Miền Bắc thân thương trong ký ức vị Tướng

Chủ Nhật, 10/11/2024, 14:40

Những ngày tháng học tập dưới mái trường miền Bắc vẫn luôn là mảng ký ức thân thương, tươi đẹp nhất trong tâm khảm Trung tướng Nguyễn Chí Thành, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Hơn 50 năm đã qua, trong lòng vị Tướng vẫn nhớ về những ngày lội ruộng cấy lúa, bữa cơm với con cá dưới suối, mớ rau trên rừng, vẫn luôn khắc ghi tấm chân tình của đồng bào miền Bắc đã giúp đỡ người con miền Nam như anh em một nhà…

1. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mái tóc của cậu học sinh miền Nam ngày ấy đã bạc màu theo thời gian. Ông bảo mình đã quên đi nhiều sự kiện trong cuộc đời, nhưng kể về năm tháng tham gia cách mạng và vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập thì ông không thể nào quên. Đôi mắt ông sáng ngời, lồng ngực tràn ngập những khát vọng và hân hoan của thời tuổi trẻ.

h2.jpg -0
Trung tướng Nguyễn Chí Thành.

Nguyễn Chí Thành sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng. Ba của ông, cụ Nguyễn Hoàng Giao, tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong năm 1945. Sau trận đánh Cầu Kiệu (cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh ngày nay), ông bị bắt và đày ra Côn Đảo với bản án chung thân khổ sai. Năm 1949, cụ Nguyễn Hoàng Giao cùng hơn 10 cựu tù khác đã đóng bè vượt biển thành công và tiếp tục tham gia kháng chiến. Nguyễn Chí Thành lớn lên, chứng kiến ba má và anh chị em trong nhà đi làm cách mạng hết, ông cũng mong muốn được tham gia. Vì quá nhỏ, má của ông chưa chấp nhận. Những ngày ở với má, chiến sĩ Trần Thị Thiệt, một cán bộ điệp báo của Trung ương Cục miền Nam, Chí Thành càng hiểu hơn về con đường cách mạng của ba má. Chí Thành quyết tâm phải ra đi. Năm 1969, khi ấy ông mới 13 tuổi, đang học lớp 5.

Là “hạt giống đỏ” của cách mạng miền Nam, Nguyễn Chí Thành được cho đi học lớp đào tạo điện đài thông tin liên lạc và trở thành chiến sĩ điện đài nòng cốt thuộc Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (R34). Tháng 5/1971, Nguyễn Chí Thành được chọn ra miền Bắc học tập. Đoàn ra miền Bắc gồm hơn 30 người, là cán bộ thuộc các cơ quan Dân Chính Đảng của Trung ương Cục, Nguyễn Chí Thành năm ấy vừa tròn 15 tuổi, là thành viên nhỏ tuổi nhất. Hơn 3 tháng “xẻ dọc Trường Sơn” ra miền Bắc là khoảng thời gian đong đầy kỷ niệm gian khổ, đói rét và hiểm nguy. Trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Chí Thành, những cung đường Trường Sơn gập ghềnh, bom cày đạn xới, một bên là đèo cao, bên kia là vực thẳm. Đá tai mèo nhọn hoắt, dựng đứng như những mảng chông, có khi vô tình đạp chân lên những mỏm đá tai mèo sắc như lưỡi dao, sơ ý là bể luôn cả đôi dép râu, đứt luôn cả gan bàn chân. Hình ảnh ấy khiến chàng thanh niên Nguyễn Chí Thành nhớ đến “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung có câu “đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân” mà ông nghe quen thuộc trong những ngày làm điện đài ở rừng miền Đông. “Những khi mệt mỏi, đuối sức, tôi lại nhẩm hát Bài ca Trường Sơn, nó tiếp thêm động lực cho tôi tiến về phía trước”, Trung tướng Thành chia sẻ.  

Nhiều người trong đoàn bị ốm, sốt rét, sức khỏe yếu không theo kịp đã phải dừng lại nghỉ ngơi, chờ nhập vào đoàn sau đi tiếp. Nguyễn Chí Thành tuy nhỏ tuổi nhất nhưng có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, không bỏ một chặng đường nào trong suốt cuộc hành quân qua các cánh rừng Trường Sơn. Sau 3 tháng, đoàn đã đặt chân tới Cự Nẫm (Quảng Bình). Từ đây, đoàn di chuyển bằng ô tô ra miền Bắc.

2.Nhân dân miền Bắc đã đón tiếp cán bộ, học sinh miền Nam bằng nụ cười, ánh mắt thiết tha, bằng trái tim yêu thương hết mực. Khi biết trong đoàn có học sinh miền Nam của Ban An ninh Trung ương Cục, lãnh đạo Bộ Công an khi ấy là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, các Thứ trưởng Lê Quốc Thân, Phạm Kiệt, Viễn Chi đã ân cần hỏi thăm và dành sự quan tâm đặc biệt cho Nguyễn Chí Thành. “Các bác ấy đã đón chúng tôi về Hà Nội ăn cái Tết đầu tiên khi ra miền Bắc, tặng tôi bánh chưng, kẹo, mứt... Trong những câu chuyện, các bác luôn nhắc nhở cán bộ quản lý và thầy cô giáo rằng, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Chính điều đó đã khiến nhân dân miền Bắc, trong gian khổ vẫn nhường cơm, sẻ áo. Sau này, cả cuộc đời tôi công tác ở miền Nam nhưng vẫn nhớ cái tình của đồng bào miền Bắc dành cho mình, biết ơn tình cảm, sự quan tâm của các bác lãnh đạo Bộ Công an”, Trung tướng Nguyễn Chí Thành chia sẻ.

h1.jpg -0
Học sinh Nguyễn Chí Thành (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu tiên) cùng các bạn học sinh miền Nam tại Trường An ninh miền Nam E1171.

 Đầu năm 1972, đồng chí Nguyễn Chí Thành được đưa về Trường An ninh miền Nam E1171 xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là lớp An ninh đầu tiên của trường, gồm khoảng 20 học viên. Nguyễn Chí Thành theo học lớp 6, hệ 10 năm. Giữa và cuối năm 1972, Mỹ quay trở lại đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt. Bộ Công an chủ trương đưa toàn bộ học viên trong trường sơ tán, bởi đây là vị trí có thể sẽ là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ.

Lớp học chia từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 3-4 học sinh về ở trong nhà của người dân, nhờ nhân dân che chở, đùm bọc. Nguyễn Chí Thành và nhóm bạn ở trong một gia đình tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách trường học vài cây số. Những ngày tháng ở với bà con miền Bắc, Nguyễn Chí Thành cảm nhận trọn vẹn tình cảm mà người dân dành cho học sinh miền Nam. Tình cảm đó cho đến bây giờ nhớ lại, đôi mắt ông đỏ hoe xúc động: “Không chỉ các thành viên trong gia đình, mà tất cả họ hàng anh em của chủ nhà nơi chúng tôi ở đều đối đãi hết mực chân thành, nồng hậu. Chúng tôi tuy là con trai nhưng cũng không nề hà việc gì, chúng tôi đi hái rau, lội suối bắt cá, kiếm củi cùng với bà con. Đến mùa cấy lúa, chúng tôi cũng xắn quần lội ruộng cấy. Những hàng lúa méo xiên méo xẹo, cây ngả cây đổ nhưng chẳng ai trách mắng mà chỉ cười đôn hậu. Đến khi lúa trổ bông, chẳng hiểu sao chỗ mấy cậu con trai học sinh miền Nam cấy lại rất tốt. Bà con tấm tắc khen mãi”.

Khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, có thêm nhiều đoàn học sinh miền Nam về trường. Nguyễn Chí Thành là lớp đàn anh đã tích cực cùng thầy cô giáo, cán bộ quản lý giúp đỡ, dìu dắt các em. “Chúng tôi cùng nhau học tập, sinh hoạt, cùng đón những cái Tết xa nhà, vắng người thân. Hiểu được nỗi nhớ quê hương của học sinh miền Nam, thầy cô miền Bắc đã luôn bên cạnh động viên, chia sẻ cho chúng tôi cảm giác thân thuộc, ấm áp như người thân trong gia đình”, Trung tướng Nguyễn Chí Thành tâm sự.

Kỷ niệm về miền Bắc vẫn nằm trọn trong trái tim và ký ức của vị Tướng, ông nhớ một lần cùng nhóm bạn đi ra Thủ đô Hà Nội, vào một bách hóa tổng hợp, Chí Thành thấy một quyển nhạc có 200 bài hát, ông rất thích thú, lật giở ra xem thì thấy nhiều bài quen thuộc trong thời gian ông làm điện đài ở Trung ương Cục miền Nam được nghe qua làn sóng radio. Chí Thành hỏi mua, nghe giọng miền Nam, cô mậu dịch nhìn rất lâu rồi hỏi: “Quyển này hơn hai đồng, cháu có đủ tiền mua không?”. Nếu không đủ chắc cô ấy sẽ bán rẻ hoặc tặng luôn, nhưng Chí Thành có tiền tích góp từ tiêu chuẩn hàng tháng của mình. Mang cuốn nhạc về trường, Chí Thành và các bạn hăng say đàn hát, tinh thần sôi nổi, rồi thành lập hẳn một đội văn nghệ biểu diễn cho các bạn và thầy cô giáo. “Ngày tháng ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn của chúng tôi, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi vơi bớt nỗi nhớ thương về miền Nam ruột thịt”, Trung tướng Nguyễn Chí Thành bộc bạch. 

3.Tin miền Nam giải phóng nhanh chóng lan ra miền Bắc, lớp lớp học sinh miền Nam vừa thổn thức, vừa vui sướng, mong ngóng ngày trở về. Nguyễn Chí Thành là một trong số ít học sinh miền Nam được Bộ Công an và trường chọn trở vào miền Nam tham gia tiếp quản chính quyền.

Sáng 30/4, ba chiếc xe tải của Bộ Công an chở đoàn cán bộ cùng một số phụ kiện gồm áo mũ, phù hiệu, cờ đỏ sao vàng, băng rôn… xuất phát từ Thủ đô Hà Nội. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, lòng người reo vui rộn rã khắp các ngả đường, trên mỗi làng quê đoàn đi qua, những nụ cười, ánh mắt, cánh tay vẫn mãi chào người về miền Nam. Khi xe qua đến Đông Hà, Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng chia cắt hai miền Nam - Bắc, con tim người con miền Nam Nguyễn Chí Thành như nghẹn lại, rưng rưng cảm giác được trở về.

Ngày 5/5, Đoàn đặt chân tới Sài Gòn, cùng đơn vị của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam làm nhiệm vụ tiếp quản. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bắt tay vào công cuộc tái thiết, Nguyễn Chí Thành mới có thời gian tiếp tục sự học của mình. “Khi xếp bút vào miền Nam, tôi đang học lớp 9 hệ 10 năm của miền Bắc. Vào miền Nam tôi học tiếp đến lớp 12, hệ 12 năm. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm đó tôi đỗ hạng cao. Khi theo học hệ chuyên tu của Học viện An ninh nhân dân khóa 1978 -1981, thì tôi đỗ thủ khoa”, Trung tướng Nguyễn Chí Thành kể.

Ra trường với tấm bằng giỏi, Nguyễn Chí Thành được phân công về Công an TP Hồ Chí Minh công tác. Trước khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Chí Thành đã xin với cấp trên cho ông được về đơn vị chiến đấu, nơi nào gai góc nhất, nóng bỏng nhất để thử sức. Đúng như mong muốn, Nguyễn Chí Thành được về Phòng Phòng chống phản động. Ông lần lượt đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị nghiệp vụ an ninh. Năm 2003 ông giữ chức vụ Phó giám đốc, được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2010, ông trở thành Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và được phong hàm Trung tướng đầu tiên vào năm 2015 của Công an TP Hồ Chí Minh, cho đến năm 2016 thì nghỉ hưu. Trở về đời thường, ông cũng như bao người lính khác, bình dị với xóm làng, góp công sức cùng bà con xây dựng phố phường tươi đẹp. Với thế hệ tiếp nối của Công an thành phố, ông tích cực đóng góp kinh nghiệm và trí tuệ của mình vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Ngọc Hoa
.
.
.