Nhiều đô thị trồng cây xanh mới chỉ quan tâm phần ngọn...
Không chỉ sau cơn bão số 3, thực trạng cây xanh ở Hà Nội mới được mổ xẻ, phân tích. Đã từng có những bài học về nhiều cây phong lá đỏ chết khô trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng hay trước đó nữa là hàng cây mỡ nhưng được khoác tên gỗ vàng tâm cũng không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng bị chết phải thay hàng loạt.
Vấn đề đặt ra hiện nay là việc trồng loại cây đô thị nào phù hợp và quy trình, kỹ thuật trồng cần phải được giám sát ra sao - được dư luận đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) liên quan đến vấn đề này.
PV: Thưa ông, cơn bão số 3 “quét” qua Hà Nội đã làm trên 40.000 cây gãy đổ, trong đó có hơn 13.600 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác do TP quản lý). Nhiều cây bật rễ, gãy đổ còn nguyên vỏ bầu. Đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc trồng cây phải để nguyên bầu hay gỡ ra. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Và theo ông, những lỗi kỹ thuật nào thường ảnh hưởng đến cây xanh đô thị hiện nay?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Tôi thấy, những người thực hiện việc trồng cây tại đô thị phần lớn chưa được đào tạo qua trường lớp bài bản. Và cây xanh trồng còn nguyên bầu bọc rễ là lỗi kỹ thuật. Khi trồng xuống đòi hỏi phải tháo bỏ lớp bầu bọc để rễ cây ăn sâu xuống dưới đất. Lớp bọc bầu đất không được loại bỏ, cây vẫn xanh tốt, là do phần mặt bầu được trồng thấp hơn bề mặt và tiếp xúc với đất. Rễ sẽ mọc ra từ đó. Tuy nhiên, việc phát triển này khiến những rễ đâm sâu xuống đất bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đứng vững của cây khi có tác động của gió bão. Cây vẫn phát triển bình thường, nhưng yếu tố bất thường nằm ở mật độ rễ và phân bố của rễ để đảm bảo cây đó vững chắc.
Tôi thấy còn một vấn đề nữa về kỹ thuật trồng cây không chỉ ở Hà Nội mà nhiều đô thị khác cũng có hiện tượng này là kích cỡ các hố trồng cây bị "đánh đồng" một loại kích cỡ. To cũng nhồi cái hố đấy, bé cũng nhồi cái hố đấy. Vừa qua, nhiều cây bật gốc, chúng ta thấy dây điện loằng ngoằng ở rễ. Điều này gây tổn hại, mất điện, mất thông tin liên lạc. Trong khi, dây điện mang yếu tố kỹ thuật, sẽ hỏng theo thời gian, còn cây lại phát triển ra. Khi dây xuống cấp, lại phải đào lên, đào cây để cải tạo, tạo ra vòng luẩn quẩn.
Hiện nay các công ty cây xanh cũng chưa có quy chuẩn cụ thể về việc cắt tỉa cây sao cho đúng kỹ thuật, đúng thời điểm. Nhân viên thực hiện cắt tỉa cây hầu hết làm theo cảm tính, không nắm được cắt cây nào, cắt mùa nào, cắt ở vị trí nào trên cây để đảm bảo cây được trẻ hóa, nâng cao được tuổi thọ, mà vẫn đảm bảo cân đối trong phát triển. Nếu như làm như vậy, tôi không dám chắc sẽ khắc phục được hết những đổ gãy, nhưng chắc chắn sẽ có tác dụng giảm thiểu.
PV: Những lỗi kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây xanh có vẻ không được coi trọng nhưng hậu quả lại gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Để khắc phục được những lỗi trên, theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Sở dĩ những lỗi kỹ thuật như trên tồn tại trong một thời gian rất dài tại hầu hết các đô thị ở nước ta chính là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực cây xanh đô thị đại bộ phận chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng liên quan đến cây xanh đô thị.
Tôi nhấn mạnh rằng, môi trường, không gian sống của cây trong đô thị rất khác với các vùng nông thôn, rừng núi nên kỹ thuật chọn loài, kỹ thuật trồng, duy trì, chăm sóc cây đô thị có những yêu cầu đặc thù riêng. Tương tự như vậy, khi xét hồ sơ mời thầu về quy hoạch, thiết kế, trồng, duy trì cây xanh cũng chưa kiểm soát tốt về chất lượng nhân lực có chuyên môn có thể đảm nhiệm tốt công việc.
Theo kinh nghiệm ở một số nước như Canada, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… tất cả những người làm ở các vị trí chủ chốt ở các đơn vị quản lý và chỉ đạo kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị từ chọn loài cây, quy hoạch, thiết kế trồng cây, phải ít nhất có bằng kỹ sư lâm nghiệp đô thị hoặc là kiến trúc sư, kỹ sư cảnh quan; thậm chí còn yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng minh năng lực về cây xanh đô thị.
Riêng đối với công việc giám sát, chỉ đạo kỹ thuật trồng cây, duy trì chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh hại cây chỉ do kỹ sư lâm nghiệp đô thị đảm nhiệm; những người thuộc những nhóm chuyên môn khác chỉ tham gia phối hợp; công nhân tham gia các công việc liên quan đến cây xanh đô thị, cũng định kỳ được bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và thi tay nghề. Có thể thấy rằng, để chủ động trong công tác quản lý và giảm nhẹ những tác động tiêu cực, việc có một đội ngũ nhân lực kỹ thuật có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng tốt, yêu nghề sẽ không những giảm thiểu được rủi ro do cây xanh gây ra mà còn góp phần tích cực đảm bảo cây trồng khỏe mạnh, phát huy tác dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội. TP Hà Nội cũng như các đô thị khác nên lưu tâm đến vấn đề này để từng bước có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
PV: Bên cạnh những tồn tại về kỹ thuật trồng cây, việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với đô thị cũng là điều đáng bàn. Hà Nội cũng đã có nhiều bài học khi đưa vào trồng những loại cây không phù hợp như cây phong lá đỏ, cây mỡ. Theo ông, lựa chọn cây trồng đô thị nên có những tiêu chí nào?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Thực tế cho thấy, không phải cây nào được trồng trong đô thị cũng bảo đảm các yếu tố đề ra đối với cây đô thị. Nước ta là nước nhiệt đới có hệ thực vật phong phú với 12.000 loại thực vật bậc cao. Đây là nguồn cung cấp tài nguyên thực vật vô cùng quý giá có thể nhân giống cung cấp trồng trong các đô thị. Do đó, việc dẫn giống cây trồng từ mỗi vùng sinh thái phù hợp với đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tính chất của đô thị không những góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị mà còn tạo được bản sắc cảnh quan đặc trưng riêng cho mỗi đô thị.
Cây xanh bóng mát đường phố Hà Nội đa dạng về thành phần, nhiều nhất là các loài xà cừ, bằng lăng, lim xẹt… đã chứng minh được sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở Hà Nội hiện phải chịu nhiều áp lực do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp. Rễ cây thay vì cắm sâu vào đất, buộc phải phát triển và thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi gặp tác động lớn từ thiên nhiên. Theo tôi, Hà Nội nên có chiến lược phát triển cây xanh phù hợp với thực tế trên từng tuyến phố.
Với cây xanh đô thị thì phải có biện pháp quản lý tốt từ khâu chọn giống cho đến thiết kế trồng cây trong đô thị như thế nào. Đặc biệt, đối với cây trồng đường phố. Loại cây này bị tác động bởi yếu tố hạ tầng, yếu tố con người thường xuyên, cho nên cần phải theo dõi một cách chặt chẽ. Việc đưa chủng loại cây nào vào trồng trong đô thị, những loại cây nào nên sử dụng trồng ở đường phố, nhiều nơi vẫn rất lúng túng. Việc quy hoạch, lựa chọn các loại cây trồng cũng chưa được chú ý nhiều. Hiện tại, Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng cây, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!