Cam go cuộc chiến chống ma túy ở TP Hồ Chí Minh

Kỳ cuối: Cần các giải pháp hữu hiệu cai nghiện và quản lý người nghiện

Thứ Hai, 27/05/2024, 08:11

Ma túy được xã hội ví là "cái chết trắng" với những người nghiện. Sau những hệ lụy tiêu cực, nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội, hành trình cai nghiện ma túy (CNMT) đối với người nghiện để cắt cơn, từ bỏ và đoạn tuyệt được với thứ ma mị, ảo giác chết người này cũng đầy gian nan, khổ cực…

Số lượng người cai nghiện tập trung sẽ còn tăng

Được sinh ra ở quê một tỉnh miền Bắc, D.M.L cùng hai em lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình… Nhưng dòng chảy cuộc sống vốn luôn thay đổi, bố mẹ L. ngày càng mâu thuẫn lục đục rồi dẫn tới ly hôn.

"Lúc đó, em cũng chẳng hiểu tại sao ba mẹ lại ly hôn, chỉ nghe tòa án xử cho ba anh em em sống với ba. Vậy là từ đó, em theo chân ba vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, bỏ lại tất cả mọi thứ ở quê...", L. kể lại.

Kỳ cuối: Cần các giải pháp hữu hiệu cai nghiện và quản lý người nghiện  -0
Cơ sở cai nghiện ma túy Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

Thời gian đầu, L. tiếp tục được học tập đàng hoàng nhưng rồi L. ngày càng chểnh mảng. Sự tò mò của tuổi mới lớn, đua đòi và thể hiện bản thân, trong những lần đi chơi cùng đám bạn, L. thấy đám bạn cầm tờ tiền đã được cuộn tròn rồi dùng bật lửa đốt thứ màu trắng được để trên tờ giấy bạc rồi hít khói của nó. Sau khi hít xong, L. thấy bạn mắt đứa nào cũng lim dim.

Sau vài lần, thấy bạn sử dụng, L. đã dùng thử, phần vì tò mò, phần vì muốn thể hiện bản thân… Sau đó, để có tiền thỏa mãn những cơn thèm ma túy, thời gian đầu, L. còn nói dối để xin tiền. Đến lúc chẳng còn lý do nào để nói dối được nữa, L. đã ăn trộm tiền của nhà, thậm chí liều bán luôn chiếc xe máy của bố để có tiền thỏa mãn những cơn đói thuốc... Sau nhiều lần như vậy, gia đình cũng phát hiện và chuyện cha con L. trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, cuối cùng cái kết là gia đình phải bằng mọi cách đưa L. đi cai nghiện tại Cơ sở CNMT Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh)…

Ngược lại với trường hợp của học viên D.M.L, học viên N.P lớn lên trong sự chiều chuộng, chăm sóc của cha mẹ và tình yêu vô bờ của gia đình, dòng họ. Học hết cấp 3, rồi thi đậu vào đại học, P. luôn là niềm tự hào của gia đình. Nhưng trong thời gian chờ nhập trường, những cuộc vui "tẹt ga" cùng bạn bè đã cuốn hút P. rồi P. cũng vướng vào ma túy.

Kể từ đó, P. dần dần đánh mất chính mình. P. nghiện ma túy là sự thật phũ phàng giáng một đòn quá mạnh, làm sụp đổ hoàn toàn niềm tin, hy vọng mà bấy lâu nay cha mẹ dành cho P. Sau nhiều ngày tự cai ở nhà không được, gia đình đã liên hệ và đưa P. lên Cơ sở CNMT Nhị Xuân để cai nghiện…

Chỉ một vài trường hợp điển hình cũng cho thấy việc dính vào và nghiện ma túy khá dễ dàng, ảnh hưởng tới tương lai bao cá nhân và gia đình, xã hội. Đáng buồn là số người trẻ nghiện ma túy tăng theo hàng năm.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, kết quả thống kê của cơ quan chức năng tính đến ngày 15/3/2024, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 20.716 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, các cơ sở CNMT của thành phố đang quản lý 13.795 người, tăng 76,38% so cùng kỳ năm trước.

Lý giải vì sao số người nghiện được đưa vào các cơ sở cai nghiện của thành phố tăng cao, ông Lê Văn Thinh cho biết có nhiều nguyên nhân. Trước hết, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, hiện nay công tác rà soát, thống kê, kiểm tra, phát hiện, đưa người sử dụng ma túy, người nghiện vào chương trình quản lý được thực hiện thường xuyên hơn. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy và phát động nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm nên cũng đã phát hiện, lập nhiều hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở CNMT.

Mới đây, HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết 21 về quy định chính sách hỗ trợ đối với người CNMT và người sử dụng trái phép chất ma túy bị tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện tại cơ sở CNMT công lập. Trong đó hỗ trợ 100% kinh phí cho người CNMT tự nguyện, nên đã khuyến khích người nghiện đi cai nghiện tại các cơ sở CNMT. Điều này cũng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong công tác lập hồ sơ CNMT trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế việc số lượng học viên CNMT tăng nhanh cũng đang gây áp lực lớn lên hệ thống cơ sở cai nghiện của thành phố. Các cơ sở phải chủ động tăng cường nhân sự, thời gian làm việc để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại đơn vị; không để thẩm lậu chất cấm, vật cấm vào cơ sở. Trong quý I/2024, các cơ sở đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý 7 vụ học viên tự hủy hoại thân thể; 137 học viên với 74 vụ đánh nhau; 2 vụ với 3 học viên gây rối; 14 vụ với 16 học viên không chấp hành điều động của nhân viên quản lý…

Theo ông Lê Văn Thinh, dự báo số lượng người cai nghiện tập trung sẽ còn tăng, nên thành phố đã có sự chủ động chuẩn bị, bố trí sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo cơ sở vật chất, nhân sự và các vấn đề khác có liên quan để tiếp nhận, quản lý tổ chức cai nghiện đảm bảo hiệu quả cho người CNMT…

Kỳ cuối: Cần các giải pháp hữu hiệu cai nghiện và quản lý người nghiện  -0
Cán bộ tham vấn cho học viên cai nghiện.

Tăng cường quản lý người nghiện để tránh hậu họa

Thực tế cho thấy, hiện nay loại ma túy được sử dụng phổ biến nhất vẫn là ma túy tổng hợp dạng tinh thể (Methamphetamine), dạng bột (Ketamine) và thuốc lắc (MDMA) chiếm đến 98% tổng số vụ phát hiện xử lý. Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu là người trẻ, tập trung trong độ tuổi 20-30 (chiếm 82%). Thực trạng trên đã, đang gây nhiều hệ lụy, bất ổn cho xã hội với không ít vụ án đau lòng đã xảy ra. Và kéo theo đó là công tác cai nghiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc…

Theo Công an quận 1, việc xác định tình trạng nghiện hiện còn nhiều bất cập, khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự bác sĩ có đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện còn thiếu. Kinh phí phục vụ công tác chưa đảm bảo, quá trình lập hồ sơ, như xác định tình trạng cư trú, kinh phí hỗ trợ ăn uống, khám, chữa bệnh cho đối tượng nghiện trong thời gian lập hồ sơ đưa vào Cơ sở Thanh Thiếu niên 2 quản lý tại Công an phường. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho nhu cầu ăn uống, khám, chữa bệnh cho đối tượng nghiện trong thời gian lập hồ sơ ban đầu chủ yếu là do CBCS ca trực Công an phường khi tiếp nhận xử lý đối tượng nghiện tự bỏ kinh phí ra giải quyết…

Trong khi đó, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, công tác CNMT tại các cơ sở cai nghiện ngày càng được nâng cao về chất lượng, môi trường cai nghiện ngày càng thân thiện, công tác quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề ngày càng đổi mới, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai cũng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Công tác CNMT tự nguyện cũng còn hạn chế, bất cập như: Người nghiện và gia đình người nghiện thường trốn tránh, chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại cộng đồng, nhiều người nghiện lang thang, gia đình khó khăn không có kinh phí thực hiện cai nghiện tự nguyện…

Chưa kể công tác quản lý người nghiện tái hòa nhập cộng đồng về địa phương còn nhiều khó khăn, ít người cai nghiện hoàn thành xong thời gian cai nghiện trở về địa phương trình báo với chính quyền để tiếp tục quản lý sau cai nghiện theo quy định, nhất là người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định…

Để đảm bảo công tác tổ chức CNMT đạt hiệu quả cao, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với TAND thành phố, Viện KSND thành phố xây dựng quy chế phối hợp, đẩy nhanh quy trình đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở CNMT tập trung... Sau khi cai nghiện hoàn tất, ngành LĐ-TB&XH còn tiến hành hỗ trợ nghề nghiệp cho người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Cụ thể, số người cai nghiện được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm trong năm 2023 là 2.157 người…

Ông Trương Văn Hậu, Giám đốc Cơ sở CNMT Nhị Xuân cho biết, hiện Cơ sở CNMT Nhị Xuân đang quản lý hơn 2.000 học viên, người nghiện ma túy, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ cho việc tiếp nhận, cắt cơn giải độc, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy… Ở môi trường điều trị, học tập, lao động nghiêm túc, những người đã từng sử dụng ma túy đều tỏ ra hối tiếc vì sự lầm lỡ của mình. Đa số đều có cùng mong muốn và hy vọng khi được trở về với gia đình, đoạn tuyệt được với ma túy và sẽ không bị kỳ thị, xa lánh và tìm được công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân. Điển hình như 2 trường hợp học viên D.M.L và N.P kể trên đã cai nghiện thành công.

Về phía Cơ quan Công an, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Công an thành phố đã có nhiều giải pháp để quản lý người nghiện ma túy. Theo đó, Lãnh đạo Bộ Công an và Công an thành phố đặc biệt quan tâm đến việc quản lý người nghiện và đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 31/KH về quản lý và xử lý tình huống đối tượng ngáo đá thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hiện Công an thành phố đã lập danh sách và hồ sơ người nghiện theo hướng dẫn số 9908/HD-SLĐTBXH-CATPHCM về công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, CNMT và quản lý sau CNMT.

Cụ thể, Công an thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật số liệu người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ; chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNMT bắt buộc; tập trung triển khai các giải pháp, nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy, không để phát sinh tội phạm và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố…

Đặc biệt, Công an thành phố đã khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai; chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn triển khai quyết liệt công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai…

Đồng thời, Ban giám đốc Công an thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, nhất là tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gia đình người nghiện, phát huy vai trò của người dân, gia đình và xã hội trong việc phát hiện, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Phú Lữ
.
.
.