Nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng tại Quảng Bình

Thứ Ba, 07/06/2022, 08:49

Quảng Bình hiện là một trong những tỉnh có độ rừng che phủ tốp đầu cả nước (diện tích rừng chiếm tới 68,59%), địa hình đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt nắng nóng kéo dài, cộng với gió Lào thổi mạnh nên nguy cơ cháy rừng luôn đặt trong tình trạng báo động. Hiện, Quảng Bình đang triển khai quyết liệt nhiều cách làm hay để phòng, chống cháy rừng mang lại hiệu quả cao, cần nhân rộng mô hình đến các địa phương khác.

Quyết liệt phòng, chống cháy rừng

Được biết, Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên 800.003,01ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 615.317,91ha, trong đó diện tích đất có rừng là 543.048,85ha (rừng tự nhiên 469.767,95ha; rừng trồng 73.280,9ha); có 45.534,07ha rừng trồng chưa thành rừng.

Theo chức năng ba loại rừng, toàn tỉnh hiện có 144.310,88ha rừng đặc dụng, 151.862,89ha rừng phòng hộ và 319.144,14ha rừng sản xuất. So với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Bình hiện là địa phương dẫn đầu có diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Những ngày vừa qua, Quảng Bình luôn có nắng nóng, cộng với gió phơn Tây - Nam (gió Lào) thổi mạnh nên việc bảo vệ các cánh rừng khỏi bị cháy luôn được các đơn vị chức năng liên quan đặt lên hàng đầu.

Nhiều giải pháp phòng, chống  cháy rừng tại Quảng Bình -0
Lực lượng chức năng ở Quảng Bình tiến hành dập lửa trong vụ cháy rừng phòng hộ ven biển.

Bên cạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đến tận địa bàn khu dân cư. UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Các lực lượng tham gia diễn tập các phương án chữa cháy rừng tại các địa bàn khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ cháy cao, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức huấn luyện theo nhiều phương án đặt ra, hướng dẫn cho các chủ rừng và người dân các biện pháp, như: đốt dọn thực bì đúng cách; phát đường băng cản lửa ở diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; vệ sinh, chăm sóc rừng trồng; đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng…

Để giữ được những cánh rừng bạt ngàn trong nắng lửa miền Trung, tỉnh Quảng Bình đang huy động “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng”, trong đó, chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy rừng gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình: rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện nguyên nhân cháy đều do người địa phương sống cạnh rừng gây ra. Nhiều khi chỉ vì người dân chủ quan khi đốt lá, đốt ong rừng, nấu ăn cạnh bìa rừng... đã gây ra các vụ cháy làm thiệt hại hàng chục hécta rừng. Vì vậy, muốn bảo vệ rừng, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng thì trước hết là nâng cao ý thức cho người dân sống cạnh rừng. Khi người dân làm chủ rừng, xem rừng như là nhà thì cánh rừng nơi đó luôn được bảo vệ tốt nhất.

Để phòng, chống cháy rừng ngay từ đầu mùa nắng nóng, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị chủ rừng triển khai vệ sinh rừng trước mùa khô, tu bổ các công trình phòng, chống cháy rừng. Xây dựng đường phục vụ công tác tuần tra chữa cháy rừng, nâng cấp, mở các tuyến đường ngăn lửa, mua sắm trang thiết bị như máy thổi gió, máy định vị GPS. Việc tăng cường quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa, dừng việc xử lý thực bì bằng lửa và nghiêm cấm việc đốt lửa trong rừng, ven rừng trong những ngày nắng nóng cao điểm đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng, chống cháy rừng. Hiện lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng ở Quảng Bình đang trực cháy, theo dõi điểm cháy rừng trên ảnh vệ tinh và nhận thông tin báo cháy, chốt trực tại các chòi canh và tại thực địa ở các vùng trọng điểm cháy rừng 24/24h.

Gắn cuộc sống người dân với những cánh rừng

Theo ông Nguyễn Sỹ Doãn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đồng Hới, Quảng Bình, trong thời gian cao điểm nắng nóng, hầu hết lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng và các xã, phường đã thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và bảo đảm trực 100% quân số, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao… song hơn 30 năm trong nghề kiểm lâm, và đã luân chuyển qua nhiều địa bàn công tác, theo kinh nghiệm của ông Doãn thì nơi nào người dân sống cạnh bìa rừng, họ yêu rừng, xem rừng như một phần tài sản của gia đình thì nơi đó rừng được bảo vệ tốt nhất. Để làm được điều đó, thì các địa phương nên chủ động giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống cạnh rừng.

Cùng chung ý kiến với ông Nguyễn Sỹ Doãn, chúng tôi đến nhiều địa phương, gặp nhiều chủ rừng để tìm hiểu đều nhận được ý kiến chung: Để bảo vệ tốt nhất các cánh rừng không gì quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống cạnh rừng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng thì các tỉnh, thành phố cần có giải pháp để người dân ven rừng sống được với rừng, có thu nhập từ việc giao khoán rừng, bảo vệ rừng…

Xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn với 3.635,65ha diện tích đất rừng. Nhiều năm qua, cánh rừng nơi đây luôn được bảo vệ an toàn trong mùa nắng nóng là nhờ bởi chính quyền đã huy động được sức dân vào bảo vệ rừng. Hằng năm chính quyền địa phương và người dân luôn xác định từ tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm nguy cơ cháy rừng rất cao nên công tác phòng, chống cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc phát thông báo, tuyên truyền đến từng chủ rừng, hộ gia đình, xã Quảng Thạch đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát những mâu thuẫn, tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp để giải quyết nhằm kịp thời ngăn chặn trường hợp đốt phá rừng để trả thù. Một trong những cách làm rất hiệu quả việc bảo vệ rừng ở Quảng Thạch là thành lập các mô hình nhóm liên gia tự quản.

Theo đó, mỗi nhóm sẽ gồm từ 10 - 20 hộ có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Khi phát hiện trường hợp xử lý thực bì cháy có nguy cơ lây lan, sẽ phát thông tin trên loa truyền thanh, huy động toàn thể nhân dân địa phương đến dập lửa…

Theo nhiều người có kinh nghiệm làm trong ngành Lâm nghiệp lâu năm thì khi xảy ra cháy rừng, để hạn chế cháy đến mức thấp nhất, đồng thời tránh nguy hiểm cho người tham gia chữa cháy, cơ quan chức năng địa phương đó cần giải quyết tốt các vấn đề sau: Nhiều nơi xảy ra cháy lớn, huy động hàng ngàn người tham gia dập lửa, cứu rừng nhưng lại thiếu một “tổng chỉ huy” nhất quán tại hiện trường. Bởi khi rừng xảy ra cháy, có nhiều lực lượng tham gia dập lửa, mỗi lực lượng lại ở các cơ quan, đơn vị khác nhau… vì vậy việc chỉ đạo thường thiếu nhất quán, dậm chân nhau ít hiệu quả. Vì vậy tại hiện trường đám cháy cần phải có một chỉ huy để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy lớn, gió thổi mạnh, việc dùng vòi nước, ống phụt, hoặc dùng sức người đối mặt với đám cháy sẽ ít mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm một số nơi xử lý cháy rừng hiệu quả cho biết: Khi phát hiện đám cháy nhỏ có thể huy động sức người dập tắt. Nhưng khi đám cháy bùng lên dữ dội, cần huy động người và phương tiện không phải để dập tắt đám cháy mà để khống chế đám cháy không cho lây lan. Muốn khống chế tốt cần tạo các đường băng cản lửa. Phát sẻ cây cối, tạo những đường băng rộng 50-100m vây quanh đám cháy, sau đó lực lượng chức năng ở ngoài đường băng, tàn tro lửa bay qua đường băng nơi nào dập tắt ngay nơi đó…

Dương Sông Lam
.
.
.