Ngư dân miền Trung kiên trì bám biển sản xuất

Thứ Năm, 30/09/2021, 07:58

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ hải sản bị gián đoạn, giá bán hải sản có thời điểm sụt giảm đến 20-30% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó có ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, vẫn kiên trì bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...

Sau bão số 6 tiết trời nắng đẹp, hàng trăm tàu cá xa bờ của ngư dân Thừa Thiên-Huế lại xuất bến vươn khơi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống. Tất bật chuẩn bị nhiên liệu, đá cây và lương thực, thực phẩm đủ cho chuyến biển 7 ngày, ngư dân Nguyễn Văn Hậu (40 tuổi, trú ở phường Thuận An, TP Huế), chủ tàu cá công suất gần 500CV, cho biết: “Trước bão số 6, tàu cá tôi ra khơi và đánh bắt được khoảng 7 tấn cá nục, cá ngừ cùng một số loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hải sản tiêu thụ chậm, giá cả giảm gần 30% so với trước nên sau khi bán hết hải sản đánh bắt được thì chỉ còn dư một khoản chi phí đủ để lo xăng dầu cho chuyến biển tiếp theo”.

Theo ông Hậu, do đang bước vào mùa mưa bão nên với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, ông và các bạn thuyền chỉ cho tàu ra khơi không dài ngày như thời điểm đánh bắt cá vụ Nam để phòng tránh thời tiết diễn biến phức tạp.

Tương tự, lúc chúng tôi đến cảng cá Thuận An, ngư dân Trần Lành cùng các lao động đang bốc xếp ngư lưới cụ đưa lên tàu để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. “Tranh thủ mấy ngày nắng đẹp ra khơi đánh bắt tôm, cá chứ mùa này hiếm có dịp trời hanh nắng kéo dài”.

Theo anh Lành, dù dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn, trong đó ảnh hưởng lớn đến người lao động và mưu sinh bằng nghề biển do nguồn hải sản tiêu thụ gặp khó, giá cả giảm mạnh nhưng anh và các ngư dân địa phương vẫn quyết tâm bám biển, vươn khơi. “Đang giữa mùa dịch bệnh, giá xăng dầu lại tăng, bình quân mỗi chuyến biển tàu của gia đình tôi tiêu thụ gần 50 triệu đồng tiền dầu. Trong khi hải sản đánh bắt được thì bán giá thấp nên ngư dân chúng tôi chỉ biết lấy công làm lãi. Những chuyến biển giữa mùa dịch thế này không thua lỗ là may mắn lắm rồi!”, anh Lành bày tỏ.

Ngư dân miền Trung kiên trì bám biển sản xuất -0
Tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cập bến, đưa hải sản đánh bắt được lên bờ bán cho thương lái.

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP Huế cho hay, đến tháng 9/2021, phường có gần 340 tàu, thuyền lớn nhỏ đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó có 122 tàu cá chuyên tập trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa với sản lượng khai thác hải sản đạt mỗi năm hơn 10.000 tấn. Đặc biệt, kể từ khi địa phương thành lập câu lạc bộ “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thì hoạt động ngư nghiệp tại Thuận An có nhiều đổi thay, khởi sắc hơn trước.

Ngoài tuyên truyền đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các ngư dân trẻ còn tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng tại địa phương tổ chức nhắc nhở, động viên bà con ngư dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đánh bắt trên biển và khi tàu cập cảng cá để đảm bảo an toàn.

Tại địa bàn các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, gây nhiều khó khăn đối với hoạt động ngư nghiệp nhưng thời gian qua, hàng trăm ngư dân ở các xã biển Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên… vẫn tích cực vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản. Duy chỉ có một số ít tàu cá của ngư dân vì đánh bắt thua lỗ nên phải nằm bờ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận nói rằng, trong những ngày qua, giá bán các loại hải sản có sụt giảm so với trước. Đặc biệt, giá thu mua cá nục giảm từ 20-30% so với thời điểm bình thường nên nhiều tàu cá xa bờ đánh bắt số lượng lớn nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, động viên bà con ngư dân địa phương bám biển, vươn khơi. Nhờ tích cực bám biển nên sản lượng hải sản đánh bắt trong 3 tháng trở lại đây của địa phương đạt mức khá. Tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm gần cuối tháng 9 này, tổng sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt đạt 4.362 tấn.

Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 450 phương tiện tàu, thuyền khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các tàu này không chỉ tổ chức đánh bắt hải sản đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định, mặc dù ngư trường đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn nhưng ngư dân địa bàn tỉnh vẫn tích cực vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, một số loại hải sản như cá nục, cá ngừ tiêu thụ chậm hơn và giá giảm mạnh so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, các đội tàu đánh bắt tụt giảm sản lượng, tàu có hiệu quả thấp nằm bờ dẫn đến những đội tàu hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển gặp khó khăn. Hoạt động chế biến và tiêu thụ hải sản chưa mạnh cũng khiến sản lượng hải sản đánh bắt đưa vào bờ ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế, để nâng cao năng lực đánh bắt, chế biến và tiêu thụ hải sản, ngoài sự nỗ lực của ngư dân thì các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần có giải pháp hỗ trợ cho các chủ tàu cá, người lao động nghề biển.

Đặc biệt cần tiếp tục tuyên truyền đến ngư dân cải hoán máy móc, mua sắm trang bị thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và kết nối các tổ tàu thuyền trên biển để nâng cao hiệu quả khai thác biển. Các địa phương cần vận động doanh nghiệp kết nối với ngư dân để hình thành chuỗi liên kết cung ứng, thu mua, chế biến tiêu thụ hải sản nhằm đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định, qua đó giúp ngư dân vững tin bám biển trong thời điểm khó khăn như hiện nay...

Anh Khoa
.
.
.