Hướng Việt hồi sinh sau trận lụt lịch sử

Thứ Hai, 10/07/2023, 07:11

Theo tuyến đường Hồ Chí Minh vắt qua đỉnh Sa Mù cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, đến với xã rẻo cao, biên giới Hướng Việt, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Vừa qua khỏi đỉnh núi này, nhìn xuống thung lũng Tà Rùng của Hướng Việt, nơi sau trận lụt lịch sử tháng 10/2020 ngổn ngang bùn đất và đá núi, nhưng giờ đây màu xanh đã trở lại…

Xã Hướng Việt nằm giữa thung lũng Tà Rùng, bốn phía là rừng và những dãy núi với độ cao từ khoảng 700 đến hơn 1000m so với mặt nước biển. Trước trận lụt lịch sử, cánh đồng lúa Tà Rùng là nơi nuôi sống hàng trăm hộ gia đình Vân Kiều của Hướng Việt. Vào mùa thu hoạch, nhìn từ trên cao, nơi đây đẹp như một bức tranh với gam màu vàng chủ đạo giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thế nhưng trận lụt xảy ra đã biến trung tâm xã Hướng Việt cùng thung lũng Tà Rùng thành một túi bùn đất, đá khổng lồ và bị chia cắt trong nhiều tháng. Cuộc sống con người lúc ấy vô cùng nan giải, phải cần đến sự hỗ trợ tiếp tế từ bên ngoài. Nhưng những trận mưa thời điểm ấy vẫn cứ kéo dài, khiến cho mọi con đường dẫn vào Hướng Việt  đều tiềm ẩn nguy hiểm do sạt lở núi và chìm ngập sâu trong bùn đất, việc đi lại vô cùng gian nan.

Hướng Việt hồi sinh sau trận lụt lịch sử -0
Người dân Hướng Việt phấn khởi vì được mùa.

Báo CAND có nhiều tin, bài tường thuật, phản ánh tình hình, hậu quả của mưa lũ lúc đó trên địa bàn Hướng Việt và tỉnh Quảng Trị nói chung. Đặc biệt là mất mát đau thương, thiệt hại của người dân và cán bộ do hậu quả mưa lụt kể trên gây ra. Vào chiều muộn 17/10/2020, khi đang cố gắng tìm kiếm 7 người dân ở địa phương Hướng Việt đi làm rẫy mất tích, đoạn đến Km193 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Hướng Việt - Quảng Bình (tính từ Quảng Bình vào), đoàn tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ do UBND xã Hướng Việt thành lập đã không may bị lở núi kèm theo lũ quét. Hậu quả, Đại úy Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt hy sinh; Đại úy Biên phòng Lê Văn Dùy, cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt bị gãy chân trái; ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị chấn thương nặng…

Trong hoàn cảnh ấy, Hướng Việt đã may mắn sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong cả nước để tạm thời vượt lên gian khó, sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời đưa bộ máy chính quyền địa phương, trường học, trạm y tế đảm bảo điều kiện hoạt động trở lại.

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt chia sẻ, Hướng Việt có gần 350 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, sống dựa và sản xuất nông nghiệp. Trước thiên tai, theo thống kê số hộ nghèo ở Hướng Việt có khoảng 40%. Vì vậy, một trong những nỗi lo lớn nhất của chính quyền và người dân Hướng Việt là trên 100ha đất trồng lúa và hoa màu đã bị hàng trăm nghìn m3 bùn đất, đá từ dãy núi Ka Lóc vùi lấp, có nhiều nơi bị vùi sâu từ 1-3m, khiến cho vụ Đông - Xuân gần như bỏ trắng. Nếu không thể sớm tổ chức sản xuất thì cuộc sống lâu dài của người dân sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Và thực tế đã cho thấy, sau đợt thiên tai cuối năm 2020, số hộ nghèo của Hướng Việt đã đội lên gần gấp đôi.

Song, người Vân kiều ở Hướng Việt nói chung đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở bản Tà Rùng, mọi người đã cùng nhau góp công, góp sức để khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp, nạo vét lại hệ thống kênh thủy lợi. Giải pháp là, với những nơi có nước thì bà con gieo cấy lúa, những nơi chưa có nước thì trồng sắn, hoa màu chứ nhất định không để bỏ hoang… Thế rồi cùng với thời gian, hàng chục ha đất, ruộng của người dân đã được phủ kín bởi màu xanh của lúa, sắn…

Chị Hồ Dần, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hướng Việt tâm sự, không chỉ ở Tà Rùng, người dân ở các thôn còn lại của xã Hướng Việt như Trăng- Tà Puồng, Ka Tiêng, Xa Đưng… cũng đã đoàn kết, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai. Tùy theo điều kiện canh tác, người dân chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp, cố gắng không để hoang đồng ruộng. Nhờ vậy, đến nay phần lớn diện tích đất ruộng bị vùi lấp từ trận lũ năm 2020 đã được khôi phục, người dân đã đưa vào sản xuất.

Đến Hướng Việt vào những ngày đầu tháng 7/2023, chúng tôi ghi nhận không khí người dân các thôn bản vừa kết thúc xong vụ gặt. Cũng như cách mà họ đã giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai để cứu lấy những thửa ruộng, bà con lại cùng hỗ trợ nhau phơi lúa, kịp thời cất trữ, đảm bảo cái ăn cho nhiều tháng tới. Niềm vui như càng được nhân đôi khi vụ lúa năm nay khắp các thôn bản đều được mùa. Cùng với việc thu hoạch lúa, nhiều gia đình cũng giúp nhau khẩn trương thu hoạch sắn ở những vùng đất thấp để tránh tình trạng có thể bị ngập úng do mưa, lũ trái mùa…

Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Hướng Việt còn cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước với những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của điạ phương mới có thể  giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên bền vững.

Thanh Bình
.
.
.