Ngăn ngừa ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

Chủ Nhật, 30/04/2023, 07:08

Không chỉ giáo viên, hiệu trưởng các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội lo lắng về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh mà bất cứ phụ huynh nào cũng lo ngại về điều này nếu con em mình sử dụng.

Bởi thời gian vừa qua có nhiều học sinh, sinh viên nhập viện trong tình trạng nguy kịch tới tính mạng sau khi hút thuốc lá điện tử, nhất là hút phải ma tuý "núp bóng" trong thuốc lá điện tử.

Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Còn một nghiên cứu khác cũng vào năm 2020 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15-24 tuổi đang sử dụng thuốc lá điện tử khá cao là 7,3%, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ 4,3%.

thuốc lá điện tử 2.jpeg -0
Ma tuý dễ dàng "ẩn núp" trong tinh dầu thuốc lá điện tử.

Theo ghi nhận thực tế vào những tháng đầu năm 2023, dù chưa có kết quả điều tra, tỷ lệ này đã tăng cao hơn, nhiều học sinh trên cả nước đã phải nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử. Tại các trường THPT và THCS ở quận Hà Đông (Hà Nội), tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử khá nhiều. Có em còn mang tinh dầu đến trường pha vào chai nước cho bạn uống; có em được bạn cho hút… và đã bị ngộ độc phải cấp cứu. Nhiều vụ bắt giữ chỉ xử lý được "hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu" khi lượng ma tuý trong tinh dầu chưa đủ để xử lý hình sự.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, thông qua công tác phối hợp, trao đổi thông tin được biết, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với hơn 2.190 vụ được kiểm tra, trong đó xử lý trên 1.600 vụ, thu 126.000 bao thuốc lá; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra, xử lý vi phạm khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào nước ta bằng con đường nhập lậu, xách tay và được rao bán trên các trang mạng xã hội. Ngoài gây nguy hại đến sức khoẻ và đang gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, sản phẩm thuốc lá điện tử đã và đang bị các đối tượng phạm tội về ma tuý sử dụng để che giấu hành vi mua bán, sử dụng trái phép các chất ma tuý, gây mất TTATXH và bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Trước tình hình tội phạm ma túy "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này. Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, TP và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt về cách nhận biết ma túy, các loại mặt hàng dễ bị tội phạm về ma tuý lợi dụng "núp bóng" dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử; kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và phạm tội về ma tuý.

Theo báo cáo của Công an các địa phương, năm 2022 trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được "tẩm ướp" vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng "tẩm ướp", "pha trộn", "núp bóng" dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.

Từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 4, Công an các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Phú Thọ , Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang... đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến ma tuý "núp bóng" thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy lợi dụng "núp bóng hàng hóa" để hoạt động; đồng thời làm giảm tình trạng ngộ độc ma túy trong thực phẩm, đồ uống và thuốc lá điện tử như trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nắm chắc tình hình địa bàn và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử, căn cứ quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh, triệt để.

Theo Trung tá Trương Quốc Nam, Đội trưởng Đội An ninh, Công an quận Hà Đông (Hà Nội), nếu chỉ xử lý khi vụ việc đã xảy ra thì mới làm được phần ngọn, vì vậy lãnh đạo Công an quận chỉ đạo phải tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các tụ điểm, điểm buôn bán thuốc lá điện tử, tinh dầu (cả trên mạng xã hội) để chặt đứt nguồn cung, mới xử lý được tận gốc của vấn đề. Trong chỉ đạo của Bộ Công an cũng nêu rõ, công an các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức đến người dân, nhà trường, phụ huynh và giới trẻ cách nhận biết ma tuý, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... dễ bị tội phạm lợi dụng tẩm ướp, pha trộn để cảnh giác, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa.

Thượng tá Nguyễn Minh Cương cũng cho biết, để góp phần hạn chế bệnh tật, hệ lụy phức tạp khác liên quan đến các sản phẩm thuốc lá mới, phòng ngừa hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá mới để hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Cục Cảnh sát điều tra phòng, chống tội phạm về ma túy kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện nay đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Quan điểm của Bộ Y tế cũng đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) vì có hại cho sức khoẻ, có nguy cơ cao tiểm ần phát sinh tệ các nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý và chất gây nghiện.

Trần Hằng
.
.
.