Kon Tum xảy ra 43 trận động đất trong 2 ngày
Trong ngày hôm nay (29/7), tính đến 15h14 phút, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã phát đi 23 thông báo động đất liên tiếp ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Như vậy, trong 2 ngày từ 28/7 và đến cuối chiều 29/7, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu 43 trận động đất, trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 5.0 độ richter xảy ra vào trưa ngày 28/7 gây rung lắc mạnh ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tần suất xảy ra động đất ở Kon Tum trong 2 ngày qua được cho là kỷ lục ở khu vực này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, chưa bao giờ ở Kon Tum lại liên tiếp xuất hiện nhiều trận động đất như thế. Trận động đất mạnh 5.0 độ richter trưa ngày 28/7 cũng là trận mạnh nhất từ trước đến nay ở đây ghi nhận được.
Theo số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ richter.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó có những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ richter, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ richter.
Theo ông Xuân Anh, động đất kích thích là nguyên nhân gây ra động đất ở Kon Tum. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Tuy nhiên vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Hiện nay Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
Ông Xuân Anh khuyến cáo, hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Ngày 29/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông sau động đất. Huyện Kon Plông là nơi được quy hoạch nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ. Các trận động đất được xác định là động đất kích thích, có thể do thủy điện tích nước gây ra. Cụ thể, trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, nhà ở khu vực trung tâm huyện Kon Plông chủ yếu là nhà cấp IV được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông. Còn nhà người dân miền núi gần vùng lòng hồ thủy điện đa số làm bằng gỗ. Đáng lo ngại nhất là các loại công trình có kết cấu cứng, khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt bê tông… và có thể đổ sập.