“Lợi ích kép” khi tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên

Thứ Ba, 10/10/2023, 05:33

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho lứa tuổi học sinh, sinh viên là nhằm mục đích trang bị cho các em những kiến thức cơ bản nhất, giúp các em ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Hơn thế nữa, chính học sinh, sinh viên sẽ là những “cầu nối” tuyên truyền viên tích cực về PCCC&CNCH với gia đình, người thân, cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều trường Đại học, Cao đẳng và THPT, THCS với số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên. Để duy trì việc học tập, đào tạo, nghiên cứu, các nhà trường cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu…

6 (1).jpg -0
Học sinh trực tiếp tham gia thực hành, trải nghiệm công tác chữa cháy bằng vòi phun nước từ xe cứu hỏa.

Bên cạnh đó, còn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ như do sơ suất trong việc dùng lửa để nấu ăn, thực hành thí nghiệm, hút thuốc lá... Ngoài ra, đối với các trường tiểu học, THCS, THPT, học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để đùa nghịch...

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH, thời gian qua, các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên các tiết học ngoại khóa, tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về PCCC, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Thầy giáo Hoàng Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu, thảo luận các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng ngừa cháy nổ, tai nạn, sự cố tại nơi làm việc, học tập nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC&CNCH, đồng thời tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế kiến thức và kỹ năng PCCC&CNCH sẽ giúp toàn thể giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường nghiêm túc thực hiện nghiêm quy định về phòng chống cháy, nổ tại trường học, nơi công cộng, khu dân cư.

Nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong hai ngày (7 và 8/10), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức chương trình hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, thực hành PCCC&CNCH cho gần 1.000 học sinh, sinh viên, giáo viên.

Ngay sau lễ khai mạc, các cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên đã được trải nghiệm và thực hành các kỹ năng cơ bản về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật sơ, cấp cứu ban đầu cho người bị nạn; trải nghiệm thoát nạn, cứu người bằng xe thang, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; thực hành phun nước chữa cháy... Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thanh Hoá đã trình diễn kỹ thuật sử dụng dây cứu nạn, cứu hộ, sử dụng đệm hơi để cứu người, đồng thời giới thiệu trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay đang sử dụng; giới thiệu về mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng và hệ thống tiếp nhận và truyền tin báo sự cố...

Tham gia buổi trải nghiệm, sinh viên Hoàng Lê Quỳnh Loan, Khoa kinh tế Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: Trong bối cảnh có nhiều vụ cháy nổ như hiện nay, bản thân em và các bạn sinh viên rất quan tâm đến vấn đề PCCC và các kỹ năng PCCC&CNCH. Qua buổi trải nghiệm, tuyên truyền thực tế, các bạn học sinh, sinh viên sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng để có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước những tình huống phát sinh cháy nổ trong cuộc sống, từ đó phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mỗi công dân trong công tác PCCC&CNCH nhằm giảm thiểu tai nạn do cháy, nổ gây ra.

Đại tá Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, khẳng định: Để tạo ra nền tảng xã hội vững chắc trong công tác PCCC&CNCH thì phải quan tâm, giáo dục, đào tạo cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Mỗi lứa tuổi học sinh, sinh viên sẽ lựa chọn những phương án trải nghiệm cũng như các kiến thức, kỹ năng phù hợp để có thể nhận thức được và về trao đổi, hướng dẫn cho người thân trong gia đình. Đại tá Lê Như Lập nêu quan điểm: “Kỹ năng PCCC&CNCH là kỹ năng sống, nếu chúng ta muốn không bị nạn trong đám cháy thì việc học tập, bồi dưỡng và trải nghiệm các kỹ năng để chủ động xử lý tình huống khi phát sinh xảy ra và thoát nạn an toàn, chữa cháy, dập cháy và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện cháy cũng như thiệt hại về cháy gây ra là hết sức cần thiết”.

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp các em học sinh, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH, được tham gia trải nghiệm, thực hành, vận hành các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hiện nay. Qua đó, giúp các em có những trải nghiệm thú vị, trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng PCCC bổ ích; từ đó tiếp tục chia sẻ và trở thành tuyên truyền viên, tham gia tích cực vào công tác PCCC&CNCH ngay tại gia đình, khu dân cư, nơi công cộng, đặc biệt là tại trường học của mình.

Trần Thắng
.
.
.