Lang thang chợ Tết
Tháng Chạp, những tháng cuối cùng của năm cũ. Thời tiết có nhiều thay đổi. Ngày lạnh, ngày nắng nhưng vẫn có rét. Trời thì vẫn sáng, vì có hôm vẫn hiện diện ánh mặt trời, hoặc cũng có ngày mưa phùn gió bấc. Nhưng dù thời tiết có như thế nào, thì tất cả dường như vẫn là tiết trời của những ngày cuối năm, khi cành đào, cành quất đã xuống phố; chợ hoa họp trên khắp các ngả đường… Cái không khí ấy khiến người ta thích đi ra đường ngắm phố, ngắm hoa; và biết đâu đấy, dù thời gian chưa đến ông Công ông Táo, nhưng họ vẫn sắm sanh cho mình những cành đào, cây quất, cây lan hay thậm chí chậu, lọ hoa để tăng thêm cái không khí Tết.
Hàng Tết khắp phố phường
Cứ đến những ngày cuối năm này, dù có bận rộn nhưng chị Lan vẫn luôn sắp xếp thời gian để đưa con đi các điểm bán đồ Tết. Không đi bằng ôtô, không mua sắm ở siêu thị, chị đèo hai con nhỏ trên chiếc xe máy, rong ruổi qua nhiều con phố để ngắm phố phường những ngày sát Tết. Trên đường Võ Chí Công, lối lên cầu Nhật Tân, một con đường to đẹp và mới của Hà Nội, những ngôi nhà mặt tiền như rộng rãi hơn, các cửa hàng cửa hiệu như cũng đẹp hơn với vỉa hè rộng rãi.
Tận dụng điều này, từ đầu tháng Chạp, đã có rất nhiều hàng hóa được bày bán phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Chỗ này họ bán lọ lục bình, đồ sành sứ, đoạn kia là đèn điện trang hoàng Tết. Lên tiếp nữa, những nhà lưới đã được quây lại, đèn điện sáng trưng, là nơi tập kết và trồng những chậu lan to đại phục vụ cho những ai có nhu cầu chơi tết sớm.
Khách hàng cũng đã đến xem đông hơn, người thích màu vàng, người thích hoa trắng, hoa đỏ... Họ, ngoài việc mua đi biếu Tết, thì đã bắt đầu sắm sanh mang về trang hoàng nhà cửa. Những chậu lan đầu mùa, được chăm sóc kỹ lưỡng, lá xanh, cánh dày, màu sắc đủ loại. Chỉ cần đến rồi đi một vòng, ngắm các chậu to nhỏ đã thấy thích mắt.
Không được nâng niu như những cánh lan hồ điệp đẹp đẽ, những chậu địa lan được buôn bán từ Trung Quốc về được người buôn nhỏ lẻ đặt trên vỉa hè cùng với những chậu cây cảnh khác. Giá của loại lan này rẻ, chỉ 500.000đ một chậu 5 cành; nhưng lan chỉ có 1 màu vàng xanh, gần với màu lá, nên hoa không được nổi bật. Tuy nhiên, vì lá xanh, hoa cũng tươi nên có thể trưng trong nhà dịp Tết và phù hợp với những nhà điều kiện tài chính phải cân đối thêm.
Ngoài rằm tháng Chạp, các loại hàng hóa được trưng ra nhiều hơn, bày trên khắp các vỉa hè. Chiếu hoa, chăn bông, đồ sành sứ, bát đĩa, chậu lọ; rồi cả một dọc phố là những cây đào, quất. Tùy năm nắng ấm hay rét mướt mà hoa đào đẹp xấu khác nhau. Người đi đường bắt đầu dừng xe, xuống ngắm nghía, chọn lựa và bình phẩm chậu nào đẹp, chậu nào không đẹp. Và khi chọn được cành đào, cây quất, hay bất cứ cây nào khác, cho lên xe, đèo về là đã mang cả một mùa xuân đến.
Có mặt ở chợ cây Hoàng Hoa Thám, không khí xuân như náo nức hơn khi rất nhiều người mua người bán. Ở đây tập trung đủ loại, từ cây cảnh thường ngày họ vẫn bán đến đào, quất, mai, lan… rồi chợ Bưởi, ngôi chợ vẫn hiện diện bao năm, nhưng bỗng dưng như đông đúc hơn khi tết về.
Là ngôi chợ lâu năm, bày bán đủ các loại mặt hàng, nên chợ Bưởi được người mua tìm đến để mua những đồ mà ở những siêu thị hiện đại không có. Những đồ đồng, đồ thờ, đèn thờ, rồi cau trầu, đèn nến… Người ta đến đây có thể mua đủ các loại mà ở những cửa hàng cửa hiệu hay siêu thị ngoài kia, mỗi nơi chỉ bán một mặt hàng.
Thế nên, mỗi năm khi sắm sanh đồ mới, các bậc cha mẹ phụ huynh cũng nên đưa con nhỏ đi theo, để từ đó thông lệ Tết sẽ ngấm dần vào từng đứa trẻ. Mẹ chúng chọn mua món đồ nào, để làm gì, ý nghĩa món đồ đó trong ngày Tết như thế nào? Tại sao mẹ lại chỉ mua trong dịp Tết? Chắc chắn, chúng cũng như cha mẹ chúng, những ký ức đẹp của tuổi thơ theo mẹ đi chợ Tết sẽ theo chúng suốt những năm tháng sau này.
Gìn giữ những nét đẹp cổ truyền
Những năm sau này, cuộc sống đầy đủ hơn thì người ta sắm sửa Tết cũng nhiều, chơi Tết sớm hơn. Hoa tươi, cây cảnh không chỉ có một loại, mà có khi tất cả, từ đào, quất, mai, lan, rồi những loại hoa lạ, chỉ xuất hiện trong cuộc sống hôm nay nhờ công nghệ lai tạo… Hoa tươi được cắm khắp nhà. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, một lọ hoa thược dược với chút violet tím, vẫn là lọ hoa không thể thiếu, và vẫn giữ được nét đẹp cổ truyền.
Mâm cơm Tết giờ đây cũng đầy đủ hơn, nhiều món lạ hơn; tuy nhiên vẫn không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, giò chả, măng ninh và nem rán. Những cái gì thuộc về cổ truyền, vẫn luôn được gìn giữ và chú trọng giữa cuộc sống hiện đại hôm nay.
Những ngày cuối năm tháng Chạp, cũng là lúc mà con người chạy đua với thời gian. Có đủ việc để làm trong quãng thời gian ít ỏi này. Người thì cố gắng “cày” thêm để có được cái Tết ấm cúng, đầy đủ hơn. Người sung túc hơn thì nghĩ đến việc chơi tết. Bắt đầu là những cuộc tất niên, tổng kết; rồi các gia đình cũng tổ chức những bữa tiệc cuối năm. Cũng thời gian này, nhà nhà dọn đồ, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp, từ sơn nhà, giặt giũ chăn màn, rèm cửa; tiếp nữa là chuẩn bị đồ ăn, quần áo mặc; rồi chuẩn bị sửa soạn đầu tóc, mắt môi… Tất cả cho một cái Tết trọn vẹn nhất.
Khi đất trời giao hòa, đêm 30 tháng Chạp, bàn thờ đã đủ đầy; ánh đèn điện thờ, màu sắc của những đồ lễ, hoa quả, cây lá; khói hương nghi ngút, mùi thơm của hương hoa tỏa ra khắp gian thờ, và con cháu đã tề tựu đầy đủ thì cũng là lúc sắp bước sang một mùa xuân mới, với tất cả những hy vọng mới vào một năm mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.