Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động sớm quay trở lại
Đến giữa tháng 12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu lao động rời bỏ các trung tâm công nghiệp, các đô thị lớn để trở về địa phương mà chưa muốn quay trở lại.
Đây là con số được Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 29/12 để lý giải cho tình trạng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. 2,2 triệu lao động là con số không nhỏ, sẽ có những tác động đáng kể đến thị trường lao động trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Người lao động cần được hỗ trợ
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch lần thứ 4. Trong số này, nữ chiếm 37,5% (tương đương 810,7 nghìn người) và người từ 15 tuổi trở lên chiếm 70,7% (tương đương gần 1,5 triệu người). Trong số 2,2 triệu người di cư quay về có khoảng 447,1 nghìn người trở về từ Hà Nội, gần 509 nghìn người về từ TP Hồ Chí Minh, khoảng 540 nghìn người về từ các tỉnh phía Nam khác và khoảng 668 nghìn người về từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong tổng số 447,1 nghìn người cư trú tại Hà Nội trước khi quay trở về các địa phương khác, nữ giới chiếm 37,4% và người từ 15 tuổi trở lên chiếm 69,4%. Trong số những người từ 15 tuổi trở lên, có 43,7% đang có việc làm; 37,9% thất nghiệp, mất việc làm, không được làm việc do phải cách ly, giãn cách. Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và Đắk Lắk là những địa phương có số người quay về từ Hà Nội nhiều nhất với số liệu lần lượt là: 87,5 nghìn người, 70,4 nghìn người, 41,9 nghìn người và 38,0 nghìn người.
Trong khi đó, trong tổng số 508,8 nghìn người cư trú tại TP Hồ Chí Minh trước khi quay trở về các địa phương khác trong cả nước, nữ giới chiếm 39,5% và người từ 15 tuổi trở lên chiếm 72,0%. Trong số những người từ 15 tuổi trở lên, có 42,6% lao động đang làm việc và 36,6% lao động là thất nghiệp, mất việc làm, không được làm việc do phải cách ly, giãn cách. Một số tỉnh đón nhận người di cư trở về từ TP Hồ Chí Minh nhiều nhất là Bình Định (70,3 nghìn người), Đắk Lắk (62,5 nghìn người), Đồng Tháp (32,9 nghìn người) và Thừa Thiên- Huế (27,2 nghìn người).
Tình trạng lao động di cư quay về quê dẫn đến việc cả nơi đi và nơi đến phải đối mặt với tình trạng nơi bị thiếu hụt lao động (nơi đi) và nơi quay về chưa sắp xếp bố trí được công ăn việc làm cho người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, để thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động cũ trong bối cảnh hiện nay là thách thức khá lớn đối với doanh nghiệp và Chính phủ. Người lao động sẽ khó quay lại thị trường lao động, cũng như doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động nếu dịch bệnh tại những địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.
“Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần triển khai nhiều biện pháp. Biện pháp cần triển ngay là phủ xanh vaccine toàn dân, đặc biệt là những thị trường lao động năng động thu hút nhiều lao động sản xuất kinh doanh. Thị trường lao động lớn phía Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát được dịch COVID – 19, tạo được tâm lý tốt cho người dân. Các doanh nghiệp cần có chính sách tốt đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất, tạo tâm lý làm việc yên tâm, thoải mái nhằm giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời với những lao động đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như lao động đang phải tạm hoãn việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hỗ trợ chi phí sinh hoạt như thuê nhà, điện nước với người lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết.
Các chính sách an sinh đã phát huy hiệu quả
Đánh giá về việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, cũng như người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua, Tổng cục Thống kê cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã phát huy hiệu quả để người dân vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho các đối tượng đạt 31,35 nghìn tỷ đồng, trong đó số lượt người nhận hỗ trợ là 28,84 triệu lượt người và gần 377,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, tổng số tiền đã hỗ trợ đạt 37,54 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.
Để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ cho người dân khó khăn do thiên tai và ở các hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt, tính đến ngày 23/12/2021, tổng số gạo đã hỗ trợ là gần 149,1 nghìn tấn cho 2,54 triệu lượt hộ với gần 9,94 triệu lượt nhân khẩu.
Cùng với đó, theo báo cáo nhanh từ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả thực hiện các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và sự chung tay, góp sức trực tiếp từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trên địa bàn trong đại dịch tính đến ngày 15/12/2021 như sau: Tổng số tiền hỗ trợ về lương thực, thực phẩm rau củ quả thiết yếu, vật dụng y tế (khẩu trang, khử khuẩn, bình ôxy,…) là gần 6,3 nghìn tỷ đồng, cho 8,74 triệu lượt hộ.
Bên cạnh đó, còn nhiều chính sách khác như: Tính đến ngày 15/12/2021 đã có 14,82 triệu lượt hộ được hỗ trợ giảm giá điện với tổng số tiền hỗ trợ là 2,3 nghìn tỷ đồng; gần 9,87 triệu lượt hộ được giảm giá nước với tổng số tiền hỗ trợ gần 310,2 tỷ đồng; 1,81 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 2,7 triệu lượt hộ với các chính sách khác.
“Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị thông qua các chính sách hỗ trợ rất cụ thể cho người dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong thời gian qua đã giúp cho cuộc sống của người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.