Kết nối giúp đỡ gia đình các nạn nhân bị lừa ra nước ngoài lao động trái phép

Thứ Năm, 15/09/2022, 07:17

Phòng An ninh đối ngoại (ANĐN) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do tin vào lời của các đối tượng quen biết qua mạng xã hội hứa hẹn về công việc ổn định, lương cao nên nhiều thanh niên ở địa bàn tỉnh đã bị sập bẫy lừa, bị dẫn sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Hiện, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, xác minh các nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời…

Điển hình trường hợp em Nguyễn V.T., sinh viên của một trường đại học ở TP Huế. Bị các đối tượng dụ dỗ qua Campuchia làm việc với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng nên T. giấu gia đình bỏ học, theo các đối tượng vượt biên sang Campuchia. Hơn 1 tháng T. sang nước ngoài lao động trái phép, bố mẹ em luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng. Để chuộc T. về Việt Nam, gia đình T. đã vay mượn gần 100 triệu đồng chuyển cho các đối tượng.

Kết nối giúp đỡ gia đình các nạn nhân bị lừa ra nước ngoài lao động trái phép -0
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp gỡ, động viên nạn nhân vừa trở về từ Campuchia.

“Công việc chính của em khi làm việc tại Campuchia là tìm kiếm danh bạ, thông tin khách hàng và sau đó chuyển cho các đối tượng. Chúng yêu cầu em mỗi ngày phải tìm đủ thông tin 4 khách hàng và nếu không đáp ứng đủ số lượng sẽ phải làm việc thêm giờ, tăng ca. Do bị áp bức, không chịu nổi với cường độ lao động do các đối tượng đặt ra nên sau 1 tháng làm việc em phải cầu cứu gia đình gửi tiền qua để chuộc về”, em T. trình bày.

Tương tự, em Lê V. H. (trú ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) cũng vừa từ Campuchia trở về nhà sau khi gia đình bỏ ra gần 200 triệu đồng để chuộc người. Theo lời kể của H., học xong lớp 12, nghe bạn bè rủ rê nên H. giấu gia đình sang Campuchia lao động trái phép. Hơn 6 tháng làm việc cho các đối tượng, H. và nhiều thanh niên là người Việt Nam bị các đối tượng áp bức, làm việc trong môi trường hà khắc. Nếu tháng nào làm việc không đạt năng suất, em bị các đối tượng đe dọa, chích điện.

Để chứng minh, H. cho chúng tôi xem đôi tay với những vết sẹo do bị các đối tượng hành hạ, còng tay. Chị Phan T.Đ.T. (trú ở TP Huế, chị gái của một nạn nhân bị lừa sangCampuchia) cho biết thêm,do tin lời quảng cáo trên Facebook nên em trai của mình đã bị lừa đưa sang Campuchia và bị nhốt trong tòa nhà biệt lập. Mỗi ngày, em trai chị T. và các nạn nhân phải làm việc liên tục từ 15 đến 16 giờ, bị quản lý công ty đánh đập.

Sau hơn 1 tháng, em trai chị T. không chịu được nữa xin nghỉ việc thì công ty yêu cầu phải trả hơn 90 triệu đồng gọi là tiền chi phí và bồi thường hợp đồng lao động. Không còn cách nào khác, em trai chị T. liên lạc về gia đình để xin chuyển tiền sang Campuchia chuộc người.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhận được nhiều đơn thư trình báo của người dân về việc con em họ bị lừa đưa ra nước ngoài lao động trái phép. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định có 18 trường hợp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là ở Campuchia. Trong đó xác định có nhiều trường hợp được nhận vào làm việc ở công ty nước ngoài và bị ngược đãi, đánh đập.

Thượng tá Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng ANĐN Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi tiếp nhận đơn thư trình báo của người dân về việc có con em bị lừa sang nước ngoài lao động trái phép, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ về gia đình nạn nhân để động viên, trấn an người thân nạn nhân. Đồng thời, xác minh thông tin về các đối tượng đưa nạn nhân vượt biên trái phép sang Campuchia, phối hợp với các đơn vị chức năng để điều tra, xác định có hay không các hành vi đưa người xuất cảnh trái phép, buôn bán người, đồng thời có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân kịp thời.

Trước tình trạng người dân bị dụ dỗ đưa sang nước ngoài lao động trái phép dẫn đến nhiều hệ lụy, cùng với công tác điều tra, xử lý, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành làm việc, phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên và thực hiện một số nội dung bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài.

Bà Nguyễn Lê Nhiên Hương, Trưởng phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin trực tiếp từ Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, đơn vị đã kết nối với gia đình các nạn nhân để người thân nạn nhân thực hiện thủ tục theo hướng dẫn của Đại sứ quán. Hoặc có những trường hợp được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hướng dẫn và gửi văn bản đến Sở Ngoại vụ tỉnh và Sở phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn cho người thân nạn nhân thực hiện theo các trình tự thủ tục để hỗ trợ, giúp đỡ đưa nạn nhân về nước.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trao đổi rằng, xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên để tránh bị lừa đảo, người dân muốn xuất khẩu lao động nước ngoài cần hết sức tỉnh táo, tránh bị mờ mắt bởi những lời mời chào về cơ hội “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội và những đối tượng xấu. Người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín do các cơ quan Nhà nước giới thiệu.

Khi thấy mình hoặc người thân là nạn nhân trong các vụ buôn bán người, lừa đảo sang nước ngoài lao động trái phép cần đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế hoặc cơ quan Công an phường, xã gần nhất để trình báo thông tin nhằm được giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Anh Khoa
.
.
.