Mưa lũ gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung
Sáng 24/10, cầu Ngô La nằm trên quốc lộ 19C qua xã Canh Vinh, huyện Vân Canh (Bình Định) bất ngờ bị đổ sập, gây chia cắt giao thông. Trong khi đó, mưa lũ liên tiếp mấy ngày qua đã gây sạt lở mảng đồi khu vực nhà làm việc Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Tại Thừa Thiên - Huế, sạt lở đang xảy ra nhiều nơi.
Tại Bình Định, theo ghi nhận của chúng tôi, mưa lũ, nước sông dâng cao và chảy xiết đã làm cầu Ngô La bị sập đoạn dài hơn 3m. Cây cầu này nằm trên tuyến quốc lộ 19C huyết mạch nối từ Bình Định đi về các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk và về Quốc lộ 1A đi các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cầu Ngô La bị sập trong bối cảnh ở địa phương có mưa lớn kéo dài, nước chảy dưới lưu vực cầu đổ về sông Hà Thanh rất xiết.
Ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông, địa phương đã cử lực lượng tiến hành rào chắn hai đầu cầu, không cho người và phương tiện qua lại. Hiện nay, lãnh đạo Sở GTVT, UBND huyện Vân Canh đã có mặt tại hiện trường kiểm tra, tìm hướng khắc phục. Trước mắt, sẽ huy động xe ben chở đất, đá đổ xuống khu vực bị sập, tạo mặt bằng tạm thời để phương tiện, người dân đi lại.
Tại Quãng Ngãi, tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Trà Bồng cho biết, sáng 24/10, xảy ra sạt lở mảng đồi khu vực nhà làm việc Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng. Đất đá từ trên ngọn đồi phía bên hông đổ xuống làm sụp một mảng tường nhà làm việc, tràn vào nhà làm việc. Rất may không có thiệt hại về người.
“Khoảng 8 giờ sáng nay, khi kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, nhận thấy tình trạng đất đá trên triền đồi khu vực BCHQS xã bất ổn nên tôi đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ không ở tại trụ sở, chuyển về UBND xã để làm việc. Đến khoảng 9h30 thì xảy ra sạt lở. Đất đá sạt xuống làm sụp một mảng tường, tràn vào gần nửa nhà, vùi lấp bàn làm việc, máy vi tính bàn, tủ đựng quân phục và một số vật dụng của đơn vị”, ông Trương Ngọc Đông, Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh cho biết thêm. Trụ sở BCHQS xã Trà Xinh chỉ vừa mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng vào tháng 7/2021.
Hiện nay, trên địa bàn xã Trà Xinh vẫn tiếp tục có mưa rất to, nguy cơ đất đá vẫn tiếp tục sạt xuống. Vì vậy, xã tạm thời bố trí cho BCHQS xã chuyển sang làm việc tại trụ sở UBND xã trong thời gian chờ khắc phục.
Tại Thừa Thiên - Huế, chiều 24/10, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, trong 24h qua, địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa từ 7h ngày 23 đến 7h ngày 24/10 phổ biến từ 30 đến 60mm, một số nơi cao hơn như Kim Long 161 mm, Bình Điền 166 mm, thành phố Huế 173 mm, Phú Đa 196mm.
Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện ở địa bàn tỉnh đang thực hiện lệnh điều tiết nước, trong đó hồ thủy điện Hương Điền lưu lượng đến 525m3/s, lưu lượng về hạ du 364m3/s; hồ thủy điện Bình Điền có lưu lượng đến 428m3/s, lưu lượng về hạ du 162m3/s; hồ thủy điện A Lưới lưu lượng đến hồ 262m3/s, lưu lượng về hạ du 30m3/s; Hồ Tả Trạch lưu lượng đến hồ 477m3/s, lưu lượng về hạ du 269m3/s.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong các ngày 22, 23 và sáng 24/10, do mưa lớn vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt cục bộ một số tuyến đường ở TP Huế như Phạm Thị Liên, Ngô Đức Kế, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Trãi từ 0,1-0,2m; đường Phan Anh, Nguyễn Hữu Cảnh, An Cựu City, Đông Nam Thủy An, Xóm Gióng ngập 0,2-0,3m; đường Tỉnh lộ 2 đoạn Km7+000-Km9 + 700, QL49B thuộc xã Phú Thanh TP Huế ngập 0,1-0,25m.
Một số tuyến giao thông huyết mạch tại huyện Quảng Điền bị ngập sâu, các phương tiện giao thông xe máy, ô tô không lưu thông được. Đường liên thôn các xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Mỹ huyện Phong Điền bị ngập từ 0,25 -0,3m.
Mưa lớn khiến tình trạng sạt lở các tuyến đường giao thông, bờ sông, bờ biển ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cụ thể, sạt lở tại 2 tuyến đường liên thôn Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền với chiều dài hoảng 40m. Tuyến đường thôn Tân An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc sạt lở đất vị trí Km96+170. UBND xã đã di dời 33hộ/120 hẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất. Sạt lở taluy âm tại Km12+900 (tuyến QL1A lên đỉnh Bạch Mã) với chiều dài 55m, sâu hơn 50m, phá hủy hoàn toàn kết cấu kè, mặt đường và làm đứt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, các phương tiện không thể lưu thông.
Tại tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 405+ 600 gây tắc đường. Trong ngày 24/10, Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục huy động 5 máy xúc, 1 máy ủi cùng công nhân tập trung xử lý các khối đất đá bị sạt trượt trên đường này. Trước đó, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua địa bàn huyện A Lưới xuất hiện 63 vị trí sạt lở ta luy dương, trong đó 16 vị trí gây ách tắc giao thông và được thông tuyến trở lại ngày 21/10. Hiện Chi cục Quản lý đường bộ II.5 đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục, cảnh báo để đảm bảo giao thông tại các vị trí sạt lở.
Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến tình hình sạt lở bờ biển ở các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế sạt lở dài 250m, ăn sâu đất liền 5m; sạt lở bờ biển thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với chiều dài 1km. Tuyến bờ sông Bồ sạt lở nhiều điểm qua các phường Hương Vân, Hương Xuân (thị xã Hương Trà); xã Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền).
Hiện các địa phương tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven suối, các vùng thấp trũng, ngập úng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.