“Mong con là đứa trẻ bình thường mà khó quá!”

Thứ Năm, 21/04/2022, 18:10

Đó là dòng nhắn tin đầy ám ảnh mà bạn tôi nhắn cho tôi đêm qua, khi dư luận đang sôi sục trước việc một số trường THCS tại Hà Nội “ép” học sinh học kém không được thi vào lớp 10.

Bạn tôi có 2 con, 1 gái và 1 trai. Do đứa con gái lớn đã học trường chuyên quá áp lực và nhọc nhằn nên khi cậu con trai vào cấp 2, bạn tôi chọn trường cho con chỉ đơn giản là trường gần nhà nhất. Chẳng có gì bằng ngôi trường cách nhà có 200 mét, bên cạnh 1 nhà văn hoá, cạnh sân bóng đá mini, trường lại mới sửa chữa, có cả bể bơi, sân bóng…Chẳng gì bằng, uớc mơ sau mỗi buổi học con được đá bóng, học bơi xong tự đi bộ về nhà không phải đưa đón. Cũng vì ước mơ đơn giản mong con là một đứa trẻ bình thường đó mà bạn tôi không đặt nặng chuyện chọn lớp, chọn cô, trường xếp vào lớp nào thì vào lớp đó.

Nhưng đời không như mơ.

Đêm qua, nhắn tin cho tôi, bạn tôi chua chát: Làm gì có môi trường giáo dục cho những đứa trẻ bình thường hả cậu? Họ chỉ muốn những đứa trẻ siêu anh hùng, những đứa trẻ 8 phẩy, 9 phẩy.

Bạn tôi kể, trong lớp con bạn, những ngày này một vài em học sinh đã lặng lẽ rời lớp không một lời chia tay. Những đứa ở lại chỉ biết bạn nghỉ khi sĩ số trên bảng hụt đi một chút. Chúng nó hụt hẫng, lo lắng nhưng không biết hỏi ai và hỏi điều gì? Còn phụ huynh chỉ biết điều nay khi trong nhóm “chat” trao đổi, bỗng có mẹ chào tạm biệt rời nhóm – tức là có em học sinh đã chuyển trường. Có em học sinh chuyển trường khi kỳ thi học kỳ 2 chỉ có mấy ngày là bắt đầu. Sau đó thì không khí ở lớp những ngày này thật nặng nề, lòng các bố mẹ trùng xuống khi thấy trong mắt con ngập tràn lo lắng, tự ti. Bạn tôi bảo, đó là những “cuộc di cư đầy ẩn ức” và sẽ tiếp tục có những “cuộc di cư” những ngày tới. Từng nhà, từng nhà “tháo chạy” khỏi giấc mơ cho con được làm một đứa trẻ bình thường.

“Mong con là đứa trẻ bình thường mà khó quá!” -0
Các em học sinh có quyền được lựa chọn con đường nghề nghiệp, lập nghiệp cho tương lai.

Một phụ huynh ở quận Hoàng Mai có lần kể với tôi rằng, năm con chị lên lớp 9, một hôm đi học về, con lao vào gối khóc nức nở. Gặng hỏi mãi con mới nói là con không được thi vào 10, do học lực của con kém. Cô giáo chủ nhiệm bảo con về “làm công tác tư tưởng” trước với bố mẹ, rồi cô sẽ nói chuyện với bố mẹ. Nếu con cứ nhất quyết đăng ký thi vào lớp 10 thì con sẽ trượt, mà với học lực của con ghi vào học bạ như thế, chưa chắc con đã được đi thi. Chị phụ huynh đó chỉ biết ôm con vào lòng chua xót và bất lực, bởi chị vốn là một người yếu đuối, không có khả năng đến gặp cô để “đòi quyền lợi cho con”.

“Mong con là đứa trẻ bình thường mà khó quá!” -0
Thấu hiểu, chia sẻ là những điều mà các nhà giáo nên dành cho học trò của mình.

Ngày hôm qua, khi dư luận bung ra việc một số trường THCS tại Hà Nội “ép” học sinh học kém không thi vào 10, mà nên đi học nghề theo mô hình lớp 9+, các cơ quan chức năng, từ Bộ GD & ĐT, UBND TP Hà Nội và Phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy đã vào cuộc khá nhanh, yêu cầu phải xác minh làm rõ, nếu có hiện tượng đó thì phải xử lý nghiêm. Động thái đó của cơ quan quản lý Nhà nước phần nào giúp người dân “dịu lại”, hy vọng kiểu gì cũng sẽ tìm ra sự thật. Nhưng thông tin của Phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy cho rằng, “qua kiểm tra hồ sơ thì không có hiện tượng ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội”.

Khi tôi đọc được những dòng này, tôi thấy mặn chát trong lòng. Có thể Phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy họ đã làm đúng chức phận, phản ứng khá nhanh với vụ việc, nhưng làm gì có hồ sơ, sổ sách nào chứng minh cho việc cô giáo “ép” học sinh, nhà trường “ép” giáo viên, chứng minh cho được hành vi “phản giáo dục”, “phản nhân ái” đang âm thầm diễn ra ở không ít trường phổ thông. Làm gì có bằng chứng cho những cuộc “di cư âm thầm” (như cách dùng từ của bạn tôi) khi nó luôn được gắn với một lá đơn “tự nguyện” mà tôi tin, khi ký vào lá đơn đó, không ít phụ huynh đã rơi nước mắt.

Cũng vị Phó Trưởng phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy nói rằng, có thể có những trường hợp phụ huynh học sinh hiểu không đúng ý của giáo viên, dẫn đến việc có thể giáo viên nói về kết quả học tập của con thì nghĩ rằng ép buộc, định hướng con phải thi trường nào đó. Nhưng xin thưa, nếu chỉ đơn thuần là như thế thì làm gì có chuyện đứa trẻ về nhà lao vào gối khóc nức nở. Làm gì có chuyện, những đứa trẻ như lặng lẽ hơn khi nhìn ra chỗ bạn ngồi học, nơi đó chỉ còn ghế trống. Ngay tối hôm qua, có phụ huynh còn nhắn cho tôi rằng, “Nhà báo ơi, cô giáo chủ nhiệm của con tôi còn dành hẳn 2 tiết để chì chiết các con khiến con tôi buồn không thiết đá bóng, về thẳng nhà đó”.

 Vì sao lại có hiện tượng trên? Có nhiều cách lí giải. Có thể do tiêu chí thi đua khen thưởng mà nhà trường sợ các con học kém sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của trường, trong đó có thành tích của giáo viên chủ nhiệm. Có thể, nếu loại bớt học sinh học kém đi thì tổng điểm thi vào lớp 10 của các trường THCS sẽ cao hơn. Hôm nay, chị Đ.H, một đồng nghiệp của tôi cho biết, bạn chị kể cho chị rằng, sự việc “ép” học sinh không thi vào lớp 10 là có thật, vì phía sau đó còn là câu chuyện các trường dân lập, cao đẳng nghề nhận được học sinh thì sẽ chi trả cho trường 1 khoản/học sinh, trong đó có phần cho ban giám hiệu, có phần cho giáo viên chủ nhiệm, nên giáo viên chủ nhiệm nhiều khi cũng bị “ép” phải vận động học sinh đừng thi vào lớp 10. Nếu sự việc này là thật thì đó là một hành động phản giáo dục một cách thô bạo!

Rõ ràng, nếu không vì bệnh thành tích, không cả vì lợi ích vật chất thì không dại gì mà một số trường THCS lại làm điều phản giáo dục, phản nhân tính như thế. Do đó, gốc rễ câu chuyện này vẫn là “bệnh thành tích”. Căn bệnh này đã làm méo mó, lệch lạc môi trường sư phạm, tước đi quyền lợi của học trò và chính họ làm biến tướng đi chủ trương phân luồng giáo dục theo định hướng nghề nghiệp rất nhân văn của Nhà nước. Một vị chuyên gia giáo dục nói với tôi rằng, trường nghề là nơi đào tạo nghề nghiệp cho học sinh chứ không phải là “cái túi” để chứa học sinh yếu kém. Và để trị tận gốc “căn bệnh thành tích” thì cách tốt nhất là phải đổi mới công tác thi đua – khen thưởng. Nên loại bớt các cuộc thi thành tích, loại bớt các tiêu chí thi đua. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá để đánh giá được năng lực thực chất của người học. Đấy là những giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước.

Còn tôi thì cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cái tâm, cái tình của người thầy. Khi thầy cô thấu hiểu quyền lợi của con trẻ, đặt quyền lợi của các con thành mục tiêu cao nhất trong nghề dạy học của mình thì họ sẽ ứng xử khác. Họ sẽ vừa tư vấn, vừa truyền cảm hứng cho các em học sinh, giúp các em hào hứng trước nhiều con đường để lập nghiệp, chứ không phải “chì chiết”, vẽ ra một con đường không tốt nếu như các em “cố” thi vào lớp 10. Mà thực tế, nhiều gia đình đã kiên quyết không ký vào lá đơn “tự nguyện”, kiên quyết cho con thi vào lớp 10, và nhiều con bị cho là “kém cỏi”, "dốt nát" đã đỗ vào các trường công lập với số điểm khá cao…

Thu Phương
.
.
.