Nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

Thứ Năm, 17/02/2022, 08:38

Ngay sau Tết Nhâm Dần 2022 đã liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của số lượng lớn công nhân, người lao động ở một số địa phương. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), mới chỉ 6 tuần đầu tiên của năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc đình công.

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do doanh nghiệp và người lao động bất đồng trong các chính sách chi trả lương, thưởng… Tổng LĐLĐVN cho biết, phía công đoàn cũng đang phải triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể có thể từ những “đốm lửa” biến thành “đám cháy”.

Một trong những vụ ngừng việc tập thể tạo ra nhiều dư luận nhất diễn ra ngay sau Tết là vụ ngừng việc tập thể của 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Viet Glory (công ty sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh Nghệ An). Ngày 7/2, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 5.000 công nhân của công ty này đã không vào làm việc mà tập trung bên ngoài để yêu cầu công ty đáp ứng các quyền lợi mà theo họ là chính đáng.

Cụ thể, những công nhân này cho biết trong khi các doanh nghiệp khu vực xung quanh đã tăng lương cơ bản cho người lao động thì Viet Glory vẫn chưa tăng. Ngoài ra, với những người đã làm việc lâu năm cũng không có phụ cấp hay thâm niên. Theo đó, mức lương trung bình là 3.690.000 đồng/tháng kèm một số khoản khác, tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, một số khoản phụ cấp như xăng xe, phụ cấp cho phụ nữ nuôi con nhỏ… công nhân cũng không được nhận đủ mà thường bị trừ vào các ngày phép tháng… Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng. Cuộc ngừng việc này đã diễn ra từ ngày 7 đến tận sáng 14/2, 5.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory mới trở lại làm việc sau khi công ty chấp nhận tăng lương và các khoản phụ cấp.

Trong khi đó, vụ ngừng việc mới nhất vừa xảy ra tại Ninh Bình cũng có sự tham gia của hơn 5.000 công nhân. Theo đó, chiều 11/2, hơn 5.000 công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Vienergy Việt Nam (KCN Phúc Sơn, TP Ninh Bình) đã đồng loạt ngừng việc tập thể để ban lãnh đạo công ty làm rõ một số nội dung liên quan đến tiền lương, thu nhập của người lao động. Những công nhân, người lao động ở đây kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tiền lương, các khoản phụ cấp, chế độ nghỉ phép năm..

Sau khi các cấp, các ngành làm việc với đại diện lãnh đạo công ty, đến chiều tối ngày 12/2, Công ty TNHH Vienergy Việt Nam đã ra thông báo về việc giải quyết các kiến nghị của người lao động, đồng ý tăng 6% lương… Từ đó hơn 5.000 lao động của công ty này mới trở lại làm việc sau 2 ngày đình công, ngừng việc tập thể.

Nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể -0
Ngay từ đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể tại nhiều địa phương.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tại một số địa phương như Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An… đã xảy ra tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm… Tổng LĐLĐVN cho biết, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 12/2, tại 12 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu xoay quanh các yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ hỗ trợ độc hại, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ người lao động mắc COVID-19, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…

Theo chuyên gia lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì việc đình công, ngừng việc là chuyện khá bình thường của thị trường lao động. Tuy nhiên, tại những doanh nghiệp phát sinh mối quan hệ căng thẳng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động có ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch COVID-19. Người lao động suốt một thời gian dài bị mất việc, giãn việc khiến thu nhập giảm. Trong khi đó phía doanh nghiệp thì cũng bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Doanh nghiệp phải căn cơ, tính toán từng chi phí kể cả lương thưởng, chính vì thế dễ phát sinh đình công, ngừng việc của người lao động khi họ thấy chế độ phúc lợi không xứng đáng.

Ở góc độ khác, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh, các vụ đình công, ngừng việc tập thể gần đây còn có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...

“Ngay khi xảy ra các vụ ngừng việc tập thể những ngày qua, tổ chức công đoàn đã ngay lập tức phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết. Với sự vận động, thuyết phục, hỗ trợ của tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng, toàn bộ người lao động tại các công ty đã quay trở lại làm việc. Trong năm 2022, các cấp công đoàn tiếp tục xác định chủ đề của năm là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động”. Do đó, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp”, ông Anh cho hay.

Trước tình hình trên, ông Phan Văn Anh cho biết thêm, ngày 16/2, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản hỏa tốc gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; công đoàn các ngành Trung ương và tương đương; công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Trong đó, Tổng LĐLĐVN đã đưa ra nhiều giải pháp như: Các cấp công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công giai đoạn 2019-2023, trong đó chú trọng triển khai các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công; tổ chức công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động: Yêu cầu các cấp công đoàn chủ động và tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công…

Phan Hoạt
.
.
.