Lời ru buồn tảo hôn, cận huyết

Thứ Sáu, 09/09/2022, 07:06

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đời sống của những gia đình “nhí” thường gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em sinh ra ốm yếu, dị tật, suy dinh dưỡng… Lớn lên trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe giống nòi, những đứa trẻ này cũng mịt mù tương lai.

Năm 2017, KThắm (ngụ thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) học đến lớp 9 thì thấy con chữ khó hơn ở nhà làm nương, cô quyết định bỏ dở dang công việc học hành. Cô gái đang ở tuổi ăn, tuổi lớn với lối suy nghĩ hồn nhiên chân chất, “thật như đồng bào”, phút chốc lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, bên chồng, bên con.

Không ai bắt buộc nhưng trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Lâm Đồng như huyện Đam Rông, Đơn Dương, Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh… trai gái khi đã nghỉ học gần như mặc định sẽ tính tới chuyện lập gia đình. Vì thế, việc các cô gái, chàng trai 15, 16 tuổi đã “tay bế tay bồng” không phải là chuyện hiếm gặp. Năm 2019, khi đã có với nhau 2 người con, KThắm mới đủ tuổi đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Sau ngày bắt chồng chẳng bao lâu, KThắm sinh liên tiếp hai người con. Tài sản cha mẹ chia cho là 5 sào cà phê, mỗi năm thu hoạch được một lần. Tiền bán cà phê thường không đủ trả nợ cho các đại lý đã ứng mua phân bón và các loại thực phẩm trước đó. Thu nhập chẳng bõ bèn gì, chồng KThắm quanh năm phải đi làm thuê. Một người làm nuôi 4 miệng ăn, gia đình KThắm lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Con cái không được ăn uống, chăm sóc đầy đủ nên thường xuyên ốm đau, còi cọc. Thế nhưng, vợ chồng KThắm cũng  như nhiều gia đình khác trong thôn xem cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, con cái hay ốm đau gần như là chuyện hiển nhiên. Nhiều gia đình, nhất là các cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thường không nhận ra rằng mình đang sống quá khổ vì chưa bao giờ họ được sống trong cảnh no đủ, sung túc.

Lời ru buồn tảo hôn, cận huyết  -0
Tình trạng tảo hôn vẫn còn nhiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm.

Hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã và đang để lại những hệ lụy không nhỏ. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nó đã trở thành hủ tục ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ lý do kinh tế và điều kiện cư trú. Nhiều gia đình, dòng họ sợ sẽ mất đi của cải khi cho con cái lấy người khác họ. Bà con vẫn còn quan niệm rằng, lấy người cùng huyết thống thì của cải trong gia đình, dòng tộc sẽ được bảo toàn và ngày càng phát triển thịnh vượng. Việc sinh sống, cư trú tại các địa bàn hẻo lánh, cô lập cũng khiến các chàng trai, cô gái khó có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ đối tác nên họ thường phải lấy người trong dòng họ.

Bên cạnh sự thiếu hiểu biết, nhiều vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do cố tình thực hiện, thậm chí biết sai nhưng vẫn làm. Không ít vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do cha mẹ sắp đặt. Nhiều gia đình dù biết con cái chưa đến tuổi kết hôn nhưng vẫn cho tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn, giấu chính quyền. Khi cán bộ xuống thôn, buôn phát hiện ra thì sự việc đã lâm cảnh “đã rồi”. Dĩ nhiên, hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không đơn giản là làm gia tăng nghèo đói, trẻ em còi cọc, dị tật, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới giống nòi… mà tương lai của những đứa trẻ này cũng trở nên mịt mờ.

Bà KDĩnh (buôn Hàng Piơr, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nay nhận ra hậu quả của việc hôn nhân cận huyết thống thì đã quá muộn. Gia đình bà đã cho con kết hôn với con của người em ruột mà người đồng bào địa phương thường gọi là “con cô, con cậu lấy nhau”. “Đứa bé sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, đau ốm suốt, nuôi mãi không lớn được. Nếu biết hậu quả thế này thì tôi không cho chúng nó lấy nhau đâu!..”, bà KDĩnh nói.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có hơn 700 cặp vợ chồng tảo hôn, gần 30 cặp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020, qua điều tra, khảo sát chưa đầy đủ, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.064 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số kết hôn và 30 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm tỉ lệ 0,1% so với tổng số kết hôn.

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025”. Hiện nay, một số đơn vị, địa phương đã triển khai tốt các nội dung của đề án như xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), Trường phổ thông dân tộc nội trú liên huyện phía Nam, Trường phổ thông dân tộc nội huyện Di Linh, xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng). Đây là những đơn vị, địa phương có tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 96%.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, qua thời gian triển khai đề án, cơ bản người dân đã bước đầu nâng nhận thức được các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Bởi lẽ, hủ tục này đã tồn tại dai dẵng, âm ỉ hàng trăm năm qua trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ăn sâu vào tiềm thức, lối sống của bà con.

Để thay đổi được hủ tục này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ, nhận thức về pháp luật cho bà con, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe, giáo dục chung.

Khắc Lịch
.
.
.