Khuyến cáo an toàn PCCC đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Thứ Sáu, 24/05/2024, 17:08

Các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Để đảm bảo các điều kiện về PCCC, người dân hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ khi có cháy xảy ra.

Hiện trường vụ cháy nhà dân tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 24/5 cho thấy, xe máy của người thuê trọ và xe đạp điện, xe máy điện của cửa hàng Anh Hùng chuyên mua bán - sửa đã để kín sân, chặn hết lối thoát nạn bên dưới và duy nhất của ngôi nhà trọ. Khi xảy ra cháy đã bùng phát ngọn lửa rất lớn, khói đen dày đặc khiến cho người trong nhà không thể thoát ra ngoài qua cửa chính tầng 1 và chặn luôn lối vào cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng Cảnh sát PCCC, cũng như công tác chữa cháy.

Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh -0
Phía ngoài cổng ngôi nhà xảy ra cháy khiến 14 người tử vong.

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân cần lưu ý các vấn đề sau đây khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt:

Thứ nhất, mỗi gia đình cần dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp bố trí lồng, lưới sắt phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh -0
Cảnh sát PCCC và CNCH nỗ lực dập lửa từ lối cổng chính duy nhất của ngôi nhà.

Thứ hai, phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Đáng chú ý, trước khi đi ra khỏi nhà và khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết hoặc rút phích cắm ra khỏi ổ điện để đảm bảo an toàn PCCC.

Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh -0
 Nhiều xe điện được xếp ở tầng 1 của ngôi nhà trước thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn.

Thứ ba, bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy; khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt…(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.

Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Bên cạnh đó, ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Cảnh sát PCCC và CNCH lưu ý, không nên để ô tô trong nhà ở, phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh -0
Lửa đã thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân. 

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Trường hợp sử dụng bếp dầu để đun, nấu cần phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.

Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

Ngoài ra, cần lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: nước, chăn, bình chữa cháy xách tay…để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: búa, kìm cộng lực, xà beng,…

Khi xảy ra cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra khỏi khu vực cháy; nếu phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114.

M.Hiền
.
.
.