Không nên cấm người dân đi bộ, chụp ảnh trên cầu Long Biên

Thứ Tư, 08/06/2022, 10:47

Trước việc cầu Long Biên xuống cấp, những tấm biển cấm người đi bộ, xe thô sơ chở hàng nặng, xe ba gác, ô tô qua cầu đã được cơ quan chứng năng cắm ở hai đầu cầu. 

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT Hà Nội) thông tin, qua các thời kỳ, cầu Long Biên vẫn giữ nhu cầu phát triển. Để phát triển mạng lưới quy hoạch các tuyến đường sắt, Bộ GTVT đã nghiên cứu và được Thủ tướng phê duyệt mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, Bộ GTVT và UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao cho đơn vị đương sắt tiến hành rà soát, bàn giao hồ sơ liên quan tới các tuyến đường sắt. Hiện nay, hồ sơ tuyến đường sắt số 1 đang được triển khai bàn giao về thành phố Hà Nội. Trên tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên, sẽ có cầu bắc qua sông Hồng, do đó, phương án thêm một cây cầu nữa để giảm tải cho cầu Long Biên sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện.

Nhắc đến việc dừng công năng của cầu Long Biên, ông Trần Đăng Hải khẳng định: "Hiện chúng ta đang nghiên cứu xem xét, chưa bàn đến việc dừng hay không".

Không nên cấm người dân đi bộ, chụp ảnh trên cầu Long Biên -0
Phần chính của cầu là dành cho đường sắt chạy qua.

Chúng ta làm thế nào để đảm bảo an toàn cho cây cầu, khi mà chưa nắm được thời gian thi công cây cầu mới? Trả lời cầu hỏi này, ông Vũ Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng- Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ trùng với tuyến quốc gia, đi qua và giảm tải cho cầu Long Biên. Trong khi chờ cây cầu mới này, Bộ đã giao cho Tổng Công ty kiểm định cầu Long Biên để bố trí vốn sửa chữa tổng thể. Trong năm 2022, sẽ cho tiến hành sửa chữa cầu đường bộ. Các hạng mục khác sẽ tiến hành rà soát, đưa vào quy mô lâu dài.

 Xung quanh câu chuyện cầu Long Biên xuống cấp, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, chức năng hiện nay cây cầu vẫn là huyết mạch của đường sắt. Gần đây nhà nước đã có động thái quan tâm hơn đến đường sắt, trên cơ sở đó sẽ xử lý điều chúng ta đang quan tâm, làm sao để di dời đường sắt ra bên ngoài, không nên để xuyên qua lòng thành phố. Còn đã là cầu, thì phải để đi lại, phải tính toán cho phù hợp với lưu lượng và nhu cầu người dân. Không có vị trí nào đứng nhìn Hà Nội đẹp như đứng trên cầu.

"Cho nên, theo tôi, nên nhìn đó là mục tiêu chính, chứ không nên cấm người dân. Cầu Long Biên, là một giá trị vật thể cần bảo tồn", nhà sử học nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng hiến kế thêm: Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, vừa là cầu di sản cần bảo tồn, vừa là cầu đáp ứng nhu cầu giao thông cho người dân hai bên. Một ngày kia Hà Nội không còn cầu Long Biên, người dân sẽ cảm thấy như thê nào? Phá đi thì dễ, chứ dựng lại mới khó, giá trị sẽ mất đi.

Về giải pháp cấm đi bộ trên cầu, theo GS Dương Trung Quốc, nên phân giờ đi trên cầu Long Biên, giờ dành cho người đi bộ, giờ dành cho người đi xe đạp, cho xe máy. Đừng ngăn chặn ý nghĩa tốt đẹp như đi bộ tập thể dục, chụp ảnh cưới …của người dân.

Cùng với đó, để giải quyết vấn đề cầu Long Biên xuống cấp, mình Bộ GTVT rất khó để quyết đinh tương lai của cây cầy, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành khác và người dân.

Phạm Huyền
.
.
.