Lên đô thị loại II, trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị còn nhiều việc phải làm

Thứ Hai, 21/10/2024, 08:26

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, thị xã Đông Hà trở thành trung tâm tỉnh lỵ. Trải qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, cuối năm 2005, địa phương này được công nhận là đô thị loại III và đến tháng 8/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thành lập TP Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị.

Đến nay, Đông Hà có 9 phường, tổng diện tích 73,09km2, dân số 164.228 người. Báo cáo tháng 9/2024 của UBND TP Đông Hà cho biết, nền kinh tế của địa phương phát triển toàn diện và đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 11,2%; tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng qua các năm và ước cuối năm 2024 đạt hơn 199 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 361 hộ, chiếm 1,44%...

Lên đô thị loại II, trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị còn nhiều việc phải làm -0
Đường Trường Chinh sau 17 năm thi công vẫn còn dang dở. 

Đặc biệt, bản báo cáo nhấn mạnh: “Công tác quy hoạch, quản lý đô thị của thành phố luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát. Theo đó, kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đã từng bước được nâng cấp và hoàn thiện, nhiều công trình có quy mô được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho đô thị trẻ…”.

Song, nhìn vào thực tế của Đông Hà hiện nay, vẫn còn quá nhiều bất cập liên quan đến vấn đề đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư, xây dựng đường giao thông và chỉnh trang đô thị. Đơn cử, sau đúng 20 năm cắm mốc, giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công đường Lê Thánh Tông, con đường có quy mô lớn thứ 2 sau đường Hùng Vương, đến nay vẫn còn nhiều dang dở. Trong đó, đoạn từ cầu Đại An qua các khu phố 2 và 10, phường 5 về ga Đông Hà, phường Đông Lễ vẫn còn vướng mặt bằng với ngổn ngang ao hồ, đất đai và các công trình xây dựng như nhà ở, tường rào…

Cách đường này 300m, con đường Trường Chinh chạy ngang mặt tiền Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị nằm địa bàn phường Đông Lễ ra đường lớn Hùng Vương cũng chung tình cảnh tương tự. Lãnh đạo UBND TP Đông Hà cho biết, công trình được khởi công xây dựng từ năm 2007. Ban đầu, công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư do UBND thị xã Đông Hà thực hiện, về sau do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn vướng 1 hộ dân trên tuyến chưa thỏa thuận bồi thường, GPMB. Hậu quả, mưa lũ hằng năm khiến đoạn đường chưa được thi công này luôn bị ngập nước; người dân qua về đây luôn phải đối mặt với nguy hiểm và từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Ngoài ra, UBND TP Đông Hà đầu tư gói kinh phí 100 tỉ đồng để chỉnh trang đô thị nhằm đáp ứng các yêu cầu, điều kiện cần và đủ trước khi được công nhận đô thị loại II (được công bố vào ngày 14/10 vừa qua) bộc lộ không ít yếu kém, bất cập. Đặc biệt, hạng mục khảo sát, thiết kế cắt tỉa, thanh lý, di dời, trồng mới, trồng thay thế cây xanh được thực hiện bừa bãi và ngẫu hứng, không thông qua ý kiến tham vấn, góp ý của người dân thành phố. Hạng mục lát mới vỉa hè cũng không được khảo sát, thiết kế bài bản và không có phương án GPMB trước khi thực hiện. Hậu quả, nhiều tuyến phố được thi công chắp vá, chỗ lồi, chỗ lỏm trông rất phản cảm.

Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định, việc đưa Đông Hà lên đô thị loại II là chủ trương và mục tiêu lớn, xuyên suốt được xác định từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay. Kết quả vừa đạt được là một điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đông Hà vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt phải quan tâm, làm tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, sớm khắc phục những tiêu chí còn yếu so với tiêu chuẩn đô thị loại II, đặc biệt là các tiêu chí về hạ tầng xã hội.

Thanh Bình
.
.
.