Nhiều ngành quản lý, ngộ độc vẫn gia tăng (bài cuối)
Dầu chiên đen như nước cống, chuột chạy ở nơi chế biến, kinh doanh thực phẩm “chui” nhiễm vi khuẩn E.coli, salmonella, bacillus cereus, tụ cầu vàng… là những gì đang diễn ra, gây mất an toàn thực phẩm (ATTP). Dù được phân cấp, nhưng có nơi vẫn buông lỏng quản lý để cho cơ sở không phép hoạt động, gây ra ngộ độc hàng loạt. Sử dụng thực phẩm không an toàn khiến người tiêu dùng nơm nớp lo sợ. Làm thế nào để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm và nguy cơ tử vong từ những người kinh doanh, sản xuất thiếu lương tâm là điều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Mất ATTP ở một số cơ sở được cấp phép
Không chỉ thức ăn bán ở cơ “chui” mà ngay tại những công ty được cấp phép cũng vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Vào ngày 7/1 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra đột xuất Công ty CP Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh – cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng thực phẩm snack, bánh ngũ cốc, bánh phủ socola, kẹo socola (xã La Phù, Hoài Đức) đã phát hiện rất nhiều vi phạm “hãi hùng”.
Kiểm tra khu vực sản xuất, đoàn phát hiện dầu chiên snack (bim bim) có dấu hiệu oi khét “đen kịt như nước cống”. Cơ sở này cũng chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các nguyên liệu, phụ gia để sản xuất thực phẩm; phòng pha chế phụ gia thực phẩm xuống cấp, cáu bẩn; tường, trần nền khu vực sản xuất ẩm mốc, bong tróc, cáu bẩn, thiếu chế độ vệ sinh; có côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất; có nhà vệ sinh trong khu vực đóng gói, bảo quản sản phẩm; không có chế độ vệ sinh thiết bị dụng cụ, cáu bẩn, hoen gỉ; dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; giấy khám sức khoẻ của các công nhân đã hết hiệu lực; không có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng tay, vệ sinh cá nhân… Bim bim sản xuất xong rơi thẳng xuống đất.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mà 4 đoàn liên ngành ATTP của TP Hà Nội đang kiểm tra trong dịp Tết này, nhiều cơ sở bị tạm dừng hoạt động để khắc phục hàng loạt vi phạm, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như bánh cốm Nguyên Ninh ở 11 Hàng Than, Công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông ở cụm công nghiệp La Phù, Công ty TNHH Thực phẩm Hải Việt ở Hà Đông, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Hương ở quận Tây Hồ…
Riêng Công ty Hải Việt chuyên sản xuất số lượng lớn bánh kẹo phục vụ Tết, cách đây 2 năm Đoàn kiểm tra liên ngành TP đã kiểm tra và phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội, so với lần kiểm tra trước, tình trạng vệ sinh ATTP tại đây không những không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, dù cơ sở đã nhiều lần được nhắc nhở và yêu cầu khắc phục. Theo kết quả kiểm tra, cơ sở vật chất tại đây xuống cấp nghiêm trọng, mạng nhện phủ khắp nơi, môi trường không đảm bảo vệ sinh…
Ông Đặng Thanh Phong cũng cho hay, năm nay, các đoàn kiểm tra ATTP Tết đi kiểm tra đột xuất, bất ngờ, không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở kiểm tra, nên đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về ATTP. UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo xử lý nghiêm, không bao che cơ sở vi phạm ATTP.
Cần nâng cao trách nhiệm được phân cấp
Theo Bộ Y tế, năm 2024, cả nước xảy ra 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với năm 2023, số vụ ngộ độc tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 trường hợp, số tử vong giảm 7 người. Năm 2024, ngành Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, trong đó phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 6,22% số cơ sở được kiểm tra. Đáng chú ý, số cơ sở bị phạt tiền đã tăng gần 3 lần so với năm 2023, số tiền phạt cũng tăng 1,69 lần. Lực lượng Công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88% so với năm 2023) với 97 bị can (tăng hơn 185 lần so với năm 2023).
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, việc quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đã phân cấp cho các địa phương. Khi ngộ độc thực phẩm xảy ra, y tế các địa phương đứng ra tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Các sở, ngành ở địa phương phải phối hợp với ngành y tế để điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc.
Nhưng từ trước đến nay thiếu sự phối hợp với các ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, nếu không có sự quản lý đảm bảo an toàn từ đầu vào, khi thực phẩm đến bàn ăn của người tiêu dùng xảy ra ngộ độc rất khó kiểm soát. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các Bộ, ngành phải truy xuất nguồn gốc ở những cơ sở bán nguyên liệu của thức ăn đó.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, về vấn đề ATTP, theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ có 3 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chịu trách nhiệm 19 mặt hàng như nông sản, thịt, cá, mắm, muối, gia vị, giò, chả…), Bộ Công Thương (chịu trách nhiệm quản lý: sữa, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo…) và Bộ Y tế (chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên).
UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm trên địa bàn, chịu trách nhiệm về thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến ý thức của người kinh doanh, sản xuất và người dân thực hiện vấn đề đảm bảo ATTP. Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành vì liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hái, lưu thông trên thị trường và cuối cùng là chế biến, sử dụng.
Chia sẻ thêm về điều này, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, vụ sử dụng hoá chất độc hại để sản xuất giá đỗ mới được phát hiện, nhiệm vụ chính theo phân công của Luật An toàn thực phẩm là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát cũng là ngành nông nghiệp. Khi một vụ việc liên quan đến ATTP xảy ra, cần có sự vào cuộc của bộ, ngành theo phân công trách nhiệm quản lý.
Vì sao 3 ngành được phân công, quản lý, nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo của người tiêu dùng? Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngộ độc thực phẩm thường xảy ra ở bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do địa phương quản lý; nguyên nhân từ nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc nông sản, hoặc sản xuất chế biến như rượu…
Ý thức thực hành ATTP của người chế biến, người kinh doanh thực phẩm chưa cao, vì lợi nhuận, thực phẩm có thể được chế biến từ các nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Quá trình bảo quản, tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng là yếu tố gây ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, công tác thanh tra và hậu kiểm ATTP hiện nay chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu thực tế.
Một khó khăn lớn mà theo ông Nguyễn Hùng Long, cán bộ chuyên trách về ATTP còn thiếu, đặc biệt là ở cấp xã, phường, khiến cho công tác quản lý ở cấp cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở sản xuất thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại trên thị trường. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại cấp huyện, xã cũng còn yếu, chủ yếu là nhắc nhở mà không có hình thức xử lý nghiêm, không tạo tính răn đe với người vi phạm. Một số nơi buông lỏng quản lý, để cho cơ sở không phép hoạt động, xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường phối hợp liên ngành, công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào những vụ việc cụ thể và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về chế tài xử phạt để thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về tầm quan trọng của ATTP.