Nhiều trẻ mất tập trung, quên kiến thức do “sương mù não”

Thứ Tư, 04/05/2022, 10:32

Nhiều học sinh, sinh viên sau khi khỏi COVID-19 đã xuất hiện tình trạng trí nhớ giảm sút, học không tập trung, kiến thức đơn giản bỗng dưng quên hết khiến phụ huynh rất lo lắng. Đây là tình trạng “sương mù não” xuất hiện sau nhiễm COVID-19.

Quên cả những kiến thức đơn giản, giao tiếp kém

Theo tâm sự của một phụ huynh có con học lớp 8 ở Hà Nội, sau khi con khỏi COVID-19 khoảng 3 tuần, chị phát hiện con mất tập trung trong học tập, hay quên, trí nhớ giảm sút. “Con bị điểm kém hơn và kêu quên nhiều kiến thức trước đây con đã thuộc lòng. Ngay cả việc tiếp thu kiến thức mới trên lớp cũng rất khó khăn”, vị phụ huynh này lo lắng cho biết.

Nhiều trẻ mất tập trung, quên kiến thức do “sương mù não” -0
Trẻ sau khi mắc COVID-19 có triệu chứng “sương mù não” nhẹ nên vận động nhiều giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt. Ảnh minh họa

Có phụ huynh cho con đi bệnh viện khám được bác sĩ chẩn đoán bị “sương mù não” khiến chị rất khổ tâm vì con đang chuẩn bị thi vào cấp 3. “Có lần con khóc vì quên nhiều kiến thức mà kỳ thi sắp đến. Tôi sợ con buồn chán, bi quan nên liên tục động viên, đồng hành học cùng con”, phụ huynh nói.

Tại Trung tâm Ô-xy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng đã ghi nhận nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên tới khám, tư vấn về tình trạng trí nhớ giảm sút, hay quên sau nhiễm COVID-19. Có sinh viên đại học còn cho biết, không chỉ trí nhớ giảm sút, mà còn giảm khả năng giao tiếp, nói chuyện kém so với trước đây.

Từng khám và tư vấn cho nhiều trường hợp như trên, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt Nga cho biết, trước đây, bệnh nhân đến khám tại trung tâm khi có triệu chứng “sương mù não” chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người trên 50 tuổi. Nhưng hiện nay, hiện tượng này xảy ra ở nhiều bạn trẻ. Trung bình một tuần BS Hoàng điều trị cho 5-7 bệnh nhân mắc “sương mù não”, trong đó nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng trầm trọng tới việc tiếp thu kiến thức.

BS Hoàng cho hay, những trường hợp này có một số triệu chứng kèm theo như ngủ kém, lo lắng, căng thẳng, cảm giác đầu nặng trĩu, thấy thế giới trước mắt mình mờ ảo, kể cả lúc ngồi nói chuyện với bác sĩ, họ nghe không rõ ràng.

Điều trị sớm, không nên quá lo lắng

"Sương mù não" là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm... Nguyên nhân “sương mù não” có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của COVID-19.

"Sương mù não" cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ bị tổn thương hậu COVID-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

Ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, tình trạng thiếu hụt ô-xy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô não, để lại di chứng "sương mù não". Bên cạnh đó, nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc trong điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Theo các chuyên gia, sau nhiễm COVID-19, các phản ứng miễn dịch vẫn được kích hoạt dai dẳng, có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các chất trung gian hóa học được giải phóng do tình trạng viêm có thể trở thành chất độc, đặc biệt đối với não, gây nên hiện tượng "sương mù não".

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, chuyên gia về sức khỏe tâm thần, hội chứng “sương mù não” có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức, trong đó có cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể.

BS Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, “sương mù não” hầu như không được phát hiện tổn thương thông qua hình ảnh chụp CT hay MRI. Người bệnh nên uống nhiều nước, điều chỉnh các rối loạn về giấc ngủ, hạn chế chất kích thích gồm rượu, bia, thuốc lá, cà phê, xây dựng chế độ ăn cân đối, luyện tập thể dục…

Còn Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, hiện chưa có phác đồ điều trị “sương mù não” thống nhất, hoàn toàn điều trị trên kinh nghiệm, phán đoán và theo kiểu “bao vây”. Các trường hợp tới khám được bác sĩ Hoàng cho điều trị ô-xy cao áp, thuốc tăng cường tuần hoàn não dạng tiêm. Chỉ khoảng sau 2-3 ngày điều trị, bệnh nhân đã trở về trạng thái bình thường nhưng vẫn duy trì kéo dài 10 ngày.

Đối với những người gặp tình trạng "sương mù não" có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng. Người bệnh cũng tăng cường hoạt động trí não nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio. Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.

Theo khuyến cáo của BS, việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân mắc hội chứng “sương mù não” cần được chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không được tùy ý dùng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Khi thấy con có biểu hiện hay quên, trí nhớ giảm sút, không tập trung học tập sau khi mắc COVID-19, phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy cho con đến cơ sở y tế để thăm khám sớm.

Trần Hằng
.
.
.