Nhiều cái bẫy chết người dưới cống thoát nước đô thị

Thứ Sáu, 28/07/2023, 06:45

Khoảng 9h ngày 26/7, tốp 6 công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh mở nắp cống rộng khoảng 1m2, sâu 2m trên đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh xuống vớt rác khơi thông dòng chảy để chống ngập.

Vừa xuống đến đáy thì bất ngờ công nhân tên K.L có dấu hiệu ngất xỉu nên các công nhân trong tổ xuống giải cứu, đồng thời kêu gọi những người dân xung quanh đến hỗ trợ. Tuy nhiên chưa kịp đưa anh K.L lên thì 4 công nhân khác bị tức ngực, khó thở do thiếu oxy nên đã phải ra dấu cho công nhân khác kéo lên. Sau đó các anh đã gọi điện cho Cảnh sát PCCC và Công an huyện Bình Chánh đến hỗ trợ.

bay chet nguoi1.jpg -0
Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ xuống giếng cứu người.

Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh lập tức điều 2 xe chuyên dụng cùng 12 cán bộ, chiến sĩ thuộc bộ phận cứu hộ, cứu nạn được trang bị bình dưỡng khí và mặt nạ chống độc đến ngay hiện trường phối hợp với Công an huyện Bình Chánh thực hiện các biện pháp cứu người.

Sau ít phút lặn xuống cống, Cảnh sát đã đưa được anh Kim Long, sinh năm 1985 lên khỏi miệng giếng và thực hiện biện pháp sơ cứu, hô hấp nhân tạo nhưng không kịp vì anh này đã tử vong trước đó. 4 công nhân còn lại gồm các anh Võ Huỳnh Bảo Anh, sinh năm 1987; Diệp Bảo Cường, sinh năm 1990; Trần Trung Bình, sinh năm 1980 và Ngô Khải Minh, sinh năm 2001 có biểu hiện tức ngực, khó thở nên được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Bác sỹ CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh – Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay khi nhập khoa cấp cứu, các bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy mũi. Sau khi làm các xét nghiệm, nhận thấy các bệnh nhân bị thiếu oxy trong máu nên tiếp tục được hỗ trợ thở oxy trong thời gian 30 phút rồi chuyển 2 người là Trần Trung Bình và Ngô Khải Minh lên khoa Nhiệt đới để tiếp tục theo dõi.

Đối với hai bệnh nhân Võ Huỳnh Bảo Anh và Diệp Bảo Cường, theo bác sỹ CK2 Đặng Vũ Thông - Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện Chợ Rẫy, cả hai đều trong tình trạng suy hô hấp nên lập tức được nội soi phế quản cấp cứu để hút sạch các chất bẩn trong đường hô hấp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội phổi, một bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải thở oxy qua mặt nạ.

Công nhân Trần Trung Bình cho biết: “Trước khi xuống, chúng tôi đã  mở nắp cống một khoảng thời gian cho các loại khí độc thoát ra ngoài, lượng oxy tràn vào trong nhiều hơn rồi mới làm việc. Nắp cống trên đường Trần Văn Giàu được mở để khoảng gần nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi bắt đầu làm việc. Anh Kim Long xuống dưới múc bùn, rác.

Vừa chạm đáy cống thì chúng tôi phát hiện anh Kim Long có dấu hiệu bị ngạt khí nên cả tổ đã thay phiên nhau leo xuống cứu, song không làm gì được vì khí độc đã xâm lấn toàn bộ ống cống khiến anh em bị ngạt, buộc lòng phải ra dấu cho anh em ở trên kéo lên. Một lúc sau, tất cả đều bị tức ngực, khó thở nên đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu”. 

bay chet nguoi2.jpg -0
Hiện trường vụ tai nạn.

Anh Trung, một công nhân có nhiều năm làm trong ngành thoát nước cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng gần 5.000km đường cống thoát nước, trong đó có gần 1.000km tồn tại từ trước năm 1975.

Hiện tại nhiều khu vực có thể sử dụng phương tiện chuyên dụng để hút bùn, rác, nhưng cũng có một số khu vực không thể dùng máy móc được vì vướng cành cây, sắt, tôn vụn và nhiều loại vật dụng cũ trôi nổi nên công nhân phải trực tiếp chui xuống dưới để vớt lên.

Bản thân anh, khi được nhận vào làm việc, anh được đơn vị chủ quản tổ chức cho tham gia một lớp bồi dưỡng ngắn ngày để nắm được các quy định về an toàn trong lúc làm việc, đồng thời cũng nhận được cảnh báo về việc dưới giếng, cống là không gian kín, thiếu oxy, có thể có nhiều khí độc như CH4 (metan), H2S và CO và thậm chí cả hóa chất các loại nên phải hết sức cẩn trọng, nếu hít phải rất dễ dẫn đến tình trạng hôn mê, thậm chí là tử vong.

Chính vì vậy, mỗi khi thực hiện công việc, phải mặc quần áo bảo hộ và phải mở nắp từ 30 phút đến một giờ đồng hồ cho khí độc bay đi rồi mới leo xuống giếng để nạo vét. Thực tế khi chui vào lòng cống, anh em còn phát hiện rất nhiều vật thể có thể gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho người làm việc  như cây mục, đinh sắt, thanh sắt phế liệu, mảnh kính vỡ, mảnh gốm sứ sắc nhọn…

Thủy triều cũng là một mối nguy hiểm nếu anh em không hiểu rõ quy luật lên, xuống. Trước khi xuống cống vét bùn, rác, anh em phải tính toán thật kỹ xem ngày hôm đó thủy triều xuống lúc mấy giờ và dâng vào thời gian nào. Nếu không, thủy triều dâng lên làm ngập đường cống thì sẽ khó mà chui ra ngoài kịp. Khi thủy triều xuống ở mức độ vừa phải thì phải tiến hành nạo vét ngay chứ cạn trơ đáy thì dễ làm thật, nhưng khi ấy nước có thể dâng nhanh bất kỳ và gây nguy hiểm.

Nhiều người dân còn  đổ tất cả các loại nước thải, thực phẩm thiu thối, xác động vật, các loại rau – củ - quả hư hỏng, người chăn nuôi thì lén xả phân động vật… xuống cống. Tất cả các loại rác thải này, khi phân hủy sẽ tạo khí độc như metan, H2S và CO. Còn có những đơn vị, cá nhân sản xuất hàng hóa có sử dụng hóa chất như thuộc da, nhuộm vải sợi, xi mạ… lén lút xả thải trực tiếp xuống cống mà không qua công đoạn xử lý nên nhiều khi anh em mặc dù có đồ bảo hộ, nhưng khi ngâm mình nhiều giờ dưới lòng cống vẫn bị ngấm vào gây lở loét trên da, thậm chí bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể.

Anh Trung kể, vào đầu năm 2019, các anh nhận kế hoạch nạo vét bùn, rác tại một số giếng gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Đang múc bùn đưa lên thì một dòng nước màu nâu thẫm bất ngờ lao đến. Biết đó là hóa chất tích tụ từ những ống cống xả thải của những cơ sở sản xuất lén lút đổ ra, nhưng nước dâng nhanh nên anh Trung thoát lên không kịp khiến cho hóa chất ngấm vào người làm nhiều chỗ trên cơ thể đỏ rát. Cũng may là sau khi được đưa vào bệnh viện điều trị, sức khỏe của anh đã được đảm bảo và hơn một tháng sau có thể tiếp tục làm việc…

 “Trước khi đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống đường cống thoát nước để đưa máy móc, thiết bị chuyên dụng vào làm việc, thì những đơn vị sản xuất hàng hóa có sử dụng hóa chất hãy nghĩ đến vấn đề đạo đức mà dừng xả thải bừa bãi.

Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức tự giác, không xả chất thải, mảnh thủy tinh vỡ, đầu sắt thép sắc nhọn, xác và phân gia súc, gia cầm và các loại rác thải khác xuống cống thoát nước để hạn chế tối đa các tác nhân sinh ra khí độc. Có như vậy thì tính mạng của công nhân chúng mới được đảm bảo…”. Anh Trung bày tỏ.

Đức Cương
.
.
.