Lan tỏa ý thức phòng cháy trong mỗi gia đình

Thứ Sáu, 06/10/2023, 08:30

Trước những thiệt hại nặng nề do các vụ cháy gây ra ở một số tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo PCCC và CNCH các cấp của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề cao phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 14/1/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, đề ra nhiệm vụ cụ thể: phấn đấu hết năm 2023 mỗi gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; vận động mỗi gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy.

Tuyên truyền sâu rộng

Đại tá Nguyễn Hữu Thăng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 16 của UBND tỉnh, đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai và chỉ đạo quyết liệt với quan điểm: lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; lấy phòng ngừa là chính và phát huy tối đa các lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy. Trong đó, yêu cầu đến hết 30/9/2023, 50% hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay và phấn đấu hết năm 2023, 100% gia đình có bình chữa cháy.

Lan tỏa ý thức phòng cháy trong mỗi gia đình -0
Người dân khối 1, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn thực tập cách sử dụng bình chữa cháy.

Để đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các đơn vị Công an trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tăng cường tuyên truyền, vận động, đưa phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” lan tỏa sâu rộng. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền lưu động; phổ biến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, khối phố, sinh hoạt hội đoàn thể… Nội dung tập trung tuyên truyền tình trạng mất an toàn về PCCC tại các khu dân cư, các gia đình; những thiệt hại về người và tài sản trong một số vụ cháy, nổ xảy ra gần đây ở các địa phương…

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành kế hoạch, công văn yêu cầu 100% cán bộ, công chức, đảng viên mua sắm bình chữa cháy và thiết bị cần thiết phục vụ chữa cháy, CNCH. Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH huyện Cao Lộc cho biết: Nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã ban hành văn bản triển khai, trong đó tập trung tuyên truyền chủ hộ trang bị những thiết bị cần thiết PCCC. Kết quả, tính đến cuối tháng 9/2023, toàn huyện đã có 64% số gia đình mua bình chữa cháy…

Cùng với Cao Lộc, công tác tuyên truyền, vận động mua sắm bình chữa cháy đã được các huyện, thành phố trên địa bàn quan tâm thực hiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền trên loa truyền thanh ở xã, phường, thị được hơn 11.500 lượt; treo hơn 4.880 băng rôn, pa nô, áp phích, phát gần 95.000 tờ rơi tuyên truyền về PCCC và vận động các tầng lớp nhân dân mua bình chữa cháy. Đồng thời, các cơ quan thông tin đại chúng đã xây dựng, đăng tải được gần 200 tin, bài, phóng sự, clip về PCCC và sự cần thiết trang bị bình chữa cháy trong gia đình; cấp ủy chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên màn hình công cộng được hơn 311.000 lượt; đăng tải gần 300 tin, bài trên cổng thông tin điện tử và mạng xã hội zalo, facebook…

Ông Mai Xuân Chương, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khối có 8 tổ dân phố, với 527 hộ dân, hơn 110 đảng viên. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, chi bộ đã phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố và Đảng ủy phường đến đảng viên tại các buổi sinh hoạt chi bộ, cập nhật lên nhóm zalo để từng đảng viên theo dõi, nghiêm túc thực hiện và vận động người thân, hàng xóm cùng thực hiện, đồng thời chủ động tự trang bị đầy đủ bình chữa cháy cũng như kỹ năng sử dụng. Đến hết tháng 9/2023, khối có trên 90% đảng viên và hơn 50% số hộ đã mua bình chữa cháy.

Chủ động hỗ trợ người dân trang bị thiết bị chữa cháy

Bên cạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chủ động trang bị bình chữa cháy, các cấp, ngành, các đơn vị Công an trong toàn tỉnh còn phối hợp hỗ trợ mua sắm, tặng bình chữa cháy cho người dân, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Thượng úy Lý Hùng Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Chi Lăng cho biết: Để mỗi gia đình đều trang bị được bình chữa cháy, ngoài vận động, Công an huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm hoặc tặng bình chữa cháy cho các gia đình, tập trung hướng về hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Đơn cử, trong tháng 9/2023, đơn vị đã phối hợp với một số doanh nghiệp tặng hơn 100 bình chữa cháy cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại một số xã trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, đến 20/9, huyện Chi Lăng đã đạt chỉ tiêu 50% gia đình có bình chữa cháy và đến 30/9, toàn huyện có 12.837/18.329 hộ có bình chữa cháy, đạt tỷ lệ 70%; trong đó 100% gia đình cán bộ, công chức, viên chức đã mua bình chữa cháy.

Theo thống kê trong 2 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 1.000 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã được hỗ trợ trang bị bình chữa cháy. Quá trình trao tặng, lực lượng chức năng đã kết hợp hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy cho người dân nắm được để thực hiện khi có tình huống xảy ra.

Với sự vào cuộc tích cực, cùng với những giải pháp phù hợp, hiệu quả ở từng địa bàn, sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của người dân, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đến hết 30/9, toàn tỉnh có 101.689/192.666 hộ dân có bình chữa cháy, đạt 52,78% (vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra).

Anh Lý Văn Thêm, thôn Bản Chu A, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh đồ gia dụng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, tôi đã tự trang bị 2 bình chữa cháy xách tay và được các đồng chí Công an xã hướng dẫn kỹ năng sử dụng cũng như cách xử lý khi có cháy, nổ. Không riêng gia đình tôi mà các hộ dân trong thôn cũng quan tâm mua bình chữa cháy cho gia đình”.

Cùng với trang bị bình chữa cháy, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng còn tích cực tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy cho người dân. Tính từ 1/6 đến nay, toàn tỉnh có đại diện của 183.096 hộ đã được tập huấn kiến thức về PCCC và sử dụng bình chữa cháy, đạt 95%; đồng thời, có 257 “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tỉnh đã được Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH các cấp tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH, trong đó có nội dung thực tập cách sử dụng bình chữa cháy.

Nhờ được tuyên truyền sâu rộng, các tầng lớp nhân dân đã ý thức hơn trong việc chủ động PCCC, mỗi hộ gia đình đã và đang tự trang bị bình chữa cháy và các phương tiện, thiết bị chữa cháy khác. Từ đó, góp phần thực hiện tốt phương châm: “Từng nhà an toàn – Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn – Từng khu phố an toàn – Từng xã, phường, thị trấn an toàn” về PCCC.

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn và xử lý các sự cố, đám cháy nhỏ ngay từ ban đầu là vô cùng quan trọng, trong đó 5 phút đầu khi sự cố cháy xảy ra được gọi là “thời gian vàng” trong dập tắt sự cố cháy. Trong đó, bình chữa cháy là một trong những thiết bị chữa cháy ban đầu quan trọng và hiệu quả nhất, góp phần dập tắt sự cố cháy ngay từ khi mới phát sinh, tránh để lửa bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho mỗi gia đình, khu dân cư. 

Thủy Quyên – Hoàng Huấn
.
.
.