Ngăn chặn pháo nổ thâm nhập trường học

Thứ Sáu, 31/12/2021, 09:13

Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán lại xảy ra không ít vụ việc đau lòng khi các em học sinh vi phạm liên quan đến pháo nổ. Gần đây, không chỉ tàng trữ, vận chuyển mà có cả trường hợp học sinh rủ nhau chế tạo pháo để mang đi bán kiếm lời.

Liên tiếp phát hiện học sinh chế tạo, sử dụng pháo nổ

Khoảng 22h ngày 22/12/2021, tại xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ 2 đối tượng gồm Đ.Q.Đ và T.A.T, cùng là học sinh của các trường THPT trên địa bàn khi đang có hành vi vận chuyển pháo nổ đi tiêu thụ, thu giữ tang vật là 166 quả pháo tự chế.

Khám nơi ở của hai học sinh này, lực lượng chức năng phát hiện thêm 23 quả pháo tự chế các loại, 1,2kg thuốc pháo và một số vật dụng khác để chế tạo pháo. Tổng số pháo thu giữ là 189 quả pháo có khối tượng 27,3kg. Các học sinh này khai nhận đã tìm mua thuốc pháo trên mạng xã hội, sau đó đưa về nhà tự chế pháo nổ để sử dụng và bán kiếm lời.

Trước đó, trong hai ngày 16 và 17/12, Công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) liên tiếp phát hiện, bắt giữ 2 vụ việc liên quan đến học sinh sử dụng, chế tạo pháo nổ. Theo đó, khoảng 21h ngày 16/12, Công an phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai phát hiện 3 học sinh trú tại phường Quỳnh Phương đang tổ chức đốt pháo nổ. Một ngày sau đó, tại xã Quỳnh Lập cũng phát hiện một nhóm học sinh đang tụ tập để đốt pháo, thu giữ tại chỗ 38 quả pháo tự chế.

Theo tường trình, các em học sinh này đã lên mạng học cách chế tạo pháo nổ, sau đó tìm mua thuốc nổ về chế tạo pháo, khi đem đi nổ thử thì bị phát hiện. Cũng thời gian này, Công an xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh  (Hà Tĩnh) phát hiện hai em học sinh của 1 trường THPT trên địa bàn là N.Đ K. (SN 2004) và T.V.H. (SN 2005) cùng trú tại xã Kỳ Đồng sử dụng xe đạp điện, chở bao tải bên trong có 14 quả pháo nổ tự chế với tổng khối lượng 3,06kg. Hai học sinh này khai nhận, lợi dụng quá trình học online, đã lên mạng internet tìm hiểu các video tự chế pháo nổ, sau đó đã đặt mua thuốc pháo online và đưa về nhà riêng chế thành pháo nổ rồi mang đi bán kiếm tiền tiêu xài cá nhân.

Thực tế tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong những năm gần đây cho thấy, vấn nạn pháo nổ đã len lỏi vào tận các trường học, gây ra không ít hệ lụy cho nhà trường, gia đình và xã hội. Nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm, số vụ việc học sinh liên quan đến các hành vi chế tạo, vận chuyển, sử dụng và buôn bán pháo nổ có chiều hướng gia tăng.

Đã có không ít vụ việc đau lòng liên quan đến pháo nổ xảy ra hằng năm, song nhiều em học sinh vẫn chưa coi đó là bài học cảnh tỉnh cho bản thân, vẫn bất chấp pháp luật và nguy hại đến tính mạng để có các hành vi vi phạm. Tháng 1/2020, tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), một nhóm học sinh lớp 10 trường THPT Mai Hắc Đế trong lúc dã ngoại, đã tự chế pháo để đốt. Do bất cẩn, pháo phát nổ khiến 3 học sinh bị thương, trong đó có một em bị thương nặng với vết thương giập nát hai bàn tay, vùng mặt và cổ, phải nhập viện cấp cứu.

Cũng thời điểm này, hai học sinh trường THPT Tân Kỳ 3 huyện Tân Kỳ (Nghệ An) trong lúc tự chế pháo đã khiến pháo phát nổ. Vụ việc đã khiến một nam sinh lớp 10 của trường này tử vong sau đó. Một tuần sau, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) một nam sinh lớp 8 cũng đã thiệt mạng khi đang nhồi thuốc nổ vào ống tuýp sắt để chế tạo pháo.

bh.jpg -0
Công an tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền, tổ chức cho học sinh ký cam kết phòng, chống pháo nổ.

Ẩn họa khôn lường

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh, trưởng Công an xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), cho biết: là địa bàn trọng điểm về pháo nổ, hằng năm trên địa bàn xã Nghi Thịnh và các vùng lân cận đều phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến pháo nổ, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán. Trong đó, có nhiều vụ việc học sinh tham gia chế tạo pháo nổ rồi đem bán hoặc sử dụng.

Khi bị phát hiện, các em đều khai nhận là lên mạng học cách chế tạo pháo, sau đó mua thuốc nổ cũng từ mạng xã hội để tự cuốn pháo. Mặc dù hằng năm, lực lượng Công an đã phối hợp với nhà trường, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, song số lượng vụ việc phát hiện học sinh liên quan đến pháo nổ vẫn không hề giảm.

Trong khi đó, theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán cận kề, các đơn vị liên quan, trong đó chủ công là Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, đã cùng với Công an các huyện, thành thị; phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ và ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các em học sinh.

Đồng thời, ký cam kết về việc thực hiện nghiêm túc các nội dung về quản lý, sử dụng pháo nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều trường học chuyển từ trạng thái học trực tuyến sang học online.

Lợi dụng việc buông lỏng quản lý của phụ huynh, một số học sinh đã vào các trang mạng xã hội, youtube để học cách chế tạo pháo nổ, rồi bàn nhau mua thuốc nổ về chế tạo, sử dụng hoặc bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Thống kê từ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an Hà Tĩnh, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, cơ quan chức năng đã phát hiện 7 vụ với 17 đối tượng đều ở độ tuổi học sinh tự chế pháo nổ, thu giữ 12,2kg thuốc pháo và 73 quả pháo.

Tai nạn liên quan đến pháo nổ thường để lại di chứng rất nặng nề, nhẹ thì bị bỏng, giập nát bàn tay, nặng hơn thì mù mắt, thậm chí là tử vong. Trong khi đó, độ tuổi học sinh các em tò mò, hiếu động nên dễ bị lôi kéo, làm theo sự chỉ dẫn trên mạng xã hội để khẳng định bản thân. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng thì các bậc phụ huynh cần có các biện pháp quản lý, giáo dục con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo pháo nổ, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Thiên Thảo
.
.
.