Mất gần 100 triệu đồng vì chiêu lừa làm CTV bán hàng online

Thứ Sáu, 10/09/2021, 17:55

Được 2 "khách hàng" đặt mua lượng lớn đồng hồ đeo tay với giá cao, anh N. chi gần 100 triệu nhập hàng từ một sàn thương mại điện tử "ảo" rồi vui vẻ gửi hàng cho “thượng đế”. Tuy nhiên, hàng gửi đi lại không có ai nhận. Anh N. nhận ra cả kẻ bán và người mua hàng của anh là một nhóm lừa đảo.

Công việc tư vấn du học - xuất khẩu lao động Hàn Quốc đang suôn sẻ thì dịch COVID-19 ập đến, anh Đ.M.N (34 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) mất nguồn thu chính và dành phần lớn thời gian ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc gia đình. Vài tháng gần đây, anh N. tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội với hi vọng kiếm được một công việc kiếm thêm thu nhập, nhưng chưa tìm được việc nào phù hợp.

Mất gần 100 triệu vì chiêu lừa làm CTV bán hàng online -0
Những chiếc đồng hồ, khả năng cao là hàng giả, được anh N. chi gần 100 triệu đồng để "nhập hàng". Ảnh: NVCC

Đến đầu tháng 8/2021, khi anh N. đang lướt Facebook thì bất chợt xuất hiện tin nhắn từ tài khoản tên “Sàn thương mại điện tử Vikin”, địa chỉ tại vikin.org.vn, đề nghị anh làm cộng tác viên (CTV) bán các mặt hàng công nghệ online như đồng hồ đeo tay, tai nghe, phụ kiện điện tử… với mức chiết khấu hấp dẫn từ 20-30%  mỗi sản phẩm.

Để “giúp đỡ” người mới như anh N., tài khoản này khẳng định mỗi ngày sẽ gửi sẵn bài quảng cáo bán hàng và anh N. chỉ việc đăng nguyên văn để thu hút khách mua trên trang cá nhân. Nếu không bán được hàng cũng không sao, “sàn” vẫn trả phí 50.000 VNĐ/ bài đăng/ngày và 500.000 VNĐ cho bất cứ CTV nào tham gia mạng lưới!

“Công việc rất đơn giản, không mất nhiều thời gian. Trong quá trình làm việc, anh/chị sẽ được nhân viên công ty hỗ trợ và giải đáp 24/24h”, tài khoản này chào mời anh N.

Nhiều thời gian rảnh lại thường xuyên lướt mạng, anh N. vui vẻ nhận công việc mới và bắt đầu đăng bài lên trang cá nhân. Chỉ sau chừng một tuần, anh N. nhận liên tiếp 2 đơn đặt hàng 43 chiếc đồng hồ đeo tay TISS** giá niêm yết 6.999.000 triệu đồng/ chiếc (theo sàn Vikin), gồm một đơn 21 chiếc của người tự xưng là nữ nhân viên ngân hàng ở Thanh Hóa, đơn còn lại 22 đồng hồ của nam thanh niên nhận mình ở Hòa Bình.

Mất gần 100 triệu vì chiêu lừa làm CTV bán hàng online -0
Tài khoản Facebook "chào mời" với anh N. nay không thể truy cập.

Trao đổi với anh N., 2 khách hàng tỏ ra rất yêu thích món đồ anh N. đăng bán và thúc giục anh nhanh chóng gửi hàng. “Nữ khách hàng ở Thanh Hóa nói với tôi cô ta muốn mua tặng bạn trai và đồng nghiệp”, anh N. chia sẻ khi gọi điện đến đường dây nóng của Báo CAND Điện tử chiều 10/9.

Theo lời kể của N., khi anh liên hệ lại với “sàn Vikin", anh được đề nghị nhập đồng hồ với giá 5.599.000 VNĐ/ chiếc. Nhằm “trợ giúp cộng tác viên”, nhân viên "sàn vikin" đề nghị anh N. trả trước 80% trị giá đơn hàng, 20% có thể gửi lại “công ty” sau khi bán thành công. Như vậy, nếu 2 đơn đều trót lọt, anh N. sẽ thu được khoản hoa hồng hơn 60 triệu– món tiền giúp anh chi tiêu qua mùa dịch và phụ giúp gia đình.

Dồn hết số tiền tích cóp và vay mượn thêm cha mẹ được gần 100 triệu, anh N. quyết định nhập trước 21 chiếc của đơn hàng đầu tiên. Vài hôm sau khi đăng kí với “sàn Vikin”, nhân viên bưu điện mang đồng hồ đến, anh N. thanh toán 94 triệu, nhận số đồng hồ trên, rồi lập tức gửi đến vị nữ “khách hàng” ở Thanh Hóa.

Tưởng chừng mọi thứ đều sẽ trót lọt, anh N. giật mình nhận ra dấu hiệu mình có thể đã bị lừa đảo sau khi nhân viên giao hàng liên hệ lại và nói địa chỉ khách hàng ở Thanh Hóa là giả, số điện thoại người nhận không thể liên lạc, còn tài khoản đặt hàng cũng biến mất không dấu vết.

Gửi lô hàng trên đến người khách ở Hòa Bình, anh N. tiếp tục được nhân viên bưu điện thông báo giao hàng không thành công: Không có ai trùng tên người đặt hàng ở địa chỉ được cung cấp, và số điện thoại cũng không thể liên lạc.

Mất gần 100 triệu vì chiêu lừa làm CTV bán hàng online -0
Người dùng Internet cần cẩn trọng trước những lời mời chào trên mạng, tránh sập bẫy lừa của những kẻ trục lợi. 

“Khi đồng hồ được trả về, tôi đã nhờ bạn bè kiểm tra và kết luận số đồng hồ này là hàng giả. Tôi cố liên hệ nơi bán hàng và người gửi hàng cho tôi, có địa chỉ ở Hà Đông, Hà Nội, nhưng không được. Địa chỉ cả người bán và kẻ mua của tôi đều là giả. Có lẽ tôi đã bị lừa đảo. Hơn 20 cái đồng hồ trong nhà, tôi không biết phải làm sao”, anh N. buồn bã nói và mong muốn câu chuyện của mình được chia sẻ để cảnh tỉnh nhiều người.

Khi tìm hiểu về trang web vikin.org.vn anh N. cung cấp, PV không thể truy cập trang này. Các thông tin về website cũng bị ẩn. Số điện thoại và tài khoản mạng xã hội của cả người cung cấp đồng hồ lẫn người đặt mua của anh N. đều không thể liên lạc.

Như Báo CAND Điện tử nhiều lần đưa tin, trường hợp của anh N. không hiếm. Những kẻ bất hảo trên mạng internet gần đây liên tục nhắm mục tiêu vào sinh viên, mẹ nuôi con nhỏ và những người mất việc do ảnh hưởng của COVID-19, đề nghị họ trở thành CTV bán hàng online rồi dùng những lời hứa viển vông để chiếm lòng tin và lợi dụng lòng tin đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không ít người thậm chí còn vay tiền qua các ứng dụng lừa đảo khác trên mạng để “nhập hàng”, thiệt hại chồng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Đủ mánh khóe lừa đảo qua điện thoại, trên mạng internet

Mỗi ngày, Báo CAND giải đáp hàng chục cuộc điện thoại qua đường dây nóng và email của độc giả thông báo về việc mình đã trở thành nạn nhân của đủ kiểu mánh khóe lừa đảo.

Trong thư điện tử gửi Báo CAND chiều 10/9, anh P. X. Q., trú tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, cách đây vài hôm, anh nhận được cuộc điện thoại chào mời mua một cuốn sách về dòng họ của anh với giá 400.000 đồng. Muốn đóng góp cho dòng họ, anh đồng ý mua, nhưng khi nhận hàng, đó lại là một cuốn sách có nội dung hoàn toàn không liên quan. “Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi, khai thác được rất nhiều người xa quê như tôi”, anh Q. chia sẻ.

Cũng trong chiều 10/9, cô H. trú tại TP. Hồ Chí Minh thông tin với Báo CAND, cô gần đây được một người tự xưng “tiến sĩ y khoa đến từ London” tiếp cận qua ứng dụng chat, rồi đề nghị gửi tặng cô một hộp quà “chứa nhiều tiền USD”.

Dù cô H. đã từ chối lịch sự, vị “tiến sĩ” vẫn cương quyết gửi quà cho người bạn mới quen. Và chỉ một ngày sau, lập tức có người liên hệ với cô H. yêu cầu… nộp phí 19,5 triệu đồng mới được nhận quà. Do đã đọc thông tin về các vụ lừa đảo dạng “trả tiền để nhận quà nước ngoài”, cô H. không mắc bẫy và cương quyết từ chối. “Hi vọng những người khác đọc được sẽ cảnh giác và không mắc lừa”, cô H. viết trong thư gửi Báo CAND.

Thiện Minh
.
.
.