Người dân Khu đô thị Thanh Hà vẫn đang “khát” nước sạch

Thứ Tư, 25/10/2023, 08:11

Sau 10 ngày dừng cấp nước của Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) do mẫu nước lấy ngày 12/10 nhiễm khuẩn E.coli, hơn 22.000 dân sống tại 23 toà chung cư tại Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thiếu nước trầm trọng. Nhiều cư dân cho biết, nhà máy cấp nước sạch gần nghĩa trang nên nguồn nước bị ô nhiễm. Trước mắt, Công ty Nước sạch Hà Đông đang cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân ở đây, song người dân vẫn than trời thiếu nước.

Khốn khổ vì thiếu nước

Có mặt tại Tổ dân phố số 4, KĐT Thanh Hà vào chiều 23/10, theo ghi nhận của chúng tôi, vòi nước của nhiều hộ dân vẫn đang trong tình trạng mở để chờ nước mà không có giọt nào. Một số hộ dân cho biết, nếu có nước thì cũng chỉ kéo dài được khoảng 15-20 phút, gia đình nào không về kịp thì không có nước sử dụng.

“Chúng tôi chờ tới chiều tối, khi người dân đi làm về sẽ thông báo bơm nước. Nhưng những hộ từ tầng 9,10 trở lên hầu như nước không bơm tới được”, anh Phạm Minh Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết. Để có thể đối phó với tình trạng mất nước thời gian vừa qua, nhiều hộ dân nơi đây phải tìm đến những giải pháp tạm thời như tắm giặt nhờ tại nhà người quen, thậm chí là cả đến cơ quan để tắm giặt, đi làm về đèo theo một vài can nước.

Người dân Khu đô thị Thanh Hà vẫn đang “khát” nước sạch -0
Người dân khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) vẫn phải xếp hàng chờ xe chở nước sạch đến hằng ngày. Ảnh: CTV.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, anh Phạm Minh Châu cho biết, gia đình anh có 4 khẩu gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Những ngày mất nước, vợ chồng anh Châu tranh thủ tắm rửa tại nhà người quen, sau đó xin thêm can nước mang về nhà cho con nhỏ tắm. “Nước để nấu nướng, tôi mua nước sạch đóng chai về dùng hàng ngày”, anh Châu nói và chỉ vào cửa hàng nước đóng chai ngay tầng 1 chung cư cho biết thêm, trước đây mỗi ngày cửa hàng này chỉ bán được 2 bình nước, giờ được hơn 10 bình. 

Gương mặt buồn rầu, chị Phùng Thị Thúy Hải, chủ tiệm giặt là tại tầng 1 toà nhà HH03B rơi vào tình cảnh như ngồi trên đống lửa. Chị Hải cho biết, chi phí thuê cửa hàng giặt là hàng tháng là 6,5 triệu đồng. Từ ngày cắt nước (14/10) đến nay khiến hoạt động của cửa hàng chị Hải tê liệt. “Nếu có nước từ các nhà tài trợ thì cũng ưu tiên cho người dân sử dụng sinh hoạt nên cửa hàng của tôi đã không hoạt động 10 ngày nay rồi”, chị Hải nói. Cửa hàng của chị Hải còn tồn rất nhiều quần áo bẩn của khách thuê giặt, vì chưa có nước vẫn chất đống. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chị khó lòng duy trì được cửa hàng. “Mong các cơ quan nhà nước tìm giải pháp để bà con sớm có nước sinh hoạt trở lại”, chị Hải buồn rầu kiến nghị.

Đợi ở tầng 1, anh Đinh Văn Khoa, cư dân toà nhà HH03B chờ xem có xe nước từ thiện nào tới thì xin vài xô về sử dụng. “Kể từ khi phát hiện nguồn nước có vấn đề cho tới khi dừng cấp nước đến nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nước cấp cho dân chỉ đủ dùng để ăn uống, tắm giặt gần như không có và phải dùng rất tiết kiệm. Chúng tôi sống giữa Thủ đô mà quá khổ”, anh Khoa than thở. 

Người dân Khu đô thị Thanh Hà vẫn đang “khát” nước sạch -0
Người dân Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng chờ nước.

Nước nhiễm vi khuẩn E.coli, giải quyết ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cho biết, từ ngày 6/10, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của cư dân Tổ 6 Khu đô thị Thanh Hà về việc nước sinh hoạt nhớt, sử dụng tắm rửa làm cay mắt, trẻ em mẩn ngứa…Xã đã có công văn gửi Công ty Thanh Hà về việc cung cấp nước sạch phải theo quy chuẩn, nếu cắt nước của dân phải có lịch thông bảo; tổ chức đối thoại với cư dân…

Ngay sau khi có phản ánh của người dân, các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm. “Ngày 13/10 có kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 12/10 từ nguồn nước ngầm của Công ty Thanh Hà bị nhiễm E.coli. Ngày 14/10, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 có văn bản yêu cầu không cung cấp nguồn nước này cho KĐT Thanh Hà”, ông Phương cho biết.

Theo cư dân ở đây, từ khi có kết quả nguồn nước của Công ty Thanh Hà nhiễm E.coli, họ rất lo lắng. Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho chúng tôi xem một loạt tin nhắn của cư dân gửi phiếu kết quả khám bệnh từ ngày 12/10 trở về trước, phần lớn là trẻ em bị tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột. “Trạm cấp nước cho khu đô thị cách nghĩa trang hơn 300m, nên chúng tôi rất lo lắng nguồn nước bị nhiễm khuẩn E.coli có ảnh gì tới sức khoẻ của người dân đã sử dụng nước hay không?”, anh Phạm Minh Châu cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ  và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, sẽ nguy hiểm nếu người dân sử dụng nguồn nước nhiễm E.coli làm nước ăn. Vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, nước nhiễm khuẩn này có nguy cơ gây thành dịch tiêu chảy cho cộng đồng sử dụng nguồn nước đó. Vi khuẩn E.coli sẽ chết nếu nước được đun sôi, tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng đun sôi nước để dùng, ví như rửa rau, rửa bát đũa…Nếu trong nguồn nước có nhiễm khuẩn E.coli, nguy cơ mắc bệnh qua vật trung gian là hiện hữu. “Mặc dù khi nhiễm vi khuẩn này, người khoẻ có thể không gây thành bệnh, tuy nhiên phân thải ra lại chứa E.coli và trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác”, ông Thịnh cảnh báo.

Theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê, nước cấp cho cư dân KĐT Thanh Hà gồm nước ngầm do Công ty Thanh Hà khai thác và nước mặt sông Đuống được truyền tải qua hệ thống của Công ty Nước sạch Hà Đông. Trước ngày 14/10, nguồn nước của Công ty Thanh Hà cấp cho KĐT Thanh Hà là 50% (hơn 1.000m3/ngày đêm), 50% còn lại là của Công ty Nam Hà Nội (800m3/ngày đêm). Do nước nhiễm E.coli nên Công ty Thanh Hà đã phải ngừng cấp nước cho cư dân từ ngày 14/10.

“Để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, trong những ngày qua, có một số xe bồn chở nước của các nhóm hội từ thiện đến cho dân, nhưng chúng tôi cũng trăn trở là chất lượng nguồn nước ai kiểm định? Trong khi đó, chiều 20/10, Công ty Thanh Hà mới tổ chức họp cư dân, mời đại diện lãnh đạo tổ dân phố, đại diện một số hộ dân, đưa ra định hướng làm sao cấp nước đảm bảo cho người dân, theo lịch phải cấp đúng, trước mắt chưa đủ 100% nước cho dân sinh hoạt thì tối thiểu cũng phải đủ 60-70%”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, trước những bức xúc của cư dân về thiếu nước trầm trọng, ngày 19/10, tại buổi làm việc của huyện Thanh Oai với TP Hà Nội, KĐT Thanh Hà được cấp nước mặt của Công ty Nước sạch Hà Đông khai thác từ sông Đuống về, Công ty Thanh Hà tăng áp chuyển nguồn nước này cho cư dân. Trước mắt, đáp ứng hơn 3.000m3/ngày đêm. “Xã vừa nhận được thông tin mới nhất qua buổi làm việc sáng nay của Thường trực Huyện uỷ, từ ngày 24/10 sẽ cấp 5.000m3 nước/ngày đêm trong 10 ngày cho KĐT Thanh Hà, bước đầu đủ nước sinh hoạt, sau đó sẽ cắt giảm dần”, ông Phương cho biết.

Nhưng theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi dù Công ty Nước sạch Hà Đông hiện đang “chữa cháy” cho KĐT Thanh Hà, nhưng sản lượng nước vẫn chưa đủ cho dân sinh hoạt. Theo ông Phương, nhu cầu sử dụng nước của KĐT Thanh Hà khoảng trên 3.500 – 4.000m3/ngày đêm. Vì thế, để đảm bảo tính bền vững, chính quyền địa phương kiến nghị Sở Xây dựng điều tiết bằng cách điều phối thêm nhiều công ty cung cấp nước sạch cho KĐT Thanh Hà, để bảo đảm người dân có đủ nước sử dụng, cũng như đảm bảo sức khoẻ, ổn định cuộc sống cho cư dân.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.