Nghị lực phi thường của người cựu sĩ quan khiếm thị

Chủ Nhật, 24/04/2022, 09:34

Có một người phải sống cả đời trong bóng đêm nhưng chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận. Hàng chục năm qua, anh đã trở thành một tấm gương sáng ngời về nghị lực vươn lên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho hàng trăm người bất hạnh cùng cảnh ngộ với đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Vị “thủ lĩnh” khiến ai cũng phải khâm phục đó chính là anh Vũ Xuân Trường (SN 1964), Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng…

Chuyện buồn của Thiếu úy khiếm thị

Chiều Đà Lạt sụt sùi đổ mưa, câu chuyện trong căn phòng làm việc rộng hơn 10m2 với vị Chủ tịch Hội Người mù Lâm Đồng càng thêm đầm ấm. Giọng nói từ tốn, cử chỉ điềm đạm, gần gũi và sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với tất cả mọi người là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Vũ Xuân Trường.

Suốt 30 năm qua, anh Trường phải sống trong bóng đêm vì đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống, việc làm, đau khổ và hạnh phúc, với anh bây giờ là sự cảm nhận tinh tế. Nhưng, điều làm tất cả mọi người phải khâm phục ở anh không chỉ là một chỗ dựa vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ mà còn là một nghị lực vươn lên hết sức phi thường mà thoạt nghe khó ai có thể tin nổi.

“Mình khác với nhiều em ở đây. Sinh ra, đôi mắt mình nhìn tỏ mọi vật như những người bình thường. Cho tới năm 1993, khi đó mình đang công tác trong ngành Công an và đeo hàm Thiếu úy, đột ngột mình bị mù sau một trận ốm nặng!...”, anh Trường kể.

Bi kịch lớn khiến cuộc đời anh bước sang một ngã rẽ đầy biến động, đó là những ngày sau Tết Nguyên đán năm 1993, anh Trường vừa hoàn thành ca trực đêm trở về thì cơ thể bỗng mệt mỏi, nóng ran. Cứ nghĩ đó là bệnh cảm lạnh thông thường, anh chỉ uống thuốc và nằm ở nhà nghỉ ngơi. 3 ngày sau, bệnh không thuyên giảm, gia đình chuyển anh đến bệnh viện, bác sĩ tiêm thuốc giảm đau hạ sốt. Lúc này, toàn thân anh Trường đỏ tấy phồng rộp và rơi vào hôn mê sâu. Anh không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, mãi sau này mới nghe bác sĩ nói bị Hội chứng Steven-Johnson.

Đây là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc, ít gặp nhưng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tỉnh lại sau gần một tháng mê man, toàn cơ thể Trường là một bọng nước, đầu rụng sạch tóc. Nhưng khủng khiếp nhất là đôi mắt không nhìn được nữa. Lúc này, con trai đầu lòng mới 3 tuổi, vợ sắp đến ngày sinh bé thứ 2. “Vậy mà 30 năm rồi, lúc tôi ngã bệnh vợ chuẩn bị sinh con thứ hai, nay cháu nó lập gia đình, con cái đề huề rồi, nhanh quá!...”, anh Trường chia sẻ.

Ban đầu, khi biết mình bị mù vĩnh viễn, anh Trường gần như suy sụp hoàn toàn. Với một người đang khỏe mạnh, cuộc sống, công việc đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất của đời người, bỗng đôi mắt bị mù, tất cả chìm trong bóng tối, đó là một bi kịch không gì đau đớn hơn. Suốt 5 năm trời đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc nhưng bác sĩ không thể trả lại đôi mắt lành lặn cho anh. Một ngày tháng 6/1998, tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), vị bác sĩ điều trị chính đến bên giường bệnh, nắm lấy tay anh rủ rỉ tâm tình, chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống.

Cuối cùng, bác sĩ “chốt” lại một lời: “Thôi, cậu về tìm công việc khác làm đi!...”. Biết chắc đã hết hy vọng sáng mắt trở lại, anh Trường chết lặng, suy sụp, mất hết niềm tin. Sự nghiệp, công việc coi như chấm dứt. Nhưng lo lắng lớn nhất là làm gì để không trở thành gánh nặng cho gia đình, làm gì để phụ giúp vợ con? Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu khiến Vũ Xuân Trường không biết bao lần ôm mặt bật khóc. “Tôi bắt đầu tập dò dẫm định hướng di chuyển, tập quét nhà, trông con nhỏ, giặt quần áo phụ vợ. Cả gia đình lúc này chỉ trông chờ vào sạp hàng thịt của vợ ngoài chợ!...”, anh nhớ lại.

Trải qua những tháng ngày đau khổ, bản lĩnh của một người từng là sĩ quan Công an đã không cho phép Vũ Xuân Trường mãi sống trong chuỗi đau khổ, suy sụp. “Mù thì đã sao, đâu phải duy nhất mình là người mù, còn biết bao người khác cũng đang như mình mà!...”, chính suy nghĩ đó đã bắt đầu tiếp thêm động lực để anh vươn lên trong cuộc sống mới. 

Rồi anh Vũ Xuân Trường tìm tòi cách tự học chữ nổi, học sử dụng máy vi tính để giao tiếp với thế giới xung quanh. Đặc biệt, Vũ Xuân Trường nhanh chóng tiếp tục nối lại công việc học hành còn dở dang. Với biết bao nỗ lực, năm 2008, anh Trường khiến mọi người thán phục khi cầm về tấm bằng Cử nhân Luật do Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cấp.

Không dừng lại ở đó, năm 2011, anh Trường đã hoàn thành chương trình đào tạo Chứng chỉ hành nghề luật sư. Với vốn kiến thức pháp luật của mình, vị Chủ tịch Hội Người mù Lâm Đồng đã trở thành người tư vấn pháp lý miễn phí, đòi lại công bằng cho người khuyết tật khi xảy ra tranh chấp pháp lý trên địa bàn.

nghi luc (1).jpg -0
Anh Vũ Xuân Trường (phải) cùng nhà hảo tâm tới thăm Hội Người mù Lâm Đồng.

Vị “thủ lĩnh” của người khiếm thị

Khi đã chấp nhận sự thật, làm quen với cuộc sống không có ánh sáng, anh Trường bắt đầu lên ý tưởng thành lập Hội Người mù để tập hợp những người cùng cảnh ngộ, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Anh Vũ Xuân Trường không thể nào quên những tháng ngày cùng anh em trong Ban vận động thành lập Hội Người mù ngày đêm vượt rừng, lội suối tới những bản làng xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng để vận động người khiếm thị tham gia Hội Người mù, đưa lên Đà Lạt học tập, làm việc. Anh Trường kể, lần tìm đến gia đình ông KBa tại thôn RTeing (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà), một nhà có 11 người thì tới 8 người khuyết tật. Đối diện với cả gia đình đông người và đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn như thế, anh Trường xót xa bật khóc. Trong chuyến đi này, anh đã đưa 5 người trong gia đình ông KBa về Hội Người mù để chăm sóc, phát triển và hòa nhập cộng đồng.

Hay như chuyến đi xuyên rừng vào nhà của KĐài và KB Riệu (xã Sơn Điền, huyện Di Linh). Khi vào tới cửa rừng thì trời nhá nhem tối và đổ mưa rất to, anh lái xe đề xuất quay trở lại nhưng anh Trường quyết định đội mưa, rẽ bóng tối đi tiếp. Vậy là một người sáng mắt và một người mù băng rừng trong đêm. Đoạn đường để vào nhà hai em là 20km đường rừng. Xe mới chạy được khoảng 5 cây số thì hết xăng. Anh Vũ Xuân Trường động viên anh tài sáng mắt: “Cháu cứ ngồi trên xe lái đi, chú theo sau sẽ đẩy xe chạy cho nhanh!..”.

Hai người cứ thế lầm lũi xuyên màn đêm, khi thì băng qua những con dốc gập ghềnh lởm chởm sỏi đá, lúc lại bì bõm lội qua khe suối vọng lại tiếng thú rừng. 21h đêm, họ tới buôn làng. Nửa tháng sau, hai đứa trẻ mù nơi thâm sơn cùng cốc được đưa ra thành phố học chữ và hòa nhập cuộc sống hiện đại.

“Người khiếm thị cần có môi trường để giao lưu nhằm tránh tâm lý mặc cảm, tự ti. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi cùng góp sức thành lập được Hội Người mù Lâm Đồng. Hội là điểm đến, là chỗ dựa vững chắc cho hơn 1.500 người cùng cảnh ngộ. Ở đây, các em được học tập, làm việc, học cách tự lập và tự lo được cho bản thân!...”, anh Trường cho biết.

Là Chủ tịch Hội Người mù Lâm Đồng, anh Vũ Xuân Trường luôn đau đáu câu hỏi làm gì để cuộc sống anh em hội viên ngày càng tốt hơn? Những năm qua, anh Trường đã kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể mở nhiều lớp dạy sản xuất tăm tre, chổi đót, gia công sản phẩm trà atiso, dạy âm nhạc biểu diễn, mở cơ sở massage kết hợp bấm huyệt trị liệu… tạo công ăn việc làm, thu nhập ngày càng ổn định cho hội viên.

Cơn mưa chiều rả rích ngớt dần, trụ sở Hội Người mù Lâm Đồng nằm lọt giữa rừng thông xanh mướt lại rộn vang tiếng cười đùa sau một ngày làm việc của những người không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng.  Những mảnh đời không may mắn trên xứ sở xương mù luôn tràn đầy lạc quan!

Khắc Lịch
.
.
.