Nhà ở cho công nhân ngày càng “nóng”

Chủ Nhật, 28/11/2021, 08:29

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã bộc lộ rõ nhiều bất cập về việc thiếu nhà ở cho công nhân, người lao động thời gian qua. Chưa khi nào nhà ở cho công nhân lại được đặc biệt quan tâm như hiện nay.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận nhiều bất cập liên quan đến việc xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và đề xuất nhiều giải pháp như sửa đổi các quy định pháp luật, bổ sung nguồn vốn qua các gói hỗ trợ… Sớm triển khai quyết liệt các giải pháp là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vấn đề ngày càng “nóng” này.

An cư mới giữ chân được người lao động

Với gần 8 năm đi làm, thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Ngọc Quang, công nhân Khu công nghiệp Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) chưa dám nghĩ đến việc sẽ mua được căn nhà dù nhỏ để “an cư”. Nếu có sự hỗ trợ về mặt tài chính như các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp dành cho người thu nhập thấp từ phía Nhà nước, có chăng công nhân như anh mới dám nghĩ đến việc sở hữu 1 căn nhà.

“Mức thu nhập hiện tại thậm chí còn chưa đủ đảm bảo các khoản chi tiêu cơ bản làm sao công nhân như chúng tôi dám nghĩ đến chuyện nhà cửa. Trước mắt cứ làm việc ở công ty vì nếu về quê bây giờ cũng chưa biết làm gì. Nghe nói sắp tới đây, công nhân lao động có nhu cầu mua hay thuê mua nhà ở xã hội sẽ được tiếp cập các khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng từ gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng. Lao động tại các khu công nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận. Những chính sách như thế này sẽ giúp người lao động sớm ổn đinh và yên tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thông tin về chính sách, bao giờ có, bao giờ thực hiện thì chưa biết”, anh Quang băn khoăn.

Khó khăn của anh Quang cũng là khó khăn của hàng chục triệu công nhân, người lao động hiện nay về vấn đề nhà ở. Nhu cầu nhà ở cho công nhân hiện đang rất lớn nhưng nguồn cung mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tính đến cuối tháng 9/2021, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng hơn 142.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng hơn 7,1 triệu mét vuông sàn nhà ở; trong đó có khoảng 54.000 căn hộ nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, tương ứng 2,7 triệu mét vuông sàn nhà ở.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân chưa đạt yêu cầu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bởi theo chiến lược này phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Theo ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, những bất cập về việc thiếu nhà ở cho công nhân đã bộc lộ rõ nét. Người lao động tại các khu công nghiệp lớn, các trung tâm kinh tế lớn do chưa ổn định được cuộc sống nên không ít người đã phải bỏ về quê, nhiều người cố bám trụ lại nhưng gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống, duy trì việc làm. Do đó, ông Linh cho rằng, giữ chân lao động từ việc an cư là giải pháp quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất xây dựng là giải pháp cấp bách. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện cũng đang khẩn trương đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng các thiết chế công đoàn. Về lâu dài, cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho công nhân”, ông Linh cho hay.

Nhà ở cho công nhân ngày càng “nóng” -0
Nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu.

Cần sớm triển khai gói tín dụng 65 nghìn tỷ

Thông tin về việc tới đây sẽ có gói tín dụng 65 nghìn tỷ để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân do Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ chấp thuận đưa vào chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 là tin đáng mừng với hàng triệu công nhân các khu công nghiệp hiện nay. Bởi việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp không chỉ nhằm đảo bảo chất lượng cuộc sống của người lao động mà là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế. Gói tín dụng này sớm được triển khai thì sẽ là cơ hội “an cư” cho số đông công nhân, người lao động.

Đề cập đến điều kiện để công nhân, người lao động có thể được hưởng thụ chính sách hỗ trợ, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đang đề xuất đối với công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp chỉ cần chứng minh có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp trong khu công nghiệp là sẽ đủ điều kiện để thuê nhà mà không phải đảm bảo các điều kiện khác ví dụ như điều kiện về thu nhập hay điều kiện về cư trú.

"Chúng tôi kiến nghị, trong các dự án khu công nghiệp thì chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm dành ra một phần quỹ đất để xây nhà ở công nhân, theo hướng phải đáp ứng 50% nhu cầu nhà cho công nhân", ông Hưng đề cập đến giải pháp phát triển quỹ đất xây nhà ở cho công nhân.

Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Thủ tướng chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, cũng như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 2 bộ luật quan trọng là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

“Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là khuyến khích và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp. Hiện, Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân theo phương thức cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025”, ông Sinh cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.