chắn cảnh báo đề nghị người dân không qua lại các đoạn đường ngập sâu để bảo đảm an toàn.

Trong tối 11/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Công ty CP Thủy điện Miền Trung, chủ đầu tư thủy điện A Lưới và Công ty CP Thủy điện Trường Phú, chủ đầu tư đập thủy điện A Lin 3 yêu cầu điều tiết nước về hạ du nhằm bảo đảm an toàn.

Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước -0
Công an xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền giúp dân chằng chống lại nhà cửa.

Cụ thể, 2 doanh nghiệp thủy điện nói trên phải vận hành điều tiết nước hồ chứa về hạ du huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) với lưu lượng tăng dần đến 2.800m3/s. Trong đó, thủy điện A Lưới điều tiết tăng dần đến 2000m3/s, đập A Lin 3 điều tiết tăng dần đến 800m3/s, và tùy theo diễn biến tình hình mưa lũ để điều chỉnh lưu lượng điều tiết về hạ du. Thời gian vận hành điều tiết về hạ du là 18h ngày 11/9.

Cũng trong chiều tối 11/9, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến huyện miền núi Nam Đông và kiểm tra một số địa bàn xung yếu trước diễn biến khó lường của cơn bão số 5.

Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước -0
Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế (bìa trái) kiểm tra tại địa bàn xung yếu tại huyện miền núi Nam Đông.

Theo chính quyền huyện Nam Đông, hiện, huyện đã phân công các tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ cao; rà soát, xác định được hơn 1.600 hộ dân phải di dời theo từng cấp độ bão và sẽ tổ chức sơ tán hoàn thành trước vào tối 11/9 theo diễn biến của cơn bão.

Song song với công tác ứng phó với bão số 5, huyện cũng đang tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục cố gắng duy trì các chốt kiểm soát. Tuy nhiên, nếu tình hình mưa và gió diễn biến phức tạp sẽ cho sơ tán, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và tài sản.

Nhiều vùng ngập sâu, yêu cầu 2 thủy điện ở Thừa Thiên Huế điều tiết nước -0
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa kiểm soát dịch bệnh vừa hướng dẫn phương tiện đi qua địa bàn trước diễn biến phức tạp của mưa bão.

Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu UBND huyện Nam Đông giao lực lượng cơ sở thường xuyên theo dõi, giám sát tại 22 điểm/8 xã có nguy cơ sạt lở, chủ động phương án cứu hộ, cứu nạn, không để người dân bị cô lập, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra…

Chính quyền địa phương phải làm việc, yêu cầu các đơn vị thủy điện đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy trình, quy định trong phòng, chống lụt bão; tìm kiếm người dân đang ở trong rừng chưa liên lạc được, đồng thời vận động nhân dân không vào rừng trong thời gian bão đi qua…

Công an huyện Nam Đông tích cực nắm tình hình, triển khai hiệu quả công tác ứng phó với bão số 5, hỗ trợ tối đa lực lượng, phương tiện để địa phương ứng phó bão và chủ động báo cáo Công an tỉnh hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, phải tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian xảy ra mưa, bão.

Hải Lan
.
.
.