Lũ sông Cầu lên kỷ lục, cảnh báo ngập lụt 9 tỉnh miền Bắc

Thứ Ba, 10/09/2024, 08:05

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lúc 5h sáng nay lên tới 35,22m, trên mức lũ lịch sử năm 1968. Sông Cầu nước dâng lên 28,81m, vượt qua kỷ lục lịch sử được thiết lập vào 65 năm trước. Cảnh báo ngập lụt sâu tại 9 tỉnh miền Bắc.

Vào lúc 5h sáng nay, lũ vẫn đang dâng lên trên hầu hết các sông ở miền Bắc hoặc có dấu hiệu xuống chậm nhưng vẫn giữ mức rất cao.

Trên sông Thao tại Lào Cai là 86,18m, trên báo động 3; tại Bảo Hà là 61,81m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 gần 1m. Riêng tại Yên Bái, lũ sông Thao dâng lên 35,22m, vượt qua lũ lịch sử được ghi nhận vào năm 1968.

Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy, mức nước lũ lúc 1h sáng nay lên tới 28,81m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,67m, tại Đáp Cầu là 5,92m. Đến 5h sáng nay, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu nâng lên 6,06m.

Nhiều dòng sông khác đang trên mức báo động 3 như sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam.

Dự báo trong ngày hôm nay, lũ trên sông Thao tại Lào Cai xuống nhưng tại Bảo Hà, Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử. Lũ trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương tiếp tục lên hôm nay, sông Lục Nam xuống chậm.

Lũ sông Cầu vượt mức kỷ lục lịch sử 65 năm trước. -0
TP Thái Nguyên ngập sâu do lũ sông Cầu lên cao.

Ngoài ra, từ hôm nay đến ngày mai, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ ngập lụt sâu trên diện rộng và kéo tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, trong 2-3 ngày tới, diễn biến mưa lũ ở miền Bắc còn rất phức tạp do sự hình thành một xoáy thấp ngay trên đất liền gây mưa từ 70-140mm, có nơi trên 370mm cho khu vực trung du, vùng núi trong 10-11/9. Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 10-12/9 mưa từ 120-250mm, có nơi trên 600mm trong ba ngày tới.

Miền Bắc đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử do hoàn lưu của siêu bão YAGI, sau đó là liên tiếp những hình thái gây mưa nguy hiểm như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới phát triển ngay trên đất liền. Tổng lượng mưa trong những ngày qua ở vùng núi Bắc Bộ là đặc biệt lớn, nhiều nơi có thể phá vỡ mức kỷ lục trong lịch sử.

Hà Nội ra công điện khẩn ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông

Đêm 9/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an TP chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của TP để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy hiểm; tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản, hướng dẫn, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Lãnh đạo TP yêu cầu Sở Giao thông vận tải sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, kịp thời xử lý sự cố, kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo an toàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố đê điều, kè; kiện toàn các đội xung kích kiểm tra đê điều, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi

Giám đốc Sở Công Thương rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng/chia cắt bởi mưa lũ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, thống kê các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn tại các khu vực có nguy cơ cao; sẵn sàng phương án hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ các đối tượng này trong và sau mưa lũ.

Giám đốc Sở Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai ngay giải tỏa cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân, tài sản tại các khu vực nguy hiểm.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện... 

Ngọc Yến
.
.
.