Ngày về đẫm nước mắt và chuyện đời thủy thủ

Thứ Hai, 25/03/2024, 16:08

Sau gần 20 ngày mòn mỏi trong nước mắt, vào tối 24/3 người thân của thủy thủ Đặng Duy Kiên (SN 1983) - Đại phó tàu biển True Confidence, nạn nhân tử vong trong vụ bị tên lửa tấn công trên Biển Đỏ, đã đón ông đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng...

Chuyến tàu định mệnh

Lúc 19h10 ngày 24/3, dường như là sự sắp đặt của tạo hóa, tiết trời sập sùi cũng như cảnh người ở Hải Phòng, chìm lặng trong nỗi buồn mênh mang khi thi hài Đại phó Đặng Duy Kiên được đưa về nhà riêng ở phường Đằng Lâm (quận Hải An, TP Hải Phòng). Dọc lối vào nhà, người thân và hàng xóm đứng chờ xe chở anh về. Vợ anh Kiên - chị Miền - đi đón chồng, nức nở bước từ trên xe xuống ôm hai đứa con nhỏ đang khóc gào tên bố, khiến những người chứng kiến không khỏi nghẹn ngào...

Theo người thân của thủy thủ Đặng Duy Kiên, sau khi được tin anh gặp nạn vào ngày 6/3, gia đình anh đã bàn bạc, thống nhất đưa thi hài về quê an táng tại xã Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo), nơi “chôn rau cắt rốn” và cũng là nơi cha mẹ thủy thủ Kiên đang sinh sống. Trước đó chị Miền đã chia sẻ với phóng viên, rằng lúc còn sống, anh Kiên luôn mong ước sau này được về quê sống cùng cha mẹ nên việc làm lễ tang và an táng anh tại quê nhà cũng xem như để toại ý người đã khuất.

Ngày về đẫm nước mắt và chuyện đời thủy thủ -0
Người thân đón thi thể thủy thủ Đặng Duy Kiên về trong nước mắt. 

 Chị Miền cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải, anh Đặng Duy Kiên trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Những năm gần đây, anh là thuyền viên thuộc Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ hàng hải Hải Phòng (HP Marine), một doanh nghiệp chuyên cung ứng thuyền viên cho tàu nước ngoài. Ngày 30/1/2024, anh Kiên lên tàu hàng True Confidence làm Đại phó. Đây cũng là chuyến đi biển trở lại sau 4 năm làm công việc trên bờ của anh Kiên. Tàu True Confidencedo công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành treo cờ Barbados, chở theo nhiều mặt hàng, di chuyển từ Trung Quốc đến Arab Saudi. Trong các thông tin trao đổi với gia đình khi còn sống, anh Kiên cho biết vì hàng hóa lớn, cồng kềnh nên công việc của thủy thủ trên tàu rất vất vả, nhất là lúc đi qua những vùng biển động, thi thoảng anh Kiên vẫn dùng điện thoại chụp lại hình ảnh trên tàu gửi về chia sẻ với vợ con.

Theo lịch trình, chuyến đi biển lần này của anh Kiên dự kiến kéo dài khoảng 8 tháng, trước đó anh đã lên kế hoạch khi về nước sẽ kịp đưa con trai thứ 2 vào lớp 1 và cháu đầu vào lớp 5. Nhưng mong ước nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện, bởi ngày 6/3 tàu True Confidence đang trong hành trình từ Singapore đến Jeddah (Saudi Arabia), khi đi qua Biển Đỏ cách cảng Aden (Yemen) hơn 90km thì bị trúng tên lửa của lực lượng Houthis. Trên tàu lúc đó có 20 thuyền viên nhiều quốc tịch, bao gồm 4 thuyền viên Việt Nam, vụ tấn công khiến 3 thuyền viên thiệt mạng là anh Kiên và 2 người Philippines.

Ngày về đẫm nước mắt và chuyện đời thủy thủ -0
Thủy thủy Đặng Duy Kiên chụp ảnh trên tàu hàng True Confidence.

Trong tin nhắn cuối cùng gửi về cho vợ hiển thị lúc 22h38 ngày 6/3, anh Kiên viết: “Tàu đang đi vào vùng nguy hiểm, hy vọng bình an”. Nhận được tin nhắn, chị Miền nhắn lại cho chồng: “Chúc tàu bình an, may mắn. Cố gắng giữ an toàn ba nhé. Phải mạnh khỏe về với vợ con, bố mẹ đấy nhé”. Không ngờ rằng, đó là những dòng tin nhắn trò chuyện cuối cùng giữa 2 vợ chồng anh Kiên.

Nỗi niềm phía sau mác “thủy thủ viễn dương”

Trước kia, thủy thủ tàu viễn dương được xem như một trong những nghề danh giá nhất ở Việt Nam, nhất là trong thời bao cấp. Nhưng trải theo lộ trình vận động phát triển, đến nay ngành nghề này đã không còn mấy ai mặn mà, nhưng đây vẫn được xem là nghề đem lại thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của xã hội. Đặc biệt phát triển ở Hải Phòng, nơi có hải cảng lớn nhất miền Bắc, có trường Đại học Hàng hải Việt Nam trú chân và có đội tàu biển cũng như dịch vụ thuyền viên quốc tế phát triển bậc nhất cả nước.

Thật khó có thể mô tả hết sự vất vả của nghề thủy thủ tàu biển. Những người làm nghề này phải lênh đênh trên đại dương nhiều tháng vòng quanh trái đất, không chỉ xa nhà, xa vợ con mà còn bị cách ly với đất liền, với cuộc sống xã hội sôi động, giữa sóng gió và muôn vàn hiểm nguy rình rập. Từ bão tố, đắm tàu hay bị cướp biển cho đến bị nợ lương, lừa đảo,  mắc kẹt ở nước ngoài...  những khó khăn ấy cho thấy đời thủy thủ viễn dương không chỉ toàn ánh hào quang như người đời nhìn thấy qua thước đo thu nhập.

Ngày về đẫm nước mắt và chuyện đời thủy thủ -0
Nghề thủy thủ không chỉ chịu cảnh xa nhà mà còn phải đối mặt muôn vàn hiểm nguy.

 Ông Hoàng Văn Long ở Nam Pháp 1 (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), một thủy thủ nay đã giải nghệ tâm sự, vì thời gian đi biển dài, thủy thủ viễn dương đã lên tàu là xác định cơ bản tách biệt với bên ngoài, nên gặp không ít hoàn cảnh éo le, lực bất tòng tâm. Ông Long ngậm ngùi nhớ lại: “Trong một chuyến chúng tôi đang trên Đại Tây Dương, một thủy thủ cùng tàu nhận được tin báo cả vợ và đứa con chưa kịp chào đời của anh ấy bị mất vì sự cố sinh nở nhưng không thể trở về. Mãi khi tàu cập cảng ở Mỹ anh ấy mới bay về được, nhưng không còn cơ hội gặp mặt vợ con lần cuối”.

Cũng theo ông Long, nghề thủy thủ viễn dương còn phải đối đầu với nạn cướp biển. Khi đi qua các vùng biển nguy hiểm, các thủy thủ đều phải đặt mình trong tư thế cảnh giác cao, chuẩn bị sẵn vòi rồng, mắt luôn theo dõi trên màn hình radar nhằm kịp thời phát hiện có tàu lạ hay phương tiện lạ áp sát để ứng phó. Theo ông Long, gặp những nguy hiểm như bão tố còn có cơ hội vượt qua, nhưng gặp cướp biển thì rủi ro rất cao.

Còn nhớ, cách đây vài năm dư luận xôn xao về vụ tàu Sunrise 689 (Công ty CP đóng tàu thủy sản Hải Phòng) bị cướp biển tấn công. Ông Lương Đại Thành, nguyên là máy trưởng tàu Sunrise kể lại, sau khi rời cảng Horizon của Singapore khoảng 10 tiếng, bọn cướp sử dụng xuồng cao tốc thình lình áp sát mạn tàu. Hơn chục tên cướp trang bị vũ khí nhảy lên tàu khống chế thủy thủ đoàn, tất cả các thiết bị liên lạc đều bị vô hiệu hóa. Ông Thành kể: “Khi bọp cướp ập đến, tôi nhảy qua cửa sổ từ tầng 3 xuống bị gãy chân, bọn cướp bắt được nhốt chung với các thuyền viên khác”. May mắn là sau khi bị giam giữ 1 tuần và lột hết tài sản, thủy thủ đoàn tàu Sunrise 689 đã được thả về, không có thuyền viên nào tử nạn.

Ngày về đẫm nước mắt và chuyện đời thủy thủ -0
Tàu Cái Lân 4 mắc kẹt ở ở nước ngoài trong thời gian dài
khiến nhiều thủy thủ sống chật vật.

Một vụ việc khác như hồi ức của ông Đỗ Minh Thắng (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), khi tàu Hoàng Sơn Sun (Công ty vận tải biển Hoàng Sơn, Hải Phòng) của ông hành trình từ Iran đến vùng biển Oman thì bị cướp biển tấn công. Bọn chúng ẩn mình trên một tàu đánh cá, rồi bất ngờ hạ xuồng cao tốc áp mạn tàu Hoàng Sơn Sun. Nhóm cướp dùng súng tiểu liên, lựu đạn, súng B41... khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 24 người và buộc tàu Hoàng Sơn Sun quay lại vùng biển Somani. Trong 8 tháng bị giam trong hang ổ cướp biển, thuỷ thủ tàu Hoàng Sơn Sun chịu đựng cuộc sống vô cũng kham khổ.

Không chỉ là cướp biển, một nỗi sợ hãi khác ám ảnh người thủy thủ là chuyện... nợ lương, “quỵt” lương và bị mắc kẹt ở nước ngoài, mà vụ việc 22 thủy thủ tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt tại tại cảng Kolkata (Ấn Độ) là một ví dụ. Lần ấy, do chủ hãng sử dụng tàu Cái Lân 4 nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore nên khi vào cảng Kolkata các thủy thủ bị tòa án Ấn Độ bắt giữ làm “con tin”. Theo thống kê, tình trạng thủy thủ viễn dương lâm vào hoàn cảnh tương tự khá phổ biến, nhất là những biến cố kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, khiến sinh hoạt của thủy thủ đoàn đã cơ cực, mà công sức nhiều tháng lênh đênh trên biển có khi cũng trở thành công cốc.

Trở lại với trường hợp anh Đặng Duy Kiên, có lẽ vì vất vả, gian nan nên sau hơn 10 năm đi biển, từ năm 2019 anh Đặng Duy Kiên lên bờ kiếm nghề khác mưu sinh, nhưng công việc cũng không suôn sẻ nên đến cuối năm 2023 anh quyết định lại quay lại nghiệp cũ, nhưng đâu ngờ đó là “định mệnh”. Nhưng cũng như những nghề khác, dù có rủi ro thì thủy thủ viễn dương vẫn là một nghề mang tính tất yếu, khi vận tải hàng hải đang là kênh giao chuyển hàng hóa chủ đạo của thế giới và đang rất phát triển ở Việt Nam.

Hơn thế, hành trình vẫn phải tiếp diễn bởi suy cho cũng nghề thủy thủ nói chung vốn dĩ để mưu sinh, như tâm sự của thuyền viên Phạm Văn Thành - 1 trong 3 thuyền viên người Việt Nam may mắn sống sót trong vụ tàu hàng bị tấn công ở Biển Đỏ khiến Đại phó Đặng Duy Kiên tử vong. Khi được hỏi về dự tính cho tương lai, thủy thủ Phạm Văn Thành cho biết, sau khi nghỉ ngơi và bình tĩnh trở lại, sẽ xuống tàu vì trước mắt chỉ biết gắn bó với nghề đi biển.

V. Huy
.
.
.