Lời giải cho bài toán chống ngập ở Hà Nội

Chủ Nhật, 09/06/2024, 08:24

Kể từ trận ngập lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội đã chi 15.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm. Thế nhưng đến nay, cứ mưa lớn là nhiều khu vực ở nội đô lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông. Vậy, giải pháp tổng thể nào có thể giúp Hà Nội thoát ngập? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội liên quan đến vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, trong những năm vừa qua, Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào cải tạo, nâng cấp các dự án thoát nước. Đến năm 2016, Hà Nội đã hoàn thành các dự án thoát nước cho khu vực nội thành, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Để chống ngập cho phía Tây Thủ đô, Hà Nội cũng đã đầu tư 7.400 tỷ đồng xây dựng dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… Như vậy, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm, cải tạo hồ chứa nước trong các quận nội thành và khu vực phía Tây. Thế nhưng cho đến thời điểm này, ở Thủ đô vẫn cứ tái diễn cảnh hễ mưa là ngập. Là một nhà khoa học có chuyên môn về quy hoạch đô thị, theo ông đâu là nguyên nhân?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Có nhiều nguyên nhân liên quan đến thoát nước bề mặt, dẫn đến việc Hà Nội bị ngập úng. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân nổi bật như tốc độ “bê tông hóa”, mật độ nhà cao tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh… Đối với xây nhà cao tầng, trong quy chuẩn nêu rất rõ những công trình cao từ 9 tầng trở lên thì mật độ xây dựng không quá 40%. Tuy nhiên, giám sát thực hiện thế nào lại là vấn đề khác. Chúng ta cũng thấy rằng, việc xây dựng nhiều khu đô thị đã dẫn tới dân số tăng quá mức dự kiến của quy hoạch. Trong khi đó, không gian xanh và diện tích các hồ nước lại càng ngày bị thu hẹp lại. Thêm nữa, tôi cho rằng, việc Hà Nội cho lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng đã ảnh hưởng tới việc thoát nước. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân là do biến đổi khí hậu. Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước với 2 giai đoạn, trong đó đặt ra vấn đề lượng mưa với lưu lượng khoảng 150mm/ngày, sau đó điều chỉnh lên tới 300mm/ngày và cũng đã triển khai cơ bản quy hoạch. Nhưng vài năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến, có những trận mưa chỉ trong 2 giờ đồng hồ mà lưu lượng đã tới 138mm, như vậy nó thể hiện sự bất thường của biến đổi khí hậu. Hà Nội cũng đã có nhiều lần bị úng, ngập và đã vượt quá mức giới hạn của quy hoạch thoát nước, gần đây nhất là trận ngập năm 2019.

Tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong khoảng gần 10 năm nay luôn trở thành vấn đề “nóng” mỗi khi có mưa lớn. Những năm 90, trong quy hoạch chung, chúng ta có tính đến vấn đề thoát nước mặt và quy hoạch năm 2011 cũng vậy. Với vị thế đặc thù là đô thị lịch sử, cùng những công trình, khu di tích hàng nghìn năm và cả những khu xây mới, thì Hà Nội đã có riêng Quy hoạch thoát nước Hà Nội.

Lời giải cho bài toán chống ngập ở Hà Nội -0
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ hơn những yếu tố tác động mạnh tới thoát nước của Hà Nội hiện nay không?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Đúng là chúng ta phải xem xét các yếu tố nào tác động mạnh tới thoát nước hiện nay. Trước hết, chúng ta phân chia làm 4 lưu vực thoát nước ở Hà Nội. Chẳng hạn như lưu vực thoát nước sông Nhuệ lấy sông Đáy làm chính; lưu vực thoát nước phía Bắc Hà Nội; lưu vực thoát nước phía Tây và phía Nam… cho thấy chúng ta đã chia các khu vực thoát nước này hợp lý, trong đó các dòng sông là các đầu mối để thoát nước ra khỏi Hà Nội. Thứ hai, chúng ta xét đến hệ thống cống. Hệ thống cống ngầm Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc. Hiện nay trong nội thành chúng ta thấy có cả cống ngầm, cống hở. Tính riêng trong nội đô này, nếu trước kia thời Pháp chỉ có 74km cống ngầm, thì nay đã có gần 140km. Rõ ràng, hệ thống này đã phát triển, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như việc thu gom nước mặt và nước thải lẫn lộn dễ xảy ra ách tắc, việc duy tu bảo dưỡng… Và yếu tố thứ ba cần nhắc đến là diện tích hồ điều tiết mặt nước. Hiện nay, chúng ta đã có một diện tích hồ trong nội thành với hơn 120 hồ nước, ngoại thành có khoảng 80 hồ nước. Tổng diện tích hơn 6.000ha mặt nước trong địa bàn Hà Nội hiện nay, chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo tính toán khoa học và kinh nghiệm nước ngoài, để điều hòa nguồn nước mặt chảy, các đô thị cần có 5-6% diện tích tự nhiên là diện tích mặt nước. Như vậy chúng ta thiếu phần diện tích này để bảo đảm điều hòa. Mặt khác, có khoảng 20 hồ nước trong thời gian qua đã bị san lấp và nhiều hồ nước bị thu nhỏ diện tích. Chính việc thiếu diện tích để điều hòa mặt nước và lấp đi một số hồ tự nhiên đã gây khó khăn cho việc thoát nước làm úng ngập.

Tiếp đó, một yếu tố nữa là các kênh thoát nước trong các khu dân cư. Hà Nội có rất nhiều con sông như sông Lừ, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ… Thời gian qua, các hệ thống sông này đã được chú trọng làm sạch, nhưng lại chưa chú trọng bảo đảm dòng chảy. Trong khi đó, các sông này không chỉ thoát nước mặt, mà còn kết hợp làm thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Điều này cần có cơ chế, chính sách hợp lý. Thêm nữa là chúng ta cần có điều tiết ở cuối mỗi lưu vực thoát nước bằng các hồ lớn khi chúng ta có sông rồi nhưng chưa có nhiều hồ lớn. Cuối cùng, yếu tố tác động đến úng ngập là các trạm bơm cuối nguồn. Theo quy hoạch thoát nước và thực tiễn những năm qua, Hà Nội đã có nhiều trạm bơm cuối nguồn như hệ thống trạm bơm ở Liên Mạc; Yên Sở với 3 trạm bơm Yên Sở I, II, III; khu vực Đồng Mông có 2 trạm bơm, hay là có những khu vực đang chuẩn bị xây dựng trạm bơm nước ở khu đô thị Nam Thăng Long, Đông Mỹ… Tất cả các trạm bơm này đều góp phần đẩy nhanh thoát nước ra các dòng sông chính để chảy ra biển và các dòng sông khác. Thế nhưng, lưu lượng nước chảy mạnh còn dự báo công suất các trạm bơm này lại nhỏ. Có lẽ đã đến lúc phải nâng công suất các trạm bơm.

Lời giải cho bài toán chống ngập ở Hà Nội -0
Những cơn mưa lớn đầu tháng 6/2024 đã khiến nhiều tuyến phố nội đô bị ngập, gây cản trở giao thông.

Phóng viên: Theo ông, với hệ thống thoát nước bộc lộ nhiều bất cập, cần có những giải pháp gì để khắc phục?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Từ những yếu tố bất cập trên, đặt ra vấn đề, phải chăng, với tốc độ đô thị hóa cao như thế này, lại đang tiếp tục phát triển đô thị trung tâm, dân số gia tăng, lại là trung tâm đầu não về kinh tế, văn hóa thì phải chăng đã đến lúc Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh thoát nước giai đoạn 3 để có thể chịu đựng được tác động của biến đổi khí hậu mà dự báo tương lai còn nặng nề hơn nữa. Và tôi cho rằng, không nên phát triển kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị. Theo đó, chúng ta cần có những giải pháp rà soát lại. Khi nào chủ đầu tư phát triển mới xây dựng các khu đô thị thì họ cũng phải có trách nhiệm với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Chúng ta cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ.

Có một giải pháp mà tôi cho là phải làm ngay là đầu tư để chống úng ngập cục bộ bằng các trang thiết bị hiện đại, bằng lực lượng cơ động như lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, nếu chúng ta muốn điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu của biến đổi khí hậu thì chúng ta cần có thời gian. Chẳng hạn ở các nước Hoa Kỳ, Hà Lan có những cách để chống úng ngập rất nhanh trạm bơm tốc độ cao. Phải chăng trong giai đoạn này, Hà Nội cũng cần có sự điều chỉnh ngân sách xây dựng trạm úng ngập cục bộ. Chắc chắn các trạm úng ngập cục bộ này phải gắn kết các hệ thống thoát nước… Đó là các vấn đề xoay quanh hệ thống thoát nước lâu dài, chúng ta phải nhìn nhận vào tất cả các yếu tố, thay vì chỉ nhìn vào các phần vụn vặt. Đây gọi là chiến lược thoát nước mà chúng ta cần quan tâm và trước hết các cơ quan quản lý phải thống nhất, giải quyết đồng bộ.

Phóng viên: Mới đây nhất, Hà Nội đã khởi động lại việc xây bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) để chống úng ngập khu vực phố cổ. Theo ông, đây có phải là giải pháp khả thi?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội đã từng xây một bể ngầm rồi. Đó là hầm thu nước mưa trên phố Nguyễn Khuyến được xây dựng ngầm dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt. Tôi được biết bể ngầm có thiết kế xây dựng bê tông cốt thép, dài 34m, rộng 9m, sâu 6,6m, dung tích hầm chứa 2.000m3. Giữa hầm có cột bê tông cốt thép để chống đỡ trần (sân trường học). Hầm được vận hành theo hình thức, khi mưa và có nước nổi trên đường, các hố ga thu nước đặt trên đường Nguyễn Khuyến, miệng có lưới sắt bảo vệ thu nước theo ống dẫn xuống hầm. Khi nước mưa trên hệ thống mạng cống thoát nước đã rút, 3 máy bơm của dự án hầm với công suất 750m3/giờ sẽ hoạt động để bơm nước ra ngoài thông qua hệ thống thoát nước. Nhưng thực tế thì khu vực này vẫn ngập. Tôi thấy có thống kê, đối với những trận mưa có cường độ từ 50 – 100mm, trước đây phố Nguyễn Khuyến sẽ ngập từ 0,5m đến 0,7m, tuy nhiên, từ khi hầm chứa nước hoàn thành đi vào sử dụng, tình trạng ngập úng tuy vẫn diễn ra song đã giảm xuống từ 0,2m – 0,3m. Như vậy, việc xây bể điều tiết ngầm chưa hẳn đã là phương án tối ưu. Quan trọng nhất vẫn là trữ nước mặt. Hà Nội cũng đã có quy hoạch không gian ngầm, đây là nguồn tài nguyên rất quý giá của thành phố, phải tuân thủ nghiêm quy hoạch này. Hà Nội đã hai đợt làm quy hoạch nhưng tỷ lệ diện tích mặt nước (dành cho thoát nước) trên mặt đất vẫn còn thấp. Cả Hà Nội mới có khoảng 2% diện tích có mặt nước phục vụ công tác này, trong khi đó để đảm bảo điều tiết được thì phải cần 5 - 6%. Hà Nội hiện mới có hơn 6.000ha diện tích mặt nước, phải tăng lên gấp đôi, lên 12.000 - 15.000ha mới đủ đáp ứng. Hà Nội cũng nên chú trọng việc khơi thông, quản lý chặt hệ thống kênh, mương, đặc biệt là dòng chảy của những dòng sông chính (sông Nhuệ, sông Đuống, sông Hồng…). Cùng với đó, phải nâng công suất của các trạm bơm chống úng, ngập. Hiện, Hà Nội có nhiều trạm bơm cố định và trạm bơm cuối nguồn, nhưng đều có công suất nhỏ, chưa đáp ứng được. Một cách tổng thể, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể giải quyết được vấn đề úng ngập của Thủ đô.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.